Theo tạp chí Science, các nhà nghiên cứu đã phát hiện những món trang sức cổ xưa nhất, có niên đại ít nhất là từ 142.000 đến 150.000 năm trước, trong hang động Bizmoune ở Morocco.
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Science Advances vào ngày 22.9, các nhà khoa học xác định niên đại của 33 vỏ ốc nhỏ đục lỗ là từ 142.000 đến 150.000 năm trước, sớm hơn khoảng 10.000 đến 20.000 năm so với những vỏ ốc được tìm thấy trước đó.
“Những vỏ ốc này có lẽ là một phần trong trang phục giúp người cổ đại thể hiện bản thân. Họ sẽ đeo chuỗi hạt khi gặp gỡ người lạ và mở rộng mạng lưới xã hội”, nhà khảo cổ học tại Đại học Arizona (Mỹ) và là đồng tác giả nghiên cứu Steven L. Kuhn, cho biết.
Theo nghiên cứu, các vỏ ốc được tìm thấy trong một lớp trầm tích có niên đại ít nhất là 142.000 năm trước. Phát hiện này đã đẩy mốc thời gian con người sử dụng trang sức từ thời đại đồ đá giữa lên cuối kỷ Pleistocen giữa.
Khám phá này cũng cho thấy rằng loài người ở Bắc Phi đã làm đồ trang trí từ rất lâu trước các đồng loại ở những khu vực khác của châu Phi và châu Á.
“Các đồ trang trí như chuỗi hạt là một trong những dấu hiệu sớm nhất của hành vi tượng trưng ở tổ tiên loài người. Sự xuất hiện của hành vi này báo hiệu những bước phát triển quan trọng về cả nhận thức và quan hệ xã hội”, các nhà khoa học viết trong nghiên cứu.
Các vỏ ốc trong nghiên cứu được khai quật từ năm 2014 đến năm 2018 và đều là vỏ của loài Tritia gibbosula đục lỗ. Trừ một chiếc, tất cả vỏ ốc còn lại đều được tìm thấy trong cùng một lớp đất với các công cụ bằng đá và xương động vật.
Theo Bảo tàng Victoria và Albert (Anh), những loại trang sức sớm nhất của loài người được làm từ vỏ sò, đá và xương. Người tiền sử đeo những món đồ trang sức như vậy "để xua đi nguy hiểm hoặc thể hiện địa vị".
Bình luận (0)