Hành trình của người con nghệ sĩ Thanh Nga
Sao nối ngôi (phát trên sóng truyền hình Vĩnh Long) năm nay gây chú ý với sự có mặt của nghệ sĩ Hà Linh, con trai cố nghệ sĩ Thanh Nga. “Những năm trước, chương trình có mời nhưng tôi cứ lần lữa từ chối. Tuy nhiên năm nay chương trình trùng với 40 năm ngày giỗ của ba và mẹ nên tôi quyết định tham gia”, Hà Linh chia sẻ. Hà Linh cho biết tham gia chương trình với mong muốn có cơ hội hát, đóng lại những vở cải lương đã gắn với tên tuổi của mẹ mình như Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa... Anh coi đây là cơ hội được diễn, đắm chìm trong không khí cải lương của gia tộc Thanh Minh - Thanh Nga.
|
Ngay trong đêm thi đầu tiên với chủ đề Tôi là ai, Hà Linh đã khiến ban giám khảo, khán giả ở trường quay và khán giả truyền hình rưng rưng xúc động khi anh hát lại ca khúc Mưa rừng trong vở cải lương cùng tên của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng. Mưa rừng là bài hát được nhạc sĩ Huỳnh Anh viết tặng riêng cho nghệ sĩ Thanh Nga. Trong đêm thi, Hà Linh đã thể hiện lại bài hát này cùng hoạt cảnh gợi nhớ hình ảnh của chính anh khi bất ngờ mồ côi cả ba lẫn mẹ vào một đêm tháng 11 cách đây 40 năm, nghệ sĩ Thanh Nga và chồng (luật sư Phạm Duy Lân) bị sát hại trong lúc bà cố bảo vệ đứa con trai 5 tuổi từ tay bọn bắt cóc. Ở các phần thi sau, Hà Linh cũng gây được cảm tình với khán giả qua các phần thể hiện trong các vở cải lương nổi tiếng như Nửa đời hương phấn, Tiếng trống Mê Linh, Kiều Nguyệt Nga…
Hà Linh vốn được biết đến nhiều ở những vai diễn hài. Anh kể năm 17 tuổi đã muốn nối nghiệp mẹ nhưng cả nhà ai cũng cản vì anh... xấu quá, ăn nói không ra câu. Khi là sinh viên trường nghệ thuật, anh chỉ được giao những vai hài nhỏ. Nghề nghiệp lận đận, có thời điểm Hà Linh chuyển qua nghề lồng tiếng cho phim. Anh cũng từng phải đi bán vé, soát vé, hậu đài... thậm chí bán micro và đi giao hàng để kiếm tiền nuôi ước mơ nghệ thuật.
“Tôi không hy vọng sau chương trình sẽ trở thành một diễn viên cải lương thực sự, nhưng mong được tham gia những vai diễn dù nhỏ, để có cơ hội sống với nguồn cội cải lương của gia đình”, Hà Linh tâm sự.
Dấu ấn những “hậu bối”
Cuộc thi Sao nối ngôi đã diễn ra đến mùa thứ 3, là nơi để vinh danh sự tiếp nối truyền thống nghệ thuật của những gia đình nghệ sĩ nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực.
Ở mùa đầu tiên (năm 2016), khán giả chứng kiến sự đăng quang đầy thuyết phục của Bình Tinh khi cô thể hiện sự hiếu thảo, một lòng giữ gìn truyền thống của đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long. Cha Bình Tinh là cố nghệ sĩ Đức Lợi, còn mẹ là nghệ sĩ, soạn giả Bạch Mai. Bình Tinh nổi tiếng từ khi còn bé, mới 4 tuổi đã bước chân lên sân khấu, được đánh giá là “thần đồng cải lương” của đoàn Đồng ấu Bạch Long. Tuy nhiên, khi cô trưởng thành thì nghệ thuật cải lương không còn phát triển rực rỡ, vắng bóng dần trên truyền hình. Với Sao nối ngôi, Bình Tinh cùng những tiết mục cải lương đã có cơ hội xuất hiện thường xuyên trên sóng truyền hình, cùng với những câu chuyện khiến khán giả xúc động để gìn giữ nghề cho gia tộc. “Từ nhỏ, tôi đã quyết định sống chết với nghề này, chưa bao giờ có tư tưởng đi làm bất kỳ một nghề nào khác dẫu gặp muôn vàn khó khăn, nhiều lúc nản chí nhưng vẫn cố bám trụ với nghề”, Bình Tinh nói. Bình Tinh hiện là gương mặt quen thuộc của nhiều vở cải lương tuồng cổ và còn tham gia làm huấn luyện viên về lĩnh vực cải lương cho một số game show.
Quán quân mùa thứ hai - Lê Nguyễn Trường Giang là gương mặt trẻ đang kế tục truyền thống cải lương của gia tộc tuồng cổ Bầu Thắng - Minh Tơ. Trong đêm thi chung kết năm vừa rồi, với trích đoạn cải lương Bão táp Nguyên Phong, Trường Giang cùng ba thế hệ gia tộc Bầu Thắng - Minh Tơ là NSƯT Trường Sơn, NSƯT Tú Sương, nghệ sĩ Thanh Sơn, Chí Bảo, Minh Hòa, Cẩm Hương, Trinh Trinh, Lê Thanh Thảo, Ngọc Trinh... đã gây ấn tượng mạnh khi cả đại gia đình cùng xuất hiện trên sân khấu. Sau khi đoạt giải quán quân, Lê Nguyễn Trường Giang liên tục ra mắt các sản phẩm cải lương dưới hình thức online, mới đây là MV cải lương Chiêu Quân xuất tái…
NSND Bạch Tuyết, giám khảo của chương trình, chia sẻ: “Những câu chuyện được lột tả trong Sao nối ngôi đều có giá trị và mang tính hữu ích, bài học cho cộng đồng. Các thí sinh tiếp nối những giá trị nghệ thuật của ông bà, cha mẹ và tặng lại cho khán giả những tiết mục đẹp, lời ca hay, để người ta thương, yêu và tha thứ cho nhau, để sống và làm việc tốt hơn…”.
Bình luận (0)