'Con ước mơ được một lần lên phố chơi!'

23/12/2017 17:44 GMT+7

Đó là câu trả lời hồn nhiên với ánh mắt đầy khao khát của nhiều đứa trẻ nghèo ở xóm Gò (ấp 1, xã Phong Phú, H.Bình Chánh, TP.HCM) khi người viết hỏi về ước mơ của các em.

Quanh năm, những đứa trẻ ở đây chỉ biết luẩn quẩn trong xóm nghèo giữa cây cối um tùm, rạch nước, con chó, viên sạn trước sân nhà... Ước mơ nhỏ nhoi của các em là được một lần lên trung tâm thành phố, vào các khu vui chơi thỏa thích nô đùa. Điều ước tuy giản dị nhưng các em chỉ có thể hiện thực hóa qua màn hình tivi.

Hầu như nhà nào ở xóm Gò cũng nuôi nhiều chó Ảnh: Tấn Hiệp

Ngủ chung với rắn

Cách trung tâm thành phố gần 30 km, chúng tôi đi dọc quốc lộ 50 tìm đến xóm Gò vào buổi trưa đầy nắng. Con đường mòn độc đạo dẫn vào xóm sâu hun hút, đá lởm chởm lại còn hẹp nếu không vững tay lái sẽ bị “ngã ngựa”. Hai bên đường cây cối mọc um tùm kèm theo những con rạch, ao hồ, chẳng khác ở cù lao là bao. Đường vắng hoe, tôi chạy xe một đoạn xa mới nghe tiếng trẻ con chạy nhảy vui đùa, lấp ló vài căn nhà. Gọi là nhà nhưng thực ra chỉ là chòi lá lụp xụp để người dân che nắng che mưa.

Bước vào căn chòi lá của ông Lê Tứ Hải (46 tuổi), trước mắt tôi là những tấm tôn rỉ sét, tàu lá dừa cũ kỹ được che chắn tạm bợ. Nền nhà bằng đất, đá sụp lún nhấp nhô. Trần nhà chỉ cần ngước đầu lên là thấy cả bầu trời. Căn chòi xiêu vẹo, nghiêng một bên chỉ cần cơn gió mạnh tạc ngang sẽ thổi bay tất cả.

Tấm phản cũ kỹ là nơi vừa để ngủ, ngồi ăn cơm, bàn cho lũ trẻ học và xem tivi Ảnh: Tấn Hiệp
Ông Hải cho hay sau khi giải tỏa ở Bình Hưng (H.Bình Chánh), ông cùng vợ gom góp tiền về đây mua đất ở hơn 15 năm nay. Gia đình ông có 4 đứa con nhưng chỉ còn cậu út là còn đi học, còn lại đều đi làm phụ hồ khi chưa đủ tuổi vị thành niên. “Không cho con ăn học đến nơi đến chốn vợ chồng tôi cũng rầu lắm nhưng biết phải làm sao khi ăn còn phải chạy lo từng bữa, nuôi 4 đứa ăn học cùng lúc sao chịu cho thấu. Ba đứa đầu thấy gia đình khó khăn cũng lần lượt nghỉ học đi làm phụ hồ kiếm cơm sống qua ngày. Căn chòi lá không biết sập lúc nào, gia đình tôi tối ngủ cứ thấp thỏm âu lo”, ông Hải nghẹn ngào.

Ông Hải nói tiếp nhớ những tháng mưa gió gia đình ông không dám ngủ cứ ngồi chụm lại một góc còn khô ráo cầu trời dừng mưa, ngưng gió. Không những thế, rắn rết bò vào hỏi thăm nhà như cơm bữa. “Có đêm, vợ tôi đang tắm la toáng lên kêu cứu, tôi chạy vào thấy nguyên con rắn hổ mang quấn mình bên thanh cửa. Hay, có lần khuya nằm ngủ rắn vô ngủ chung hồi nào không biết, sáng thức dậy xếp mền mới giật mình”, ông Hải rùng mình kể lại.

