Lặng nghe một bản bolero, thấy vui sướng và an lành đến lạ! Chẳng có gì xa hoa, tốn kém nhưng thấy như hồn mình được “ủi” phẳng phiu trở lại dưới sức nóng của “chiếc bàn ủi ký ức”. Chợt nghĩ bấy lâu ta đã quá tham, chưa thể buông bỏ những điều làm bước chân thêm nặng...
Cái khổ thứ nhất
Ông bà sống cùng con cháu theo kiểu mẫu gia đình tam đại đồng đường. Mỗi tầng lầu là một gia đình nhỏ của ba người con, còn ông bà ở ngay tầng trệt. Tất nhiên, khi sống chung đụng thì sẽ có những va chạm, bất đồng dù cố tránh đến mấy. Khi những mâu thuẫn đã lên đến đỉnh điểm mà không thể hóa giải thì có lẽ cần một sự sắp xếp, tính toán khác. Ấy thế mà ông bà nhất quyết không đồng ý cho bất kỳ gia đình nhỏ nào ra riêng, vì gia đình họ lâu nay vốn nổi tiếng nền nếp và danh giá, ai cũng khen ông bà có phúc và khéo léo nên trên thuận dưới hòa.
Ông bà muốn giữ gìn một hình ảnh hoàn mỹ để mọi người phải ngưỡng mộ và thán phục.Ông bảo, có muốn ra riêng thì đợi ông bà mất đi rồi mới được phép, chứ giờ làm vậy thì ông sẽ từ mặt. Dù rất khổ tâm khi phải thường xuyên đứng ra dàn xếp, phân xử nhưng ông bà cương quyết không thay đổi. Cái khổ ấy, chẳng phải là sự đòi hỏi, cầu toàn quá mức chăng?!
Cái khổ thứ hai
Chị là một phụ nữ hai giỏi, được nhiều người nể trọng. Những đồng nghiệp nam cứ ao ước có một người vợ như chị. Có mấy người đàn ông tán tỉnh chị. Chị quyến rũ và đẹp trong mắt mọi người xung quanh, trừ chồng chị. Anh ta “chăn rau sạch” từ khi chị hãy còn trẻ đẹp lắm. Hai đứa con khuyên mẹ ly hôn để ba mẹ con được sống một cuộc đời bình yên, không phải chứng kiến những cảnh chướng tai gai mắt nữa nhưng chị nhất quyết không chịu.
Chị bảo, chị phải giữ gìn một hình ảnh gia đình trọn vẹn, dù chính chị tâm sự rằng từ ấy đến nay chị không có một đêm ngon giấc vì luôn bị ám ảnh bởi sự lừa dối và phản bội, vì ghen tuông và cảm giác tổn thương. Cái khổ ấy, có lẽ đến từ sự bảo thủ và quá coi trọng thể diện chăng?
Cái khổ thứ ba
Nhiều người than thở mình "cực như trâu". Thật ra con người khổ hơn con trâu nhiều chứ! Trâu chỉ cực thể xác thôi chứ đêm về cũng nhởn nhơ gặm cỏ và ngủ ngon... đâu biết lo nghĩ hay buồn phiền, đâu cần tính toán ngày mai sẽ cày thửa ruộng nào, đâu cần phải suy nghĩ ngày mai lấy đâu ra cỏ để mà ăn, đâu cần thắc mắc tại sao con trâu kia cày được mỗi ngày 3 thửa ruộng trong khi mình chỉ cày được 2 thửa... Chính sự khát khao biển lớn buộc con người ta phải tìm gỗ lớn, hì hục đóng tàu.
Nghe tin một người bạn mua được nhà, sắm được xe... khiến chúng ta phát sốt vì nóng ruột cho mình. Người ta bằng tuổi mình, xuất phát điểm cũng tương đương mình kia mà... thế rồi cũng cố học theo họ, “bon chen” hơn, thậm chí leo lên lề mà đi thay vì đứng chờ hết đèn đỏ. Rồi lâu lâu giật mình nhìn lại, thấy ôi sao thời gian và cuộc sống khắc nghiệt quá, chưa kịp sống đã sắp phải chết rồi!
