Minh họa: DAD |
Ngay từ khi hai cu cậu lít nhít, “trứng gà, trứng vịt” về sống chung một nhà, tự dưng bị “gò” vào mối quan hệ gia đình có cha, có mẹ đầy đủ như ai nhưng chẳng phải cha ruột đứa này cũng chẳng phải mẹ đẻ đứa kia. Đứa nào cũng thấy thiếu hoặc cha hoặc mẹ, nhưng hình như cũng lại thừa một mẹ, một cha. Đang tuổi ăn, tuổi chơi, hiếu động, “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhận thức còn non nớt đã thiếu thốn tình cảm của bậc sinh thành, lại rơi vào hoàn cảnh không hề đơn giản, không tránh khỏi những so bì. Dăm ngày ba trận, cu anh cu em lại “tỉ thí” một phen để “thăm dò” tình cảm của “mẹ mày” hoặc thái độ của “bố tao”! Thỉnh thoảng đứa này mếu máo: “Mẹ ơi, nó đánh con”, lúc thì đứa kia gào lên: “Bố ơi, nó lấy đồ chơi của con” rồi xông vào đánh vật nhau ồn ã cả nhà cả cửa.
Con anh, con em
Thời gian đầu còn giữ ý tứ, anh giảng hòa, chị nín nhịn. Nhưng về sau, khi đã “chai sạn” với những xung đột của “hai quỷ con” thì cả anh lẫn chị đều hết kiên nhẫn. Anh thì gầm lên không chừa đứa nào, chị thì tru tréo lên bênh con. Anh bực tức: “Còn nhỏ phải rèn giũa, chiều chuộng mãi quen thân, không ai dạy, lớn lên rồi hỏng sớm”. Chị giận dỗi: “Nó còn bé, biết cái gì mà anh quát nó. Con anh có phải vừa đâu, chẳng biết ghê gớm giống ai!!!”. Hai đứa trẻ ngồi im thin thít được một lúc lại thì thào chọc ghẹo nhau: “Bố tao mắng mày đấy nhé, liệu hồn đấy”, đứa kia cãi lại: “Mẹ tao cũng bênh tao đấy. Mày liệu hồn í”.
Khi con đẻ lên lớp 2, anh cho con đi học bơi - tuần vài lần đưa đi đón về, cũng lạm vào một chút thời gian và ngân quỹ - kèm lời hứa hẹn với con chị: “Sang năm hay sang năm nữa thằng cu con nó lớn hẵng cho đi học bơi là vừa”, chị mát mẻ nói với con mình: “Năm nay tập trung vào học cho biết đọc chữ, biết cộng trừ đi rồi sang năm mẹ cho đi học tiếng Anh, chẳng phải thua kém đứa nào. Mẹ đưa đi học rồi mẹ đón về không phải nhờ vả ai cả”. Thế là anh phải đăng ký nốt cho con chị đi học bơi cùng lớp với thằng anh, rồi mất hai ngày thuyết phục chị mới thôi hờn mát mà đồng ý cho con mình đi học cùng con anh.
Chị mua cho con mình bộ quần áo cùng đôi giày thể thao, mua thêm một cái quần bò cho con anh, chẳng may cái quần bò bị chật, thằng bé không ních nổi, lúc ấy anh không nói gì nhưng đến bữa cơm cũng “ngậm tăm” luôn, cả bữa chả nói câu nào, chị hỏi thì ừ ào cho xong rồi khua vội lưng bát cơm và đứng lên. Hôm sau chị phải đi đổi bằng được cái quần bò khác cho vừa và mua thêm một đôi giày nữa cho thằng bé con anh thì “quan hệ song phương” mới trở lại bình thường.
Con chúng ta giúp hòa dịu tình hình
Một năm sau, bé gái “con chúng ta” ra đời. Thêm một đứa trẻ nữa là ba đứa trẻ với ba vị trí, ba mối quan hệ ruột thịt trong gia đình chả đứa nào giống đứa nào, anh chị lo lắng tình hình có lẽ còn “căng” hơn trước. Chỉ sợ bố mẹ chú tâm vào chăm sóc con chung mà lỡ chểnh mảng những đứa con riêng thì chúng nó lại tủi thân, tị nạnh. Nhưng thật may thay, chắc cũng bởi em út lại là một cô công chúa nhỏ xinh xắn, dễ thương nên cả hai cu cậu - dù sao mỗi đứa cũng đều có liên quan một nửa dòng máu ruột rà với cô em út ít - lại rất yêu quý em mình. Cả hai cu cậu bấy giờ vẫn tranh nhau - nhưng không phải là đồ chơi - mà là việc quan tâm, chăm sóc em bé, và tranh nhau trong trật tự. Đứa thì lấy yếm, đứa lấy bình nước cho em khi mẹ cho em bú, đứa lấy khăn, đứa lấy phấn thơm cho em khi mẹ tắm cho bé. Khi bố mẹ bận rộn, cả hai cu cậu cùng ngồi trông em, lắc xúc xắc cho em cười, gọi bố mẹ khi em bé tè dầm.
Nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong thái độ thiện chí và cách ứng xử hòa bình của “con anh” với “con em” cũng như tình cảm của “con anh”, “con em” đối với “con chúng mình”, cả anh và chị đều thấy lòng dịu nhẹ hẳn, và tình yêu thương dâng trào với những đứa trẻ mà nhiều khi anh chị cảm thấy chẳng có sợi dây máu mủ, ruột rà gì với mình, thậm chí có lúc còn “gai gai” trong mắt. Thế mới hay: Chính tâm hồn của con trẻ đã “cải tạo” được tình cảm của người lớn.
Bùi Thúy Hạnh
Bình luận (0)