Công an sẽ hỗ trợ giám thị phát hiện thiết bị gian lận công nghệ cao

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
20/06/2018 07:55 GMT+7

Kỳ thi THTP quốc gia đang đến gần, khâu coi thi là một trong những vấn đề nảy sinh nhiều phức tạp, diễn biến khó lường, chỉ cần sự thiếu ý thức, vô trách nhiệm của một cá nhân cũng sẽ làm ảnh hưởng tới cả kỳ thi.

Đáng chú ý, theo báo cáo của đại diện Công an TP.Hà Nội, trong quá trình rà soát công tác chuẩn bị cho các kỳ thi trên địa bàn TP thời gian qua, lực lượng công an đã phát hiện một số đối tượng mua bán, tàng trữ các thiết bị gian lận công nghệ cao. Công an TP đề nghị các cán bộ, giảng viên, giáo viên tham gia công tác coi thi quan tâm vấn đề này để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi gian lận tại kỳ thi, trong đó đặc biệt lưu ý tới việc kiểm soát các thiết bị, vật dụng mang vào phòng thi.
Dự kiến tại hội nghị hướng dẫn công tác coi thi vào ngày 22.6 tới, Công an TP sẽ phổ biến chi tiết cho các trưởng điểm, phó điểm thi về cách thức phát hiện các thiết bị công nghệ cao có thể mang vào phòng thi, đồng thời triển khai các giải pháp cụ thể nhằm hạn chế hành vi gian lận trong kỳ thi.
Một người thiếu ý thức, ảnh hưởng cả kỳ thi
Năm 2018, cả nước đã điều động hơn 45.000 cán bộ, giảng viên trường ĐH tham gia phối hợp với các địa phương để tổ chức thi. Bộ GD-ĐT khẳng định, đây là những cán bộ, giảng viên có chất lượng, đủ tiêu chuẩn tham gia tổ chức kỳ thi.
Rút kinh nghiệm của sự cố lọt đề thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, tại cuộc họp rà soát tình hình chuẩn bị công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 mới đây, ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 của TP.Hà Nội, đề nghị Sở GD-ĐT lưu ý phổ biến kỹ quy chế thi tới tất cả 123 trưởng điểm thi và các thành viên của điểm thi thực hiện đúng quy chế thi, không để một giáo viên nào vì thiếu ý thức mà gây ảnh hưởng tới sự nỗ lực của toàn TP; Sở GD-ĐT thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất tới các điểm thi; UBND quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra 100% các điểm thi trên địa bàn, bảo đảm tổ chức kỳ thi nghiêm túc
Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, kỳ thi năm nay đã bố trí 123 điểm thi với 3.363 phòng thi có đầy đủ các điều kiện cần thiết; TP huy động 8.021 người tham gia công tác coi thi, trong đó 3.908 người là cán bộ, giảng viên ĐH, còn lại là giáo viên phổ thông. Ngoài ra còn có 1.233 người được huy động làm nhân viên phục vụ, giữ gìn an ninh trật tự tại các điểm thi.
Ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD-ĐT Hưng Yên, cũng cho hay đã quán triệt rất kỹ đến từng điểm thi, cán bộ coi thi về ý thức trách nhiệm và tuân thủ tuyệt đối quy chế thi vì xảy ra sự cố lọt đề thi sẽ ảnh hưởng tới cả nước.
Cán bộ coi thi phải đăng ký chữ ký mẫu
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hòa Bình cũng cho biết Sở đã phải chỉ đạo bằng văn bản, đặc biệt lưu ý việc kiểm tra, xử lý khi thí sinh (TS) mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi.
Theo đó, khi gọi TS vào phòng trước mỗi buổi thi, giám thị kiểm tra vật dụng TS mang vào phòng thi, tuyệt đối không để TS mang tài liệu và vật dụng cấm theo quy định. Nếu TS mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi, giám thị phải yêu cầu TS làm cam kết các thiết bị đó đảm bảo theo quy định của quy chế thi.
Sở GD-ĐT lưu ý, tại buổi tập trung làm thủ tục và phổ biến quy chế thi (ngày 24.6), trưởng điểm thi tổ chức đăng ký mẫu chữ ký đối với cán bộ tham gia công tác coi thi, bao gồm: trưởng điểm thi, phó trưởng điểm thi, thư ký và cán bộ coi thi. Danh sách đăng ký mẫu chữ ký được đóng túi có niêm phong, nộp cho hội đồng thi cùng bài thi và hồ sơ coi thi của điểm thi.
Tại Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, cho hay đơn vị này tổ chức tập huấn 2 lần cho cán bộ coi thi. Về việc ngăn chặn tình trạng TS gian lận trong thi cử bằng các thiết bị công nghệ cao, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã hợp tác với công an tỉnh để cùng tham gia giám sát kỳ thi.
Vi phạm nghiêm trọng sẽ xử lý theo pháp luật
Nếu trước đây việc xử lý TS vi phạm quy chế thi nặng nhất là đình chỉ thi, tước quyền nhập học và tước quyền tham dự kỳ thi trong 2 năm tiếp thì quy chế năm nay có nhiều sửa đổi theo hướng mạnh tay hơn.
Theo đó, sẽ hủy kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật đối với những TS vi phạm một trong các lỗi: giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức; có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi; hành hung cán bộ hoặc TS khác; sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp.
Xây dựng các phương án xử lý sự cố
Đến thời điểm này, theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, cả 63 tỉnh thành đã thực hiện việc rà soát kỹ lưỡng điều kiện cơ sở vật chất và công tác chuẩn bị thi, nhất là các điểm thi ở vùng sâu, vùng xa, điểm thi đặt tại trung tâm giáo dục thường xuyên, điểm thi sát khu dân cư, cơ quan, nhà máy, công xưởng… có thể gây khó khăn cho công tác bảo vệ an ninh trật tự của điểm thi.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, các địa phương đã xây dựng phương án phù hợp để kịp thời khắc phục khó khăn, bất cập và xử lý sự cố bất thường để đảm bảo tạo thuận lợi nhất cho việc dự thi của TS và an toàn tuyệt đối cho cán bộ tham gia tổ chức thi. Đề xuất các giải pháp hỗ trợ về đi lại, ăn ở cho TS có hoàn cảnh khó khăn tại các điểm thi; tuyệt đối không để TS nào vì khó khăn về kinh tế mà không thể dự thi...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.