"Con đường gốm sứ" - dấu ấn 1.000 năm tuổi

01/10/2010 12:37 GMT+7

Những ngày này, đi dọc con đường đê sông Hồng trong nội thành Hà Nội, chúng ta sẽ bắt gặp một bức tranh gốm rực rỡ sắc màu với những "trường đoạn" chuyện kể khác nhau, khái quát phần nào những đặc trưng văn hóa, lịch sử của VN.

"Con đường gốm sứ" dài gần 4km đã thay thế cho bờ đê với những mảng tường bêtông màu xám cũ kỹ và có phần thiếu thẩm mỹ của thủ đô. Đó là dự án văn hóa lớn nhất từ trước đến nay được thực hiện bởi phương thức xã hội hóa khá thành công.

Một ý tưởng lãng mạn

Chủ nhân của ý tưởng “Con đường gốm sứ” là nhà báo, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy - một cô gái sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Thói quen quan sát của nghề báo, niềm đam mê với hội họa và tình yêu Hà Nội đã khiến cô nảy ra ý tưởng biến con đê sông Hồng - con đường hằng ngày cô qua khi đến cơ quan, có không ít đoạn bị bôi bẩn, vẽ bậy - thành một dấu ấn nghệ thuật trường tồn cùng thời gian, ghi lại mốc son khi Hà Nội tròn nghìn năm tuổi.

Thủy nói: “Những gì tôi được chứng kiến tại cuộc khai quật khảo cổ ở trung tâm Hoàng thành Thăng Long vào cuối năm 2003 đã là nguồn cảm hứng rất lớn của tôi cho dự án “Con đường gốm sứ” ven sông Hồng. Những đầu phượng, đầu rồng lớn bằng đất nung, những họa tiết trang trí kiến trúc, những viên gạch hoa cúc dây thời Lý, thạp gốm lớn hoa nâu thời Trần, bình gốm men lam và men trắng thời Lê... đã khiến tôi xúc động mạnh và nghĩ về một dòng chảy lịch sử xuyên suốt được lưu giữ trên chất liệu gốm. Tôi ấp ủ ý tưởng về một con đường gốm sứ để tôn vinh chất liệu gốm truyền thống lâu đời của cha ông và sẽ tái hiện lại một phần những họa tiết hoa văn đẹp theo dòng chảy lịch sử trên con đường này”.

Tháng 11.2006 đề án “Con đường gốm sứ ven sông Hồng - quà tặng Hà Nội nhân 1.000 năm tuổi” đã ra đời. Tuy nhiên từ ý tưởng, lập đề án cho đến việc triển khai, thực hiện là cả một chặng đường dài không ít khó khăn. Phải nói ngay rằng, ngay từ đầu, không ít người đã bày tỏ sự nghi hoặc của mình đối với ý tưởng lãng mạn của Nguyễn Thu Thủy, thậm chí, có người còn nghĩ đó là ý tưởng viển vông, không khả thi và không cần thiết. Nhưng với những gì được chứng kiến ở nhiều công trình kiến trúc ốp gốm của Châu u trong một chuyến theo học về báo chí ngắn hạn ở Đức; với sự hồi sinh của các làng gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng, Bầu Trúc... ở VN; và với cả sự quan tâm thích thú của du khách nước ngoài đối với những sản phẩm gốm truyền thống ấy... Thủy tin là mình sẽ làm được. Sau một năm, tự bỏ kinh phí làm thử một đoạn tranh, đề án đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt và cho phép triển khai theo phương thức có sự hỗ trợ của Nhà nước, xã hội đóng góp kinh phí để các nghệ sĩ thể hiện, sáng tạo. Đầu năm 2008, “Con đường gốm sứ” do Cty nghệ thuật Tân Hà Nội chính thức bắt đầu triển khai.

Một công trình nghệ thuật đa sắc, màu

Theo đề án, “Con đường gốm sứ” khởi đầu từ cửa khẩu Phú Thượng (Tây Hồ) xuôi theo dòng chảy con sông Hồng đến cuối phố Trần Quang Khải giáp với đường Nguyễn Khoái và sẽ có 27 đoạn tranh gốm nối tiếp nhau theo các chủ đề như: “Các họa tiết hoa văn theo dòng chảy lịch sử từ Đông Sơn qua Lý - Trần - Lê - Nguyễn”; “Hoa văn biểu trưng trong văn hóa, kiến trúc của 54 dân tộc anh em”; “Tranh thiếu nhi”; “Tranh đương đại do các họa sĩ trong nước và quốc tế thể hiện”; “Tranh lễ hội dân gian”... Cũng chính từ ý tưởng lãng mạn và ý nghĩa nhân văn của “Con đường gốm sứ”, dự án đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nghệ sĩ trong nước cũng như nước ngoài, nhiều tổ chức quốc tế và các ĐSQ ở VN, các nghệ nhân và các em học sinh... Các họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam, Tùng Ngọc, Công Quốc Hà, Doãn Sơn, Tạ Phương Thảo, Bùi Viết Đoàn, Phan Thanh Sơn, Phạm Viết Anh Trí, Nguyễn Ngọc Tuấn, Nguyễn Mạnh Cường, Đoàn Xuân Tùng... đã gắn bó và đồng hành cùng con đường gốm sứ ngay từ những ngày đầu tiên.

Tháng 3.2008 nghệ sĩ Đan Mạch Michael Geertsen thực hiện đoạn tranh gốm đương đại đầu tiên trên bức tường đê đối diện bến xe Long Biên. Ngay sau đó, các nghệ sĩ quốc tế đã có kế hoạch nhập cuộc: Nghệ sĩ Pháp Dominique de Miscault thực hiện đoạn tranh gốm lấy cảm hứng từ sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của dân tộc Mường (Hoà Bình). Đại sứ quán Hà Lan tài trợ tái hiện lại bầu trời Van Gogh theo ngôn ngữ gắn gốm mosaic đương đại. Nữ họa sĩ người Mỹ gốc Croatia Ana Tzarev thiết kế làm bừng sáng một đoạn đê với các loài hoa nhiệt đới gửi tặng thành phố Hà Nội.

Các bức tranh nguyên mẫu của bà hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật VN - như một món quà thứ hai bà gửi tặng Hà Nội nhân 1.000 năm tuổi. Hai nghệ sĩ Mỹ Joe Breman và Joel Bennett sáng tác những bức phù điêu gốm cho đoạn tranh “Nhịp điệu âm nhạc”. Đầu năm 2010 này, nghệ sĩ gốm người Anh Paul Scott đã dành 3 tuần làm việc tại xưởng Con đường Gốm sứ để thực hiện đoạn tranh mosaic hoa lam nền trắng vừa gợi truyền thống vừa rất đương đại. ĐSQ Argentina tại VN đã hỗ trợ cho ba nữ họa sĩ Argentina Sonja Vitulic, Maria Teresa Bobbio và Cristina Diaz đến VN để tái hiện phong cảnh và thiên nhiên tươi đẹp của Argentina và VN trên con đường gốm sứ. Nghệ sĩ Tây Ban Nha Louis Lambert từ thành phố Madrid đã đến Hà Nội làm việc trong suốt tháng tư cùng các nghệ sĩ Hà Nội chuyển thể sang chất liệu gốm bức phác thảo đã được anh chuẩn bị rất kỹ từ ba tháng trước đó.


Thu Thuỷ bên những bức ảnh Hà Nội xưa tái hiện trên chất liệu gốm. Ảnh: K.A

Bên cạnh đó, hưởng ứng lời kêu gọi trên website của dự án Con đường gốm sứ và thông qua phóng sự về dự án này trên kênh truyền hình CNN hồi tháng 9.2009 gần 100 nghệ sĩ gốm và họa sĩ từ Hungary, Mexico, Brazil, Argentina, Mỹ, Đài Loan, Croatia,...đã gửi những viên gạch nghệ thuật dành tặng Hà Nội. Có những viên gạch được vẽ rất cầu kỳ như một bức tranh nhỏ, có những viên gạch được phủ những men màu lạ mang dấu ấn nghệ thuật làm gốm từ những vùng đất xa xôi. Một nhóm các nghệ sĩ Italia gửi tặng một đoạn tranh gốm ghép từ những viên mosaic đá tự nhiên nguyên bản từ vùng Florence (Italia). Sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn nghệ sĩ quốc tế góp phần làm tăng vẻ đa dạng cho Con đường gốm sứ, cũng như tăng thêm ý nghĩa cho món quà tặng chào đón Thăng Long Hà Nội 1.000 năm.

Riêng Thu Thủy, bên cạnh việc điều hành dự án và trực tiếp vẽ tranh, cô còn dày công thử nghiệm và nung thành công những cột gốm có đường kính lớn (50 - 60cm, cao gần 2 mét), trên đó Thủy tái hiện những bức tranh về Hà Nội xưa (do Tạp chí Xưa và Nay cung cấp). Thủy cho biết, những cột gốm này sẽ là những điểm nhấn trên “Con đường gốm sứ”, nó sẽ giúp cho người thưởng ngoạn hình dung rõ hơn về Thăng Long xưa và Hà Nội nay.

“Con đường gốm sứ” đến nay đã cơ bản hoàn thành, có chiều dài 3.950 mét với diện tích gần 7.000m2. Một trong các sự kiện quan trọng của chương trình kỷ niệm đại lễ là lễ khánh thành và đón bằng công nhận kỷ lục Guinness thế giới cho con đường gốm sứ dài nhất do Tổ chức Guinness thế giới trao tặng sẽ được tiến hành vào ngày 5.10. Đây thực sự là một công trình nghệ thuật mang dấu ấn dài lâu, đánh dấu ngày Thăng Long - Hà Nội tròn 1.000 tuổi.

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.