Mạng lưới trường lớp có vấn đề
|
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2012-2013 toàn thành phố có 92 trường THPT ngoài công lập đang hoạt động, chiếm khoảng 50% số trường THPT trên địa bàn. Tuy nhiên, số học sinh theo học tại các trường mới chỉ hơn 10.000, chiếm gần 17% tổng số học sinh THPT.
Phó giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng các trường ngoài công lập hiện gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tuyển sinh, một phần do gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các trường công lập.
Ông Cương dẫn chứng: “Số lượng và chỉ tiêu của trường công lập tăng thêm từng năm. Cụ thể, trong 3 năm (từ 2009 đến 2012) số lượng các trường công lập tăng từ 2.011 lên tới 2.063 trường, số học sinh tăng cũng tăng lên gần 200.000 em. Như vậy, trường ngoài công lập đã khó nay càng khó hơn, do cạn nguồn tuyển”. Lãnh đạo nhiều trường ngoài công lập cho rằng, để xảy ra tình trạng trên, ngoài nguyên nhân chủ quan thuộc về chính các trường, có một phần lỗi không nhỏ thuộc về việc quy hoạch mạng lưới trường học không phù hợp với thực tế.
Trường công “lấn sân”
TP.Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ xây dựng được 35 trường công lập ở các cấp học theo mô hình chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu cao về chăm sóc, giáo dục con em của phụ huynh trên địa bàn.
Dự thảo quy định cho phép thu học phí cao đối với dịch vụ giáo dục chất lượng cao trong trường công lập mà Bộ GD-ĐT công bố mới đây cũng nổi lên làn sóng bất bình của dư luận. Rất nhiều ý kiến đã phản đối mô hình này và cho rằng đó là hình thức lấy của công để thu lợi nhuận, tạo sự phân hóa giàu nghèo và bất bình đẳng ngay trong môi trường giáo dục công lập.
Giáo sư Nguyễn Lộc, Phó viện trưởng Viện Giáo dục Việt Nam, khẳng định việc cho phép trường công lập đi theo mô hình trường chất lượng cao sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh không lành mạnh, không cân sức giữa trường công lập và trường tư thục. Trường công lập với trường tư thục là 2 cánh nâng đỡ nền giáo dục của bất cứ một quốc gia nào. Nếu như trường công lập có sứ mạng đáp ứng nhu cầu giáo dục của đại đa số dân chúng thì trường tư thục có sứ mạng đáp ứng nhu cầu đặc biệt của nhóm nhỏ dân số.
Chính vì vậy, theo giáo sư Lộc, nếu cho phép trường công lập huy động thêm đóng góp của người dân để trở thành trường chất lượng giáo dục rất cao, dịch vụ giáo dục rất tốt… thì chỉ khiến các trường tư thục ngày càng thua dần trong cuộc cạnh tranh vốn đang khó khăn hiện nay. Các trường tư phải tự trang trải tất cả các chi phí đào tạo nên chắc chắn họ không thể cạnh tranh với trường công lập về học phí được. “Mỗi loại trường có một sứ mạng của nó và chúng ta không thể lẫn lộn sứ mạng của hai loại hình trường này”, ông Lộc nói.
|
Dịch vụ chất lượng cao trong trường công
Khác với việc tự xác định mức học phí dành cho sinh viên ở các trường ngoài công lập, các trường ĐH, CĐ công lập phải thu học phí theo khung quy định của nhà nước ở từng nhóm ngành nghề và bậc học. Dù vậy, ngay trong môi trường công lập này vẫn có những chương trình riêng thu học phí cao.
Từ năm 2006, Trường ĐH Mở TP.HCM triển khai “chương trình đặc biệt”, với quy mô đào tạo nhỏ và điều kiện học tập tốt hơn dành riêng cho sinh viên có điều kiện về kinh tế. Cũng nhiều năm nay, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM triển khai lớp chất lượng cao với chỉ 30 sinh viên/lớp… Mô hình này lác đác hình thành ở các trường ĐH và bắt đầu nở rộ sau khi Bộ chính thức có văn bản hướng dẫn tuyển sinh chương trình chất lượng cao ở các trường ĐH vào năm 2011 và cho phép các trường được tự xác định chương trình và kinh phí đào tạo. Các trường cũng được tự xây dựng mức học phí tương ứng với điều kiện bảo đảm chất lượng. Với văn bản này, các trường sẽ được tự chủ hoàn toàn trong việc mở chương trình chất lượng cao để thu học phí cao.
Đến năm 2013, hàng loạt trường ĐH công lập thông báo tuyển sinh chương trình này. Những trường đã triển khai trước đó thì ngày càng nhân rộng ở nhiều ngành đào tạo. Điểm đáng nói ở đây là mức học phí sinh viên phải đóng rất cao trong khi điều kiện đầu vào hầu như chỉ đạt điểm sàn vào trường. Năm nay, ĐH Quốc gia TP.HCM bắt đầu triển khai đào tạo chương trình chất lượng cao tại nhiều ngành ở các trường thành viên. Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã triển khai chương trình này ở 2 ngành tài chính doanh nghiệp và ngân hàng từ năm 2011. Theo thông báo tuyển sinh của trường, năm 2013 có 6 ngành. Mức học phí chương trình này ở nhiều trường khoảng từ 12 đến 25 triệu đồng/năm. Trong khi đó mức học phí trường công theo quy định trong năm học 2013-2014 từ 4,8 đến 6,8 triệu đồng/năm tùy theo nhóm ngành.
Sự khác biệt giữa chương trình chất lượng cao so với chương trình đại trà, theo thông báo các trường, nằm ở điều kiện học tập. Cụ thể là lớp sĩ số thấp (30-50 sinh viên/lớp), phòng học riêng có bố trí máy lạnh, học tăng cường tiếng Anh, tin học và kỹ năng mềm, có đội ngũ cố vấn học tập… Như vậy, thực tế yếu tố “chất lượng cao” ở đây đơn thuần chỉ là môi trường học tập, các trường không nhấn mạnh chất lượng sinh viên tốt nghiệp cũng như bằng cấp khi ra trường. Tuy nhiên, với ưu thế là trường công, chương trình này rất thu hút thí sinh. Thay vì vào các trường tư, cũng với mức học phí này, thí sinh sẽ chọn chương trình chất lượng cao của trường công.
Rà soát điều kiện tuyển sinh trường công Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội vẫn khẳng định vai trò của các trường ngoài công lập rất quan trọng bởi TP mới chỉ có thể đáp ứng chỗ học cho khoảng 70% học sinh THPT vào các trường công lập. Sở này đang thực hiện rà soát điều kiện tuyển sinh năm 2013 đối với các trường THPT ngoài công lập. Quan điểm thực chất trong đánh giá được lãnh đạo Sở nhấn mạnh nên trường không đủ điều kiện dứt khoát sẽ không được duyệt chỉ tiêu tuyển sinh năm học tới. Mặt khác, để tạo điều kiện cho các trường tốt có cơ hội tuyển sinh, Sở đang thực hiện các biện pháp giảm dần sĩ số học sinh/lớp và số lớp (trường) ở tất cả các cấp học của khối trường công lập. Tuệ Nguyễn |
Tuệ Nguyễn - Hà Ánh
Bình luận (0)