Con người sống, yêu thương nhau giống như một quỹ tiết kiệm...

27/07/2007 09:27 GMT+7

Gần 40 năm qua, ở khu tập thể Đồng Xa - Mai Dịch (Từ Liêm, Hà Nội) có một người phụ nữ âm thầm, lặng lẽ, tự nguyện chăm sóc người chồng thương binh hạng 1/4 với tỷ lệ thương tật là 92%, nằm liệt một chỗ, không một lời oán trách chiến tranh tàn khốc, không một lời than thân, trách phận... Đó là bà Phạm Thị Tỵ.

Cách đây 40 năm, tiểu đoàn trưởng Trần Văn Huấn cùng đồng đội đang trên đường vận chuyển hàng hoá và súng đạn vào phục vụ chiến trường miền Nam thì bị quân địch phục kích tại đèo Phu – la – nhích (Lào). Quả bom bi đã làm Trần Văn Huấn bị đứt tuỷ sống D6 –D7, gây liệt từ ngực trở xuống. 

Một ngày cuối năm 1967, bà Phạm Thị Tỵ - vợ ông Huấn, vừa mới đi cấp cứu về nhà sau một cơn bạo bệnh thì nhận được thư của chồng: “Anh bị thương, không đi lại được”. Người vợ trẻ rất buồn nhưng lại không bất ngờ với hung tin, bởi trước đó đã chuẩn bị sẵn tinh thần: “Chồng đi chiến trường thì mất mát có thể xảy đến. Chúng tôi đã sẵn sàng chấp nhận hy sinh”.

Tháng 2.1968, bệnh tình ổn định, cơ quan cho nghỉ 9 tháng, bà Tỵ vào Viện 103 chăm chồng. Vào viện, thấy chồng nằm thẳng cứng như một khúc gỗ, da tái mét, môi thâm xì, hai chân to như hai cây chuối, nứt nẻ và rỉ nước, bà nghĩ thế này thì khó sống lắm.

Con gái bà, chị Yến Ngọc, lúc ấy mới 5 tuổi, nhìn thấy bố, sợ quá đã bật khóc và bỏ trốn. Mẹ gặng hỏi mãi, Yến Ngọc mới nức nở: “Mẹ nhận nhầm rồi. Không phải bố đâu. Bố đẹp lắm kia. Không xấu như ông ấy đâu”.

“Tôi biết, trong mắt Yến Ngọc, bố của bé là một người mạnh khoẻ, oai phong, đi trên xe u - oát, súng lục đeo bên hông, giống như hồi ông ấy về thăm nhà” – bà Tỵ nhớ lại.


Chủ tịch UBND TP Hà Nội thăm và tăng bằng khen cho bà Tỵ
(ảnh: Q.D)

Suốt quãng thời gian đó, không một ngày nào ông Huấn không sốt, ngày đỡ nhất cũng 38,5 độ, còn thường thì lên tới 39 - 40 độ. Tự tay bà Tỵ lau chùi, giặt giũ, giúp ông vệ sinh cá nhân, xoa bóp, chườm cám nóng... cho ông.

Mỗi khi cho chồng ăn, bà phải bẹo vào má chồng, khi ông ấy không nhăn mặt lại thì mới bón cơm rồi lại vỗ nhẹ vào má để ông có phản ứng nuốt. Hằng ngày, bà Tỵ cố tập để ông Huấn ngồi dậy bằng cách để ông tựa vào lưng mình.

“Tôi để ông tựa vào lưng mình vài tiếng đồng đồng hồ mỗi ngày, bất kể đó là sáng, trưa, hay chiều, tối và đẩy ông nhích lên từng tí, từng tí một. Tôi rất mỏi nhưng thương chồng, nên cố chịu đựng. Cuối cùng, trời cũng chẳng phụ lòng người khi sau đó một thời gian, tôi đã có thể đỡ ông ngồi dậy được” - bà Tỵ kể.

Hết sốt, các vết thương khác cũng dần lành, ông Huấn được đưa đi mổ, rồi chuyển lên an dưỡng ở Phú Thọ.

Tận hưởng hương vị gia đình

Bà Tỵ biết, vết thương cột sống của chồng sẽ không chữa khỏi được, trong khi 2 đứa con lại còn nhỏ, cần sự chăm sóc dạy bảo của cha mẹ nên bà quyết định đưa ông về nhà để chăm nuôi.

Ở trung tâm và cả cơ quan bà đang công tác ai cũng gàn, bảo rằng ông không sống được đâu, nuôi khó lắm, bà đã nói rất chân tình với các vị lãnh đạo của mình, của chồng: “Khi khoẻ mạnh, các anh đưa chồng tôi đi đâu tôi cũng sẵn lòng. Bây giờ, ông bị thương, không chữa được nữa, tôi đưa về tận tay chăm sóc ông. Tôi cũng muốn ông được tận hưởng cái hương vị của gia đình, thứ mà ở trung tâm điều dưỡng, mặc dù các điều dưỡng viên luôn hết lòng chăm sóc các thương bệnh binh nhưng vẫn không thể có được. Đó là tiếng gọi bố của trẻ nhỏ, là bàn tay chăm sóc ân cần của người bạn đời... Những thứ ấy, nó giản dị lắm, đời thường lắm. Nhưng tôi biết, với ông và những người đồng đội của ông, nó rất đỗi thiêng liêng, là cả niềm khát khao đến cháy lòng...”.

