“Công dân không quốc tịch” - Bài 3: Tâm nguyện... hộ khẩu

22/09/2010 01:14 GMT+7

Khi PV Thanh Niên tìm đến nhà, ông Tịnh vừa qua đời 4 ngày. Nhìn căn nhà tranh, vách đất, xác xơ đủ thấy gia đình ông Tịnh khó khăn thế nào. Bên di ảnh chồng, bà Huê thổn thức: “Ông nhà tôi cho đến lúc chết cũng chưa thể hoàn thành tâm nguyện lo cái sổ hộ khẩu cho gia đình và các con được cái giấy CMND”.

Đó là bi kịch của gia đình ông Trần Thanh Tịnh và bà Huỳnh Huê ở 143A/6 đường Bờ Ga, tổ 6, ấp 1, xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Ông Tịnh quê ở Quảng Ngãi, kết hôn với bà Huê tại Sài Gòn trước năm 1975. Năm 1989, họ dọn về địa chỉ trên sống cho đến nay. Ông Tịnh có hộ khẩu ở Quảng Ngãi và có CMND, bà Huê thì gia đình tứ tán, giấy tờ mất hết, chỉ còn CMND, nhà không có chủ quyền nên việc nhập khẩu TP.HCM là không thể. Bà Huê có 4 người con, giấy tờ tùy thân của họ chỉ có vỏn vẹn khai sinh. Người con lớn nay đã 33 tuổi, nhỏ nhất 26 tuổi, tất cả không được học hành đến nơi đến chốn. Khi trưởng thành, mơ ước nhỏ nhoi là xin vào làm công nhân của các công ty, xí nghiệp cũng trở nên xa vời.

Tiếp xúc với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó bí thư Đảng ủy xã và ông Nguyễn Kim Khánh, Phó chủ tịch UBND xã An Bình, đều cho biết sẽ tiến hành xem xét, xác minh về trường hợp của ông Lương Xuân Thành. “Đây là một thiếu sót của địa phương chúng tôi khi anh Thành sống trên địa bàn đã lâu mà không có giấy tờ gì cả. Trước mắt, chúng tôi sẽ hướng dẫn anh Thành làm đơn để UBND xã xác nhận về tình trạng cư trú nhằm giúp anh có điều kiện đến tạm trú và sinh sống tại TP.HCM”, ông Chiến nói.

Người con lớn tên là Trần Thanh Hải đã lập gia đình và đã có 3 con. Vì không có CMND nên không thể đăng ký kết hôn, khai sinh cho các con thì làm được nhưng vì không có hộ khẩu nên tương lai của những đứa con chẳng biết ra sao. Còn người con gái thứ ba là Trