Để có được cơ sở như ngày hôm nay, đôi vợ chồng trẻ Phạm Văn Cường và Nguyễn Thị Hoàn đã phải đi khắp nơi học nghề, từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và cả làng nghề lụa truyền thống Hà Đông. Hiện nay, cơ sở của anh là địa chỉ không thể thiếu trong tour du lịch của khá nhiều du khách nước ngoài.
Anh Cường cho biết: "Đây là cơ sở duy nhất ở xứ cao nguyên này. Du khách đến đây tham quan về quy trình làm nên sản phẩm ươm tơ dệt lụa, đó là cơ hội tạo nguồn thu từ du lịch không chỉ cho cơ sở của tôi mà cho cả ngành tơ tằm Việt Nam". Lúc đầu, cơ sở chỉ có 3 công nhân nhưng nay đã lên đến 30 người làm thường xuyên, đấy là chưa kể sản phẩm anh giao cho người già và trẻ em đem về gia công tại nhà. Nguyên liệu kén anh lấy từ bà con nông dân trong làng nên giải quyết được khá nhiều công ăn việc làm cho người địa phương. Cơ sở của anh được Sở Công nghiệp chọn làm dự án khuyến nông của tỉnh; được đề nghị đầu tư vốn để xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất để phát triển nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống và đào tạo cho 40 lao động lành nghề tại địa phương.
Chị Hoàn là giáo viên nhưng vì công việc làm ăn ngày càng bận rộn nên chị xin nghỉ ở nhà phụ giúp chồng việc kinh doanh. Ngày xưa, chị cũng từng là người buôn kén trong nhiều năm liền, biết rõ về tơ tằm nên cũng dễ dàng khi mở cơ sở kinh doanh riêng. Hiện cơ sở của đôi vợ chồng trẻ này dệt được 1.000 mét vải lụa mỗi tháng. Hằng ngày, hàng chục du khách tìm đến cơ sở của anh để tham quan từng công đoạn sản xuất và mua lụa làm quà biếu.
Anh Choong Sang Yoon, du khách Hàn Quốc cho biết: "Từ lâu sản phẩm tơ tằm của đất nước các bạn đã nổi tiếng, nhưng giờ tôi mới có dịp nhìn thực tế nên rất ấn tượng. Nhân dịp này, tôi mua một ít về làm quà cho mẹ vợ tương lai".
Còn anh Philipp Drechsel (du khách Đức) đã có dịp tìm hiểu về lụa tơ tằm tại TP Hồ Chí Minh, nhưng giờ đây mới có dịp chứng kiến từng công đoạn nên anh hỏi rất kỹ về từng sợi tơ, con kén. So với sắc lụa của các nước mà anh có dịp tìm hiểu thì màu sắc ở đây thật và mịn hơn. Cũng chính vì nhiều du khách đến đây nên anh Cường nghiên cứu rất kỹ về thị hiếu của từng du khách để thiết kế gam màu phù hợp với từng người...
Trong tương lai, anh muốn đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất và đào tạo thợ có tay nghề và kết hợp với các cơ sở khác ở TP Hồ Chí Minh để xuất khẩu.
L.H
Bình luận (0)