Công bố quy hoạch, khởi công cảng hàng không: Quảng Trị chờ ngày cất cánh

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
07/07/2024 05:25 GMT+7

Theo ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, khi Cảng hàng không Quảng Trị được đưa vào khai thác sẽ góp phần 'mở cửa bầu trời', kích cầu du lịch, kết hợp vận chuyển hàng hóa, logistics, phục vụ phát triển khu công nghiệp...

Hôm qua (6.7), tỉnh Quảng Trị tổ chức công bố quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và khởi công Cảng hàng không Quảng Trị. Đây là 2 sự kiện đặc biệt quan trọng đối với địa phương, nhằm từng bước hiện thực hóa "giấc mơ Quảng Trị".

QUY HOẠCH CÓ TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC

Chiều 6.7, tại TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức "Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Quy hoạch này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó. Tham dự có Phó thủ tướng Lê Thành Long cùng 500 đại biểu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành T.Ư, tỉnh Quảng Trị, các tỉnh thành lân cận; đại diện một số tổ chức xúc tiến đầu tư, cơ quan ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước…

Sự kiện này được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội thu hút các dự án đầu tư, giúp các DN trong và ngoài nước tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh tại Quảng Trị, thúc đẩy phát triển KT-XH của Quảng Trị.

Công bố quy hoạch, khởi công cảng hàng không: Quảng Trị chờ ngày cất cánh- Ảnh 1.

Tỉnh Quảng Trị trao các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư và chấp nhận nhà đầu tư với các dự án lớn tại sự kiện công bố quy hoạch của tỉnh

NGỌC DƯƠNG

Theo quy hoạch được công bố, mục tiêu đến năm 2030, Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ; là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đạt 8,2%/năm. Cơ cấu kinh tế: nông lâm ngư nghiệp chiếm khoảng 10,5%, công nghiệp - xây dựng (37%), thương mại - dịch vụ (47,5%). GRDP bình quân đầu người đạt 140 - 170 triệu đồng/năm, thu ngân sách trên địa bàn đạt 62.000 tỉ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1 - 1,5%/năm…

Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ; là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ; quốc phòng an ninh được bảo đảm, nhân dân có cuộc sống hạnh phúc.

Theo quy hoạch này, Quảng Trị chia các tiểu vùng phát triển: vùng trung du và đồng bằng cao, vùng ven biển và đảo Cồn Cỏ, vùng trũng và vùng núi phía tây. Các hành lang phát triển gồm: hành lang trung tâm gắn với QL1 và cao tốc Bắc - Nam, hành lang ven biển gắn với đường ven biển, hành lang Đông - Tây dọc theo QL9, hành lang Đông - Tây dọc theo QL15D, hành lang phụ trợ dọc theo biên giới, hành lang phụ trợ dọc theo đường 9D.

Theo ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, quy hoạch tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng, bởi như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính thì "có nhà tư vấn tốt mới có quy hoạch tốt, có quy hoạch tốt mới có dự án tốt, có dự án tốt mới có nhà đầu tư tốt". Ông Hưng cho rằng bản quy hoạch này còn thể hiện rõ sự kết tinh trí tuệ, bản lĩnh, ý chí quyết tâm và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Quảng Trị; là tâm sức của các đơn vị tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học, các vị lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ và các tầng lớp nhân dân.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Lê Thành Long cho rằng đây là hội nghị của sự chia sẻ, lắng nghe, đồng hành và niềm tin. Theo Phó thủ tướng, dù Quảng Trị mang trong mình rất nhiều tiềm năng nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng địa phương còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển KT-XH. Vì thế, để triển khai hoàn thành mục tiêu quy hoạch, Phó thủ tướng đã giao nhiều nhiệm vụ cho các DN, nhà đầu tư, các bộ, ngành T.Ư và đặc biệt là nỗ lực nội thân tỉnh Quảng Trị. Phó thủ tướng tin tưởng rằng ngày càng có thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước lựa chọn đầu tư vào Quảng Trị, góp phần làm giàu cho chính mình và cho sự phát triển chung của Việt Nam, các tỉnh miền Trung. Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành T.Ư tiếp tục nghiên cứu để có các cơ chế, chính sách phù hợp tạo điều kiện cho tỉnh Quảng Trị phát triển nhanh, toàn diện và bền vững trong thời gian tới.

Công bố quy hoạch, khởi công cảng hàng không: Quảng Trị chờ ngày cất cánh- Ảnh 2.

Phối cảnh Cảng hàng không Quảng Trị

NGỌC DƯƠNG

HIỆN THỰC GIẤC MƠ "MỞ CỬA BẦU TRỜI"

Cũng trong chiều qua, UBND tỉnh Quảng Trị và liên danh nhà đầu tư T&T - CIENCO 4 chính thức khởi công Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị. Dự lễ có Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó thủ tướng Lê Thành Long cùng đông đảo quan khách, người dân.

Cảng hàng không Quảng Trị được xây dựng tại các xã Gio Quang, Gio Hải, Gio Mai (H.Gio Linh), quy mô hơn 265 ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỉ đồng, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm. Thời gian thực hiện dự án là 50 năm, trong đó thời gian chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng là 24 tháng; thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn là 47 năm 2 tháng. Dự kiến đến tháng 7.2026, Cảng hàng không Quảng Trị sẽ được đưa vào khai thác, sử dụng.

Theo ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, khi Cảng hàng không Quảng Trị được đưa vào khai thác sẽ góp phần "mở cửa bầu trời", kích cầu du lịch, kết hợp vận chuyển hàng hóa, logistics, phục vụ phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, dịch vụ thương mại, đô thị sân bay; đồng thời góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh, phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn... Cảng hàng không Quảng Trị cũng là mảnh ghép quan trọng để hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ của địa phương, trở thành đòn bẩy quan trọng thúc đẩy KT-XH Quảng Trị phát triển. Đặc biệt, dự án sẽ hiện thực hóa khát vọng bao đời nay của nhân dân Quảng Trị với mong muốn rút ngắn hành trình Bắc - Nam, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân cả nước và bạn bè quốc tế dễ dàng đến với Quảng Trị.

Phó thủ tướng Lê Thành Long cũng cho rằng việc khởi công xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị hôm nay là minh chứng cho quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị trong việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển KT-XH. Phó thủ tướng căn dặn, thời gian tới vẫn còn nhiều việc phải làm. Đó là phải sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng các vị trí còn lại; chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng rất lớn, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các địa phương; thi công khối lượng rất lớn, yêu cầu kỹ thuật cao trong thời gian không dài và chịu tác động của thời tiết. Vì thế Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, tỉnh Quảng Trị, Ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và nhà thầu cần tiếp tục làm tốt hơn công việc của mình để dự án sớm về đích, hiện thực hóa giấc mơ của Quảng Trị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.