Tôi gặp Lý sau chuyến biểu diễn thành công của cô tại Festival Huế cùng với những nghệ sĩ đến từ năm châu lục. Những ca khúc của Lê Cát Trọng Lý có thể xếp vào dòng nhạc dân gian đương đại Việt Nam, còn bản thân cô lại đi theo khuynh hướng âm nhạc của các nghệ sĩ quốc tế: tự sáng tác, tự đệm và hát.
“Công việc sáng tác với em tự nhiên, khi đủ ở bên trong thì sẽ chảy ra, cái khó là phải tập hát nhiều lần làm cho bài hát hay hơn” - Lý cho biết. Vì thế mà chỉ trong 2 năm sáng tác Lý đã có 24 bài hát với âm hưởng dân ca, sâu lắng, giàu chất suy tư và trong sáng như con người cô nhạc sĩ trẻ. “Sau Festival Huế em có lời mời biểu diễn trong festival âm nhạc tại Na Uy vào ngày 24.8 và sau đó là festival âm nhạc ở Pháp. Em sẽ gặp nhiều tài năng âm nhạc ở Na Uy và tại đây, bên cạnh những bài hát do em sáng tác như Mùa yêu, Ghen, Hương Lạc, em sẽ hát bài Lý ngựa ô và song ca cùng một nghệ sĩ Pháp bài Lời cầu nguyện dành cho mẹ”, Lý chia sẻ.
Lý sinh ra ở Đà Nẵng và mang trong mình dòng máu của người cha là ca sĩ. Cô vào TP.HCM ba năm trước đây để học violin tại Nhạc viện TP.HCM. Lúc đó, cô không có dự định làm ca sĩ nhưng rồi chị gái mở quán và cô bắt đầu hát tại quán Nếp. Chẳng bao lâu cô đã giành giải thưởng bài hát của năm trong Liên hoan bài hát Việt năm 2008. Sau đó Lý tiếp tục hát tại quán Yên, Acoustic (nơi mà cô có thể hát tiếng Anh thỏa thích). Tháng 8.2009, một nhạc sĩ Pháp tên là Francis Carbrel đã mời cô hát cùng trong buổi biểu diễn của ông tại Hà Nội. Điều này không nằm ngoài thói quen hỗ trợ tài năng trẻ địa phương trong những chuyến lưu diễn nước ngoài của Francis Carbrel. Đến năm 2010, cô lại nhận được lời mời biểu diễn ba đêm tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội ngay trước thềm Festival Huế.
Ba đêm biểu diễn của cô tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội hồi tháng 6 đều bán vé hết veo. Khác với nhiều ca sĩ chạy theo những hào quang và giá trị ảo, Lê Cát Trọng Lý rất khiêm tốn, thực sự biết mình phải làm gì và tự do theo đuổi đam mê âm nhạc. Khi nói về hành trình âm nhạc của mình cô chân thật thú nhận: “Lúc đầu em cũng toan tính giống mọi người, nào là làm blog, đầu tư quần áo thời trang. Sau đó em nghĩ: để làm gì? Điều quan trọng là phải làm nhạc cho tốt”.
Ở Lý toát lên sự nghiêm túc đáng mến và biết tôn trọng những gì mình đang làm, biết tôn trọng khán giả: “Em đã làm CD 3 lần và nợ mẹ 15 triệu, nợ bạn 24 triệu (sau Festival Huế đã trả). Nhưng kết quả chưa ưng ý nên chưa ra mắt. Dự định nhiều sẽ chênh vênh, em muốn làm tốt công việc hiện giờ của mình. m nhạc với em là nghề nghiệp lâu dài. Em muốn phát triển nội lực, sáng tác tốt hơn với tiết tấu chắc hơn, đồng bộ hơn chứ không phải là tự phát”.
Nói rằng không dự định nhiều nhưng dường như một cách rất tự nhiên, Lý vẫn có những chiến lược giản dị và thực tế. Cô cho biết cần học cách thể hiện ca khúc khi chơi một mình hay với ban nhạc, tập luyện thể thao và… ăn cho mập. Lý cũng sẽ hạn chế hát những ca khúc theo đơn đặt hàng dù lợi ích kinh tế không nhỏ vì “sự sáng tạo bị phụ thuộc”. “Em sẽ không phát triển theo hướng một ngôi sao giải trí mà muốn phấn đấu, phát triển theo tiêu chuẩn cao của châu u” - Lê Cát Trọng Lý nói.
Tố Nga
Bình luận (0)