Từ những tác phẩm của Nguyễn Sáng, nhà phê bình Thái Bá Vân đọc được hiện thực cao rộng, hoành tráng.
|
Khi Nguyễn Sáng chào miền Nam để ra Bắc, ông hẳn không nghĩ rồi mình sẽ trở thành một phần quan trọng của miền đất Bắc ấy. Ông đã trở thành một họa sĩ cách mạng. Ông thậm chí đã ở lại miền Bắc gần như suốt cả cuộc đời mình. Họa sĩ chỉ trở lại quê nhà để vẽ vài tác phẩm trước khi mất. “Nhìn qua lược sử quá trình hoạt động của họa sĩ Nguyễn Sáng, cũng không có gì khác biệt với bao nhiêu họa sĩ cách mạng khác, chỉ khác chăng ông là người miền Nam”, nhà phê bình Quách Phong viết.
Thẩm mỹ truyền thống, thẩm mỹ Hà Nội
Lý giải về mối duyên này, ông Phong cho rằng môi trường thẩm mỹ xã hội lai tạp khi ấy của Nam bộ đã không đủ sức giữ chân Nguyễn Sáng.
“... với Nam bộ là vùng đất mới thì văn hóa truyền thống lại càng hiếm hoi, những đình, chùa, miếu, mạo được xây dựng do những di dân từ miền Trung, miền Bắc và người Hoa thời Mạc Cửu, cùng với văn hóa Khmer và các công trình theo phong cách Pháp tạo thành, hầu hết đều bị tam sao thất bản. Nói chung là môi trường thẩm mỹ xã hội đã rất hiếm hoi, vừa lai tạp, không thuần khiết, vừa bị thị trường thương mại phát triển ngày càng mạnh hơn”, ông Phong phân tích.
Cũng chính vì thế, theo ông Phong, Nguyễn Sáng đã bị Hà Nội thu hút bởi môi trường nghệ thuật cổ truyền thống của mình. Khi đó, ở Hà Nội, truyền thống vẫn còn đậm nét từ nhà phố đến các đình chùa. Sắc thái dân tộc cũng bừng nét trên các tranh tượng dân gian, hoa văn hoành phi, câu đối, bia đá. “Với những người tân kỳ ra Hà Nội thường thấy Hà Nội như là cái gì cổ lỗ, nhưng những nhà văn hóa đích thực thì họ thấy Hà Nội là một thành phố cổ kính. Chính vì thế mà Nguyễn Sáng đã tìm thấy Hà Nội là điểm đến của mình cho con đường nghệ thuật”, ông Phong nhớ lại.
Rồi điều phải đến đã đến. Nguyễn Sáng đã nhập hẳn vào tinh thần Hà Nội ấy, cũng như tinh thần Hà Nội đã lan mãi trong các tác phẩm của ông. Nguyễn Sáng cũng nhận thức rất rõ điều đó. Sinh thời, Nguyễn Sáng hay nói đùa với bạn bè: “Tớ là người Bắc kỳ hơn cả Bắc kỳ”. Nghĩa là từ bảng màu đến đường nét, người ta đều thấy thấp thoáng cảnh vật, con người Hà Nội trong tranh Nguyễn Sáng. Nó lan tỏa nhưng không phô diễn. Chúng ta không thấy sự vận dụng phô trương của những hoa văn cổ. Càng không thấy những mảng khối dân gian được lắp ráp vô hồn. Nhưng đúng là tinh thần truyền thống ấy, tinh thần Hà Nội ấy.
|
“Nhìn tranh của ông, ta thấy có âm hưởng tranh dân gian Việt Nam rất rõ. Nét to, mảng bẹt, cách bôi màu như ngây ngô vụng về không khéo tay. Tạo hình dạng (form) rất chắt lọc, rất chắc khỏe. Không gian ít dùng luật phối cảnh mà dùng không gian ước lệ, dùng mảng hình và khoảng trống tạo không gian ước lệ trong tranh. Tất cả những nguyên tố tạo hình đó đều có trong tranh dân gian và nghệ thuật Á Đông”, ông Quách Phong viết.
Do đó, theo các nhà nghiên cứu, nhìn vào tranh Nguyễn Sáng thấy sắc thái Á Đông ngay không chối cãi được. Song nó vẫn vô cùng hiện đại, bác học.
Nhân chứng thời đại hào hùng
“Nguyễn Sáng đã một đời lao động nghệ thuật, đầy nghị lực và sáng tạo. Nguyễn Sáng đã thành công”, ông Thái Bá Vân đánh giá. “Nhưng thành công này không của riêng anh, là thành công của cả nền hội họa hiện đại Việt Nam, của chúng ta, trong cuộc chuyển mình gay gắt vươn tới một thẩm mỹ cao đẹp, hòng đối xứng được với cuộc cách mạng xã hội đang lật ngược mọi đời sống cũ. Một thẩm mỹ phải có nguồn từ truyền thống và trên hành trình sẽ gặp nhiều dòng sông mới mẻ của nhân loại”.
Theo ông Vân, danh họa Nguyễn Sáng là một nghệ sĩ nhạy bén trong số những người đi vào cuộc lựa chọn và giác ngộ thẩm mỹ đó. Một yếu tố mà ông Vân đánh giá rất cao khác về ông Sáng chính là bản lĩnh kiên trì đi tới thẩm mỹ đó của ông. Sự kiên trì và xả thân đó được ví như một con ong của hội họa Việt Nam. Một đời, ông đã vẽ liên tục, vẽ như không thể không vẽ. Nguyễn Sáng, theo tư liệu để lại, đã vẽ trong những cơn sốt rét rừng run bần bật ở chiến khu trước kia, cũng có lúc hăm bốn tiếng liền bên giá vẽ.
“Tôi còn thấy hình họa của anh có gì gan góc. Anh nhìn cuộc đời hình thể một cách trực diện, can đảm không buông, và dựng chúng lên tranh ở cái thế đàng hoàng nhất, vững chãi và sòng phẳng nhất. Cùng với cách nhìn, Nguyễn Sáng còn là một tài năng hình họa”, ông Vân viết.
Điều này được ông Vân phân tích rất rõ qua bức tranh Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ. Tác phẩm này vừa được công nhận là bảo vật quốc gia đợt 2. Đây cũng là tác phẩm mang rõ dấu ấn của sáng tác về đề tài hiện thực, chiến tranh cách mạng trong số các bảo vật quốc gia là tác phẩm hội họa.
|
Tác phẩm này, theo ông Vân, có phần thế giới hình thể phân minh, mạnh mẽ và thuyết phục. Hình thể người trong các tác phẩm của ông Sáng khiến người xem có thể an tâm về cái gì là nền tảng của hiện thực. Nó cũng khiến ông Vân thấy được tin cậy, được trao cho lòng tin về một cái gì cao rộng, hoành tráng. “Tôi còn cảm xúc cả cái ứng xử quả quyết, một chút ngang tàng đàn ông trên cử chỉ hội họa lao tới của Nguyễn Sáng trên những Thánh Gióng, hay Chọi trâu nữa”, ông Vân viết.
Cũng chính với những tác phẩm Giặc đốt làng tôi, Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, Thành đồng tổ quốc, Nguyễn Sáng đã có câu chuyện thời đại riêng của mình. Ông vẽ được mọi chất liệu. Từ màu dầu đến sơn mài, từ lụa đến phấn. Những chất liệu ấy, theo ông Vân, qua tay Nguyễn Sáng bao giờ cũng mang một hơi thở thanh loát, nhẹ nhõm như cánh chim. “Anh đã dồn nhiều công sức và thành công ở những đề tài lớn làm chứng một thời đại hào hùng...”, ông Vân đánh giá.
Điều này được nhà nghiên cứu Quách Phong lý giải: Ông hiểu rõ hơn hết nghệ thuật chỉ phát triển trọn vẹn khi dân tộc đó có độc lập tự do. “Tôi nghĩ ông vẽ những tranh về kháng chiến như Nghỉ chân, Giặc đốt làng tôi, Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, Trú mưa, Tình dân quân... không phải với ý nghĩa là đem nghệ thuật phục vụ cho kháng chiến, cho cách mạng, cho nhân dân như khái niệm mà người ta thường nói về chức năng của nghệ thuật. Nó là một sản phẩm văn hóa tinh thần thực sự của cuộc cách mạng của dân tộc”, ông Phong giải thích.
Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật đánh giá: “Nghệ thuật của Nguyễn Sáng gắn liền với lịch sử cách mạng, lịch sử nghệ thuật của dân tộc. Ông là một trong số những họa sĩ có những tác phẩm sơn dầu, sơn mài đẹp nhất về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam”.
Danh họa Nguyễn Sáng sinh năm 1923 tại Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). 1936 - 1938 ông học Trường Mỹ thuật Gia Định, sau đó ra học Mỹ thuật Đông Dương. 1945, ông tham gia biểu tình cướp chính quyền tại Bắc Bộ phủ. Sau đó, ông làm việc cho Bộ Tài chính. Thời kỳ này vẽ giấy bạc, vẽ tranh tuyên truyền cổ động. 1946, sáng tác bộ tem Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm lần thứ nhất Cách mạng tháng Tám và ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đây là bộ tem đầu tiên và là bộ tem đẹp nhất về Bác Hồ được đánh giá cao cho đến ngày nay. 1977, ông cùng gia đình vào TP.HCM sinh sống. Từ 1980 họa sĩ Nguyễn Sáng trở ra Hà Nội. Danh họa Nguyễn Sáng mất năm 1988. Tên tuổi của ông được ghi trong Từ điển Bách khoa Larousse (Pháp). Ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996). |
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)