Ông Huấn trở về nhà nhưng 6 tháng đầu chưa chuyển được chế độ về địa phương nên gia đình gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, bằng mọi cách có thể, bà Tỵ vẫn cố gắng đảm bảo suất ăn cho chồng đủ chất để có sức chống chọi với thương tật. “Hồi đó, nhà có cái gì đáng giá là tôi đem bán, từ mảnh vải, đến chiếc đồng hồ đeo tay... Tôi cũng nuôi gà, thỏ, ngan, lợn và trồng rau để tự cải thiện. Rồi nhận làm chổi đót, làm phong bì, cuộn thuốc lá... nhặt nhạnh từng đồng chăm chồng, nuôi con” – bà Tỵ nhớ lại.

Và từ đó đến nay, lúc nào bà Tỵ cũng ở bên ông Huấn, chăm cho chồng từng bữa ăn, giấc ngủ. Ông bị liệt nửa người, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người khác nên hằng ngày bà Tỵ luôn phải tất bật với cả núi công việc, từ đổ bô, lau rửa người, thay quần áo, giặt giũ đến việc lo cơm nước, lấy thuốc cho ông uống đúng giờ, nói chuyện thời sự trong và ngoài nước, giúp ông tập thể dục...

Giúp người bệnh đi đại tiện có lẽ là việc vất vả hơn cả, bởi lẽ ông Huấn không có cảm giác ở phần bụng. Nhưng bà vẫn một mình tự tay, tỉ mẩn và chính xác cáng đáng hết. Đêm đêm, người vợ trở dậy nhiều lần, sờ xem chồng có bị ướt hay không để thay quần áo, lau rửa cho ông được sạch sẽ...

40 năm qua, bà Tỵ âm thầm, lặng lẽ, tự nguyện chăm sóc ông Huấn, không một lời oán trách chiến tranh tàn khốc, không một lời than thân trách phận. Với bà Tỵ, được đón ông Huấn trở về từ khói lửa chiến trận, được sống cùng ông dưới một mái nhà, ngày ngày được nhìn thấy nhau, trò chuyện, chăm sóc, yêu thương nhau đã là một niềm hạnh phúc quá đỗi to lớn.

Bà Tỵ tâm sự: “Tôi thấy mình may mắn hơn rất nhiều những người vợ, người mẹ khác. Những người chồng, người con của họ đã ra đi và mãi mãi không trở về. Họ nằm lại ở đâu đó, vợ con muốn tìm đến thắp nén nhang cũng chẳng biết ở đâu. Những vất vả của tôi đâu thấm gì so với mất mát của các chị, các mẹ ấy”.

Với suy nghĩ ấy, không có gì là lạ khi ông bà nói về những năm tháng chiến đấu nơi chiến trường, về sự hành hạ của vết thương, về quá trình chăm nom người chồng bị liệt nằm một chỗ... rất tự nhiên, nhẹ nhàng và bình thản.

“Nhiều người khi nghe kể về hoàn cảnh của chúng tôi đã khóc nức nở. Nhưng quả là thảm hoạ của chiến tranh giờ không còn hiển hiện trong cuộc sống của gia đình tôi nữa. Anh xem, khuôn mặt của ông ấy lúc nào cũng tươi vui, không có vẻ bi đát của bom đạn, thương tích, chết chóc và sự thù hận. Có lẽ vợ chồng tôi là những người lạc quan” – bà Tỵ nói.

Tôi cảm nhận được rằng, chỉ có một tình yêu thật mãnh liệt và luôn luôn bùng cháy mạnh mẽ mới có thể tạo nên sức mạnh vô bờ bến để bà Tỵ có thể bền bỉ làm nên điều kỳ diệu trong suốt 40 năm qua.

Đem chuyện này hỏi bà, thay vì trả lời, bà Tỵ kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm mà đến giờ bà vẫn còn nhớ như in, như thể nó vừa mới xảy ra ngày hôm qua: “Đó là những năm tháng chiến tranh ác liệt. Hồi ấy, tôi phụ trách phụ nữ, ông Huấn hoạt động Đoàn Thanh niên. Trong những lần 2 cơ quan giao lưu văn nghệ, tổ chức đã giới thiệu rồi làm đám cưới cho hai đứa. Ở với nhau được 3 ngày, ông lên đường tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ ngày đó, đến lúc ông bị thương là 15 năm trời, nhưng chiến tranh chỉ để vợ chồng tôi được ở với nhau trong một khoảng thời gian rất ngắn. Mỗi lần được gặp nhau là một kỷ niệm không thể nào quên.

Đó là một chiều thứ 7, ông Huấn vượt 19 km đường, dưới làn bom đạn của kẻ thù về thăm vợ con. 12 giờ đêm ông mới về đến nhà nhưng chiều chủ nhật lại phải lặn lội dưới mưa bom bão đạn trở về đơn vị làm nhiệm vụ. Không yêu thương, nhớ nhung vợ con đến quặn thắt ruột gan, thử hỏi ông ấy có bất chấp hiểm nguy để được gặp chúng tôi? Cái tình ấy sâu nặng lắm anh ơi! Lần khác, ông được về thăm nhà. Lúc ông hết phép thì tôi đang ốm nặng. Ông ôm vợ con rồi lên đường trở về đơn vị. Lát sau, ông quay lại. Rồi đi. Rồi lại quay trở lại... Tôi biết ông lo cho tôi nhiều lắm, thương tôi nhiều lắm”...

Và bà Tỵ chân tình chia sẻ: “Con người sống với nhau, yêu thương nhau giống như một quỹ tiết kiệm. Vợ chồng, cha con, đồng chí đồng đội sống tốt với nhau, tình cảm ngày một dày thêm lên và nó sẽ trở thành sức mạnh để ta có thể hy sinh vì nhau, cùng nhau vượt qua sóng gió của đời người”.

Q.D

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.