Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn xin con nuôi với mong muốn bớt quạnh quẽ lúc tuổi già nhưng thực tế, nhiều gia đình tan nát chỉ vì sai lầm trong cách dạy con nuôi.
Ngày nào, ông Nguyễn Tấn Thành (ở trọ đường Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh - TPHCM) cũng dậy từ rất sớm. Một mình ông lui cui mở cửa, dọn dẹp để chuẩn bị công việc sửa xe thường nhật. Ông cũng không ngờ rằng đến chừng này tuổi, ông phải đi ở trọ một mình và ngày ngày vất vả làm việc để kiếm sống.
Chiều quá nên hư
Ông Thành cho biết vợ chồng ông lấy nhau từ thời còn chiến tranh nhưng bà không thể có con. “Cuối cùng vì mong muốn tuổi già bớt hiu quạnh nên vợ chồng tôi quyết định nhận con nuôi. Dù cuộc sống vất vả nhưng cả nhà chúng tôi vẫn sống hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ ở phường 26, quận Bình Thạnh.
|
Vợ chồng tôi hết mực yêu thương, cưng chiều con để bù đắp sự thiếu vắng tình cảm ruột thịt của nó” – ông Thành tâm sự. Rồi vợ ông mất, nhà chỉ còn hai cha con. Bao nhiêu tình thương ông dồn hết cho con và không ngờ chính sự yêu chiều quá mức ấy đã vô tình đẩy con vào đường hư hỏng. Con ông không lo học hành, chỉ thích tụ tập bạn bè và bị lôi kéo vào bài bạc, nợ nần chồng chất. Thương con, ông quyết định bán căn nhà để trả nợ giùm con. “Vậy mà cuối cùng nó cũng bỏ tôi mà đi biệt tích”- ông buồn rầu kể.
Ở hẻm 746 Điện Biên Phủ (quận 10 - TPHCM), mỗi khi nhắc đến vợ chồng anh Hai Mẫn, ai cũng ái ngại. Vợ chồng họ cưới nhau đã lâu nhưng chỉ lo làm ăn nên không muốn sinh con; đến khi muốn có con thì cả hai đều đã lớn tuổi. Hai vợ chồng quyết định xin một bé gái về nuôi. Tuy là con nuôi nhưng anh chị thương yêu hết lòng; con muốn gì cũng cho, đòi gì cũng chiều.
Đến năm 14 tuổi, cô bé bắt đầu trở chứng, không chịu đi học, bỏ nhà theo bạn trai và bắt đầu lấy cắp đồ đạc trong nhà đem bán lấy tiền tiêu xài. Lúc đầu, cô bé chỉ lấy những thứ ít giá trị; dần dần lấy tới vòng vàng, tiền bạc, lấy cả nhẫn kim cương của chị đi cầm lấy tiền ăn chơi. Mới đây, phát hiện cô bé nghiện hút, anh chị phải gửi vào trại cai nghiện. “Bao nhiêu tiền của trong nhà, một tay nó phá hết. Biết khổ như vầy, tôi không xin con nuôi làm gì”- anh Hai Mẫn than thở.
“Quậy” vì… nghe lời hàng xóm
Trường hợp của vợ chồng bà Lý Thị Hai (70 tuổi, ở thị trấn Tân Châu - Tây Ninh) cũng bi đát không kém. Họ cưới nhau đã lâu mà không có con. Sau năm 1975, vợ chồng bà về quê mở một xưởng làm gỗ. Lúc đó, có cậu bé Nguyễn Văn Bình (quê Tiền Giang) mới 11 tuổi đến xưởng gỗ xin làm việc. Thấy Bình hiền lành, chịu khó nên ông bà nhận làm con nuôi và hết lòng yêu thương.
Thế nhưng, sau khi chồng bà qua đời thì Bình thay đổi hẳn. Anh ta sa vào đá gà, bài bạc. Sau khi thua hết tài sản thừa kế của mình, nghe lời bạn bè xúi giục, Bình bảo mẹ nuôi chia tiếp tài sản nhưng bà Hai nhất quyết không nghe nên anh ta hết lần này đến lần khác đe dọa mẹ nuôi. Dù rất thương con nhưng không chịu đựng nổi, cuối cùng bà phải nhờ luật pháp can thiệp.
Còn chị Nguyễn Thị Tuyết (xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc - Đồng Nai), gia đình cũng xào xáo vì con nuôi. Vợ chồng chị nhận một bé trai về nuôi nhưng giao hẹn với mẹ đứa bé, khi nào con lớn, sẽ cho con biết mẹ ruột của mình. Đến lúc ấy nếu mẹ cháu muốn nhận lại con thì vợ chồng chị cũng sẽ đồng ý. Thằng bé lớn lên, biết mình là con nuôi, nó bắt đầu “quậy” và bị đuổi học. “Tôi phải tỉ tê nói mãi để cháu yên tâm là chúng tôi thương yêu và coi nó như con ruột. Cuối cùng nó cũng nghe ra. Chỉ tại mấy người hàng xóm độc mồm, độc miệng cứ nói ra nói vào khiến cháu hoang mang lo lắng”- chị Tuyết than phiền.
Chuyên gia tư vấn Trần Thị Hồng Hà: Giáo dục con cho đúng cách Theo tôi, con nuôi hay con ruột đều có thể hư hỏng nếu môi trường nuôi dạy không tốt. Một đứa trẻ khi biết mình là con nuôi thường rất nhạy cảm trước những lời nhận xét và cái nhìn của người xung quanh nên rất dễ bị lôi kéo rời xa gia đình. Chính vì vậy, khi quyết định nhận con nuôi, cha mẹ cần xác định rõ trước hết là cho bé tình thương và một môi trường sống tốt, từ đó đề ra những nguyên tắc giáo dục con cho đúng cách. Quá nuông chiều hoặc thờ ơ đều gây ra những hệ lụy đáng tiếc. |
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)