Kế bên, căn chòi lá của bà Trần Thị Hôn (60 tuổi) cũng tồi tàn không kém. Căn chòi nghiêng ngả nhìn trống trải có thể sập bất kỳ lúc nào là nơi cư trú của 4 nhân khẩu. “Ngày nắng không sao chứ đến mùa mưa trong nhà cũng như ngoài sân, tạt ướt hết. Với lại ở gần kênh, mỗi lần nước lên nhà ngập tới đầu gối, đồ đạc chưa kịp kê lên cao là nổi lủm chủm. Ở đây, tối đến nhà ai nấy ở đâu dám ra đường vì sợ rắn với lại đường này tối om không đèn điện. Mang tiếng ở gần thành phố mà như trên núi, khổ lắm”, bà Hôn thở dài.

tin liên quan

Cô học trò nghèo ráng học giỏi để tự đứng lên
Suốt 4 năm học tiểu học, Nguyễn Thị Thuý Hằng, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Cây Trắc (thuộc xã Phước Đông, H.Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) luôn phấn đấu để đạt thành tích xuất sắc, dẫn đầu lớp với ước mơ bình dị là đứng được trên đôi chân của chính mình.
Mong một lần lên phố

Trời về chiều, trước con đường mòn trong xóm, những đứa trẻ với gương mặt ngây thơ, dáng người nhỏ thó nhuốm màu lem luốc đang vui đùa cùng các chú chó. Có lẽ, ở xóm nghèo này, con chó, viên sạn, cây cỏ là những thứ đồ chơi “đắt tiền” của lũ trẻ. Khi tôi hỏi bây giờ các em có ước mơ gì?, em Quỳnh Phạm Trung Quyên, 7 tuổi (cháu bà Hôn) cười lớn bảo: “Em ước mơ được một lần lên trung tâm thành phố vào những khu vui chơi để chơi thỏa thích cho đỡ cơn thèm khi xem trong tivi”. Tôi cười với sự hồn nhiền, ngây thơ của Quyên và xúc động với những khao khát tưởng chừng bình dị nhưng với những đứa trẻ ở đây vẫn chưa một lần đặt chân đến.

Dù sống trong “ốc đảo” khó khăn, nhưng những đứa trẻ ở đây vẫn sống lạc quan với ánh mắt đầy khát vọng về một ngày mai tươi sáng Ảnh: Tấn Hiệp

Hỏi tiếp cậu bé Lê Phước Thoại, 13 tuổi (con trai út anh Hải) đã được lên phố chơi chưa, cậu bé cười mỉm chi rồi lắc đầu. Tôi tự hỏi giữa chốn phố thị hoa lệ, các khu đô thị sầm uất lại có một vùng đất nghèo với những ước mơ đơn giản chẳng có gì lớn lao mà lũ trẻ chỉ thấy trong trí tưởng tượng thôi sao!?

Ông Hải nói: “Sáng đưa con đi học rồi tôi đi làm phụ hồ đến tối mịt mới ló đầu về nhà. Làm cả ngày mỏi mệt nên tối cũng chẳng đưa con đi đâu chơi, một phần tối đường sá từ đây ra lộ tối om, rắn rết, đất đá lởm chởm đi nguy hiểm nên mấy đứa nhỏ thường luẩn quẩn chơi trong nhà, xem tivi. Lâu lâu có đi chơi xa lắm là ra ngoài lộ uống nước mía, cho chơi đu ngựa rồi về chứ chưa đi xuống trung tâm thành phố bao giờ”.

Nói đến đây, cậu bé Thoại vào nhà tranh thủ ngồi xem trước bài vở để chuẩn bị cho ngày mai. Góc học tập của Thoại là một tấm phản, vừa dùng để học vừa dùng để ngủ, ngồi ăn cơm và xem tivi. Tôi hỏi Thoại, em có chạnh lòng khi sống trong gia đình khó khăn không, Thoại nhanh nhảu: “Không anh, có gì đâu mà buồn phiền, nghèo thì cũng nghèo rồi. Bây giờ em chỉ biết học và học để có con chữ mai sau thoát nghèo. Ráng lên đại học để được lên thành phố chứ anh”.

Dù sống trong “ốc đảo” khó khăn, cuộc sống tách biệt thế giới bên ngoài nhưng những đứa trẻ ở đây vẫn sống vui tươi, lạc quan với ánh mắt đầy khát vọng về một ngày mai tươi sáng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.