Vậy là, sau 20 năm kể từ cơn bão Linda hồi cuối năm 1997, bão lại quét qua vùng đất này.
Ký ức kinh hoàng về cơn bão đã từng cướp đi mạng sống của hơn 3.000 người từ 20 năm trước, vẫn còn nguyên đó. Thế nhưng, không phải ai cũng thấm thía về cái giá đã phải trả vì sự chủ quan của mình.
Phải nhắc lại điều đó vì rằng, bão số 16 đã có mặt tại Biển Đông sau khi tàn phá Philippines với hàng trăm người chết, ấy vậy mà chiều 23.12, có người vẫn không tin nên điện thoại hỏi bà Lê Thị Xuân Lan, một chuyên gia về khí tượng thủy văn rằng “bão có vào thật không để họ ra khơi đánh nốt một ngày nữa?”.
Khoa học kỹ thuật ngày nay đã giúp cho ngành khí tượng thủy văn dự báo về các hiện tượng thời tiết, nhất là dự báo các cơn bão với xác suất chính xác rất cao. Vì vậy, đừng lầm tưởng “trời xanh biển lặng” ấy mà nhầm là không có bão như dự báo. Bài học về sự chủ quan trước cơn bão Linda hồi tháng 11.1997 vẫn còn nguyên giá trị. Dạo ấy, có những vị lãnh đạo ở các tỉnh ven biển Nam bộ còn lớn tiếng trách cứ “mấy ông ở trung ương quan liêu chả hiểu gì về thời tiết Nam bộ cả. Làm gì có bão ở vùng đất này mà phòng với chống?”. Thậm chí khi nghe tin bão chuẩn bị vào, nhiều người dân còn kéo nhau đi xem bão cho biết! Kết cục của sự chủ quan ấy như thế nào thì mọi người đã rõ.
Đó là chuyện của 20 năm trước, còn mới đây, người dân Khánh Hòa cũng đã phải trả giá đắt cho sự chủ quan của mình khi bão số 12 ập vào hồi đầu tháng 11.2017. Người dân xem thường bão đã đành, chính quyền các cấp hầu như cũng “phòng chống bão” theo cái cách là làm cho lấy có để trung ương khỏi phê bình mà thôi. Trên 40 người dân đã phải bỏ mạng bên các lồng bè nuôi tôm, cá của mình trên vịnh Vân Phong cũng do chủ quan nghĩ rằng bão sẽ không vào, trong khi chính quyền thì thiếu kiên quyết trong việc buộc họ phải rời khỏi các lồng bè để tránh bão.
Do đặc thù của vùng đất, người dân các tỉnh Nam bộ vốn rất xa lạ với chuyện bão. Vì vậy, chính quyền các cấp ở những tỉnh mà bão số 16 chuẩn bị ập vào cần phải hết sức quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, buộc người dân ở những vùng nguy hiểm phải chuyển dời đến nơi an toàn và phải có sự giám sát chặt chẽ. Cũng cần cảnh giác với tình trạng, hễ thấy chính quyền quay lưng thì dân quay trở lại để coi giữ lồng bè như ở tỉnh Khánh Hòa mới đây.
Với những diễn biến bất thường của thời tiết trong năm qua thì mọi nguy cơ từ thiên nhiên đều có thể xảy ra. Vì vậy, không một ai được phép chủ quan. Đừng đùa với bão!
Bình luận (0)