Cái khổ thứ tư
Bạn là một quản lý giỏi, nắm bắt tâm lý con người rất nhanh và được cấp trên, cấp dưới yêu mến. Bạn cứ mong chờ rằng bạn đã sống rất tốt rồi, làm việc rất cừ rồi... thì sẽ không ai chê trách gì bạn được.
Thế nên mỗi khi nghe những thông tin xấu về mình, dù được truyền đạt trực tiếp hay gián tiếp, bạn cũng buồn và suy nghĩ mãi, không thể dứt ra khỏi nỗi buồn và cảm giác khó chịu. Tôi bảo trước đây tôi cũng như bạn, cũng buồn vui vì những gì người khác nói hay nghĩ về mình, nhưng giờ thì đã loại bỏ được cái khổ đó rồi. Bạn bảo, bạn biết không thể bắt tất cả mọi người nghĩ tốt cho mình hay thương mình, nhưng bạn không thể không buồn, không giận, không bực tức hay đau khổ.
tin liên quan
Ứng dụng di động giúp vợ chồng tránh cãi cọ nhauNhững cuộc cãi cọ giữa các cặp vợ chồng có thể được ngăn chặn nhờ một ứng dụng di động giúp họ tránh lao vào một cuộc khẩu chiến.
Thật ra, con người ta sống vui, sống hạnh phúc hay không là khi biết tách mình ra khỏi dư luận và những yêu ghét xung quanh. Làm được điều đó, con người sẽ đứng ở một vị trí cao hơn, cảm thấy mọi việc nhẹ nhàng hơn. Học cách yêu bản thân mình, trước hết là học cách “điếc” trước những điều thị phi, soi mói; học cách “câm” trước những khích bác, khen chê; học cách “mù” trước những trái tai gai mắt mà thiên hạ “tặng” cho mình.
Giống như câu chuyện hai nhà sư cùng thong dong đi trên đường. Cơn mưa nặng hạt vừa đổ xuống. Ðến khúc quanh, hai người gặp một cô gái xinh xắn trong chiếc áo lụa đang đứng bên lề đường vì không thể băng qua con đường lầy lội. Một nhà sư quyết định cõng cô gái qua quãng đường lầy.
Nhà sư bạn của anh ta rất giận nhưng không buồn nói một tiếng nào, cho đến khi cả hai dừng lại ở một ngôi chùa. Rồi không còn chịu đựng được nữa, nhà sư bạn lên tiếng nói với anh ta: “Chúng ta là những nhà sư, không được phép gần đàn bà, nhất là với những người đàn bà trẻ đẹp. Nguy hiểm lắm! Sao anh lại làm như vậy?”. Nhà sư trẻ mỉm cười: “Tôi đã bỏ cô ấy xuống từ khi qua khỏi chỗ lầy lội ấy rồi! Anh còn “cõng” cô ấy theo đấy sao!?”.
Có bao nhiêu người nghĩ được, làm được như nhà sư trẻ ấy? Đã bao nhiêu lần bạn tự hỏi mình về ranh giới giữa 2 màu đen - trắng, đúng - sai? Trong cuộc sống, đôi khi không có sự phân định rõ ràng mà giữa đúng và sai đôi khi còn có nhiều phạm trù khác; chẳng hạn như “gần đúng” hay “không hẳn sai”...
Cuộc sống dạy ta nhiều bài học lắm, chỉ có điều với góc nhìn khác nhau, mỗi cái tôi “cảm” theo một cách khác nhau. Suy cho cùng, chỉ có tự bản thân con người làm tổn thương mình nhiều nhất, vì mọi cái đều xuất phát từ một chữ “ngã”.
Quản trị bản thân - quản trị cuộc đời để không phải vướng vào những cái khổ kia, vì cuộc đời không chỉ có bốn hay chục cái khổ như thế mà nhiều đến vô cùng.
Bình luận (0)