Ngày 10.5, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM đã tổ chức hội nghị tuyên truyền luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1.7.2024.
Tại hội nghị, có lãnh đạo PC06, đại diện các cán bộ nòng cốt làm công tác chuyên môn quản lý hành chính tại công an cấp địa phương của 22 quận, huyện, TP.Thủ Đức.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó trưởng PC06, cho biết đây là sẽ là lực lượng quan trọng khi về địa phương phổ biến tại địa phương những điểm của luật Căn cước năm 2023.
Theo đó, Công an TP.HCM xác định, công an địa phương chính là cánh tay nối dài của Công an TP.HCM trong việc phổ biến các chính sách, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Công an TP.HCM đang chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cần thiết để chuẩn bị cấp thẻ căn cước mới từ nhân sự, trang thiết bị, công tác rà soát công dân đến độ tuổi.
Công an TP.HCM cho hay, thẻ căn cước không chỉ thay đổi về tên gọi, mẫu thẻ mới được đề xuất rất nhiều điểm khác biệt so với thẻ căn cước công dân.
Trong đó, mục "quê quán" thay thành "nơi đăng ký khai sinh"; "nơi thường trú" thay thành "nơi cư trú", đồng thời di chuyển sang mặt sau của thẻ thay vì mặt trước như hiện nay.
Chữ ký của cơ quan cấp thẻ đổi từ "Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội" thành "Bộ Công an".
Đáng chú ý, trên mặt thẻ căn cước sẽ không còn các thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay ngón trỏ trái và ngón trỏ phải. Mã QR code trên thẻ căn cước cũng được đề xuất chuyển sang mặt sau, thay vì mặt trước như hiện hành.
Đối với công dân dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu, cấp giấy chứng nhận căn cước đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước, cơ quan quản lý sẽ thu thập mống mắt (bắt buộc), ADN, giọng nói (người dân tự nguyện) của công dân, bên cạnh việc lấy vân tay, hình ảnh.
Công an TP.HCM đánh giá luật Căn cước là một bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, có ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử trong phát triển kinh tế - xã hội.
Công an TP.HCM đề nghị công an quận, huyện, TP.Thủ Đức khi tuyên truyền luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1.7 phải cụ thể, chi tiết và dễ hiểu, dễ nắm và phải hết sức cầu thị, lắng nghe những trao đổi, đóng góp.
Theo thượng tá Hải, khi triển khai công an quận, huyện, TP.Thủ Đức yêu cầu công an cấp xã và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương bằng nhiều hình thức khác nhau tiếp tục tuyên truyền đến tận người dân trên địa bàn.
"Chúng ta sẽ làm giàu thêm dữ liệu căn cước của chúng ta... Còn việc thu thập mống mắt ra sao, giọng nói, ADN thế nào thì sau này sẽ có nghị định, hướng dẫn", thượng tá Hải nói thêm.
Tại sao lại thu nhận mống mắt?
Về việc cơ quan quản lý sẽ thu thập mống mắt, thượng tá Hải cho hay, cơ quan tham mưu đã có buổi trao đổi đối với đơn vị sở y tế, giám định để tổng hợp một số nội dung tham mưu cho Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.
Thượng tá Hải cũng nói thêm, cũng có người đặt vấn đề tại sao thu nhận mống mắt, bởi mống mắt rất khó thay đổi, khuôn mặt thì thay đổi theo thời gian, thậm chí có thể đi thẩm mỹ, còn mống mắt theo thời gian hay độ tuổi không thay đổi gì nhiều.
"Dù không bắt buộc phải đổi thẻ CCCD sang thẻ căn cước nhưng Công an TP.HCM khuyến khích người dân nên đi bổ sung dữ liệu sinh trắc học về ADN, mống mắt và giọng nói. Việc này mang lại rất nhiều lợi ích, như liên quan đến sức khỏe hoặc bị giả mạo thì dữ liệu sinh trắc học sẽ giúp xử lý chính xác và nhanh hơn", đại diện PC06 nhìn nhận.
Việc thu nhận thông tin về mống mắt giúp việc xác thực cá nhân bảo đảm tính chính xác cao, dễ dàng trong việc thực hiện, triển khai các ứng dụng để phục vụ công tác quản lý, phòng chống tội phạm và phát triển kinh tế số, công dân số.
Cũng theo PC06, người dân có thẻ CCCD, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15.1 không cần phải làm thủ tục cấp đổi thẻ và chờ làm thẻ căn cước mới khi luật Căn cước có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.
Liên quan đến những thông tin có trong thẻ căn cước mới, thông tin như ADN, mống mắt, giọng nói... sẽ được tiến hành thu thập như thế nào?
PC06 cho biết, cơ quan quản lý căn cước sẽ không tiến hành việc thu nhận thông tin sinh trắc học về AND, giọng nói trong quá trình thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước. Việc thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin sinh trắc học về AND, giọng nói vào Cơ sở dữ liệu căn cước được thực hiện thông qua việc các cơ quan có chức năng kết nối, chia sẻ thông tin cho cơ quan quản lý căn cước.
Bình luận (0)