Vừa qua, tại Hà Nội, Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam đã tổ chức cuộc hội thảo chuyên đề về lý luận phê bình nhiếp ảnh. Đây là cuộc hội thảo chuyên đề về lý luận của tổ chức nhiếp ảnh chính thức và lớn nhất Việt Nam sau hơn 40 năm thành lập.
Tại hội thảo, đã có hàng chục tham luận trao đổi về những mặt được và chưa được về nghệ thuật nhiếp ảnh và lý luận phê bình nhiếp ảnh. Đó là các vấn đề về định hướng sáng tác, phương pháp sáng tác, tính định hướng, hướng dẫn của lý luận phê bình với phong trào sáng tác... Theo ý kiến của chúng tôi, không chỉ trong lý luận phê bình, nhiếp ảnh Việt Nam cũng đang đứng trước những vấn đề quá lớn. Đó là vai trò hướng dẫn, tổ chức của Hội NSNA Việt Nam trong giai đoạn hiện nay nên xác định như thế nào? Mối quan hệ của nhiếp ảnh nói chung với ảnh nghệ thuật, giữa ảnh nghệ thuật với ảnh báo chí và chân giá trị của hai thể loại này trong đời sống xã hội...
NSNA Ngô Quang Yên (Thái Bình) băn khoăn về việc Hội NSNA Việt Nam sẽ lái “con thuyền” nhiếp ảnh Việt Nam đến bến bờ nào. Ông Yên đặt vấn đề: hiện thực cuộc sống có cần nữa hay không, hay chỉ cần ngồi ở nhà và dùng photoshop (phần mềm chỉnh sửa ảnh - PV) để sáng tạo ra tác phẩm? Em trai ông Yên, NSNA Minh Nhật (Hải Phòng) đặt vấn đề thế nào là tác phẩm đỉnh cao? Chưa ai khẳng định câu trả lời. Cũng theo ông Nhật, trong các cuộc thi hiện nay, có chuyện các thí sinh "lừa" được cả ban giám khảo với những bức ảnh được xử lý trên máy tính rất bắt mắt nhưng phi thực tế.
Tác phẩm Phúc Tân kêu gọi trả thù của nhà nhiếp ảnh Vũ Ba - Việt Nam rất hiếm tác phẩm để đời như thế này |
Trả lời ý kiến hai NSNA này, ông Vũ Huyến, Phó Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam cho hay, đường lối sáng tác, ông Yên cần căn cứ vào điều lệ hội, còn việc thế nào là "tác phẩm đỉnh cao" quả thực thời gian gần đây, khái niệm này được dùng nhiều, chẳng hạn "kiệt tác nhiếp ảnh", "những bức ảnh đi cùng năm tháng" song đó không phải là những khái niệm mà Hội NSNA Việt Nam chính thức đưa ra. Những bức ảnh đoạt giải trong các cuộc thi chưa hẳn là những tác phẩm đỉnh cao. Những bức ảnh đỉnh cao - theo ông Huyến - chính là những bức ảnh chưa từng đoạt giải, song đã sống trong lòng nhân dân và một số tác giả của chúng đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đây cũng là một vấn đề của nhiếp ảnh Việt Nam khi các cuộc thi được tổ chức quá nhiều, song những tác phẩm đoạt giải lại không được công chúng đón nhận một cách xứng đáng. Tại sao lại như vậy ? NSNA Lại Hiển, người liên tục nhận giải thưởng các cuộc thi ảnh thời gian gần đây nói: "Nhiều bức ảnh tôi xem từ khi còn chưa cầm máy bây giờ vẫn cứ được giải. Ví như chuyện "tre già măng mọc" bấy nhiêu năm, vẫn là một người trẻ bên cạnh một người già, rồi mẹ con địu nhau. Mòn mỏi như thế nhưng vẫn được trao giải, thì không được công chúng đón nhận là đúng. Với những người chụp ra những tác phẩm ấy, xin gọi họ là "nhái sĩ" chứ không phải là nghệ sĩ". Theo ông Hiển, phê bình lý luận nhiếp ảnh Việt Nam đang ở giai đoạn "suy nhược" và cần được "điều trị" để lái phong trào nhiếp ảnh đi đúng hướng.
Cũng bày tỏ những bức xúc, NSNA Đinh Quang Thành nói về công tác thẩm định ảnh: Có bức ảnh lấy từ CD Trung Quốc gửi dự thi, vẫn được treo. Bàn đến chuyện dùng máy tính chắp ghép trong ảnh, ông Thành kể câu chuyện nghe rất tức cười: Cùng một đàn vịt 7 con đang chạy trên đường, song chúng lại có mặt trong hai bức ảnh của hai tác giả khác nhau và cùng vào một triển lãm. Giải thích về những khúc mắc trên đây, ông Vũ Huyến cho hay, ban giám khảo cũng là con người và sai sót là không tránh khỏi. Ông Huyến kể câu chuyện từng xảy ra ở Hải Phòng: Năm 2000, kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội đúng vào dịp miền Trung gặp lũ lụt, Hà Nội không bắn pháo hoa để dành tiền ủng hộ miền Trung. Tuy nhiên, tại Hải Phòng, một tấm ảnh có khẩu hiệu chào mừng 990 năm Thăng Long nhưng bên trên lại có... pháo hoa suýt được trao cho giải nhất nếu như ông Huyến không tình cờ can thiệp!
Lưu Quang Phổ
Bình luận (0)