Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: STQPVN 2009 thể hiện đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước VN về quốc phòng trong đó tính chất cơ bản của quốc phòng VN là hòa bình và tự vệ. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh, VN chú trọng mở rộng hợp tác quốc phòng để xây dựng nền an ninh chung của khu vực và thế giới. Trong đó, VN chú trọng quan hệ với các nước láng giềng, các nước ASEAN và các nước bạn bè truyền thống.
Tại buổi công bố cuốn sách, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã trả lời một số câu hỏi liên quan đến an ninh quốc phòng của VN.
* Xin ông cho biết những thách thức đối với quốc phòng VN hiện nay và trong tương lai là gì?
- Thách thức thứ nhất là sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã dẫn đến những bất ổn định trong khu vực, trong nước cũng như toàn thế giới. Điều này đã ảnh hưởng đến việc xây dựng tiềm lực quốc phòng của VN. Bên cạnh đó có những thế lực thù địch sử dụng chiêu bài dân chủ nhân quyền kích động lực lượng bên trong chống đối Đảng, Nhà nước VN. Tình hình tranh chấp chủ quyền trên biển Đông cũng gây ra những quan ngại cho quốc phòng VN và đặt ra những thách thức mới. Bên cạnh đó, các lĩnh vực an ninh phi truyền thống xuất hiện ngày càng nhiều đặt ra cho quốc phòng những vấn đề mới cần chuẩn bị để đối phó như thiên tai, thảm họa, buôn người, buôn lậu vũ khí...
Trong STQP 2009, lần đầu tiên nhiều thông tin mới được công bố như ngân sách quốc phòng, tổng quân số, cơ cấu của Bộ Quốc phòng, các quân binh chủng, những thay đổi lớn về quốc phòng trong năm 5 qua. Theo STQP 2009, ngân sách quốc phòng 2008 là 27 nghìn tỉ đồng, tổng quân số khoảng 450.000 người (gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương) và lực lượng quân dự bị khoảng 5 triệu người. |
* Theo ông, khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng như thế nào đến việc hiện đại hóa QĐNDVN? Những nguy cơ về tranh chấp chủ quyền ở biển Đông liệu có dẫn đến chạy đua vũ trang trong khu vực hay không?
- Điểm cơ bản của chính sách hiện đại hóa quân đội VN là xây dựng tổ chức, xây dựng bản lĩnh của người chiến sĩ, xây dựng nền quốc phòng đáp ứng được các tình huống trong hòa bình cũng như chiến tranh. Bên cạnh đó, VN cũng quan tâm đầu tư xây dựng tiềm lực khoa học, kỹ thuật cho quốc phòng. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân. Chính vì những lý do này tôi khẳng định những khó khăn kinh tế có ảnh hưởng nhưng không lớn đến việc xây dựng và hiện đại hóa QĐNDVN.
Về vấn đề biển Đông, tôi cho rằng những phức tạp sẽ không dẫn đến xung đột quân sự bởi những lý do sau:
Thứ nhất, đó là nguyện vọng và xu thế chung trên thế giới và khu vực. Một cuộc xung đột xảy ra sẽ gây tổn hại không chỉ cho các nước liên quan mà còn gây ảnh hưởng đến khu vực xung quanh.
Thứ hai, thế giới ngày càng văn minh, hệ thống luật pháp quốc tế càng ngày càng chặt chẽ, ví dụ như Công ước Luật biển 1982 tạo cho khu vực và thế giới điều kiện phát triển. Việc xung đột sẽ gây ra những thiệt hại rất lớn cho các bên liên quan.
Cuối cùng, là một trong nhiều nước có liên quan đến vấn đề biển Đông, Đảng và Nhà nước cũng như quốc phòng VN là kiên trì giải quyết vấn đề biển Đông bằng giải pháp hòa bình. VN kiên trì và quyết tâm giữ vững chủ quyền lãnh thổ dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng như xây dựng tình đoàn kết hữu nghị hiểu biết lẫn nhau với các nước láng giềng cũng như các nước có liên quan đến vấn đề biển Đông.
* Ông có bình luận gì về việc báo chí quốc tế nói VN dự định mua máy bay và tàu ngầm của Nga?
- Nga là một nước bạn truyền thống của VN. Trong các cuộc kháng chiến và trong hòa bình, VN sử dụng nhiều trang thiết bị, vũ khí của Nga. Trong hòa bình, để củng cố và hiện đại hóa quân đội, VN nghiên cứu mua sắm trang thiết bị từ nhiều nước, trong đó có Nga và Nga là một đối tác quan trọng của VN. VN cũng tìm hiểu mua sắm các loại vũ khí hiện đại tùy theo hoàn cảnh, điều kiện phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật của mình.
* Ông có thể cho biết quy mô ngân sách quốc phòng của VN hiện tại so với trước đây? Trong tương lai ngân sách này sẽ tăng bao nhiêu?
- Như đã công bố trong STQP 2009, ngân sách quốc phòng VN trong năm 2008 vào khoảng 27 nghìn tỉ đồng, tương đương 1,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). So với khoảng 5 năm về trước, khoản ngân sách này không có biến động lớn. Với mức 1,8% GDP, tôi cho rằng 5 năm sau cũng là tỷ lệ phù hợp.
Hương Giang
Bình luận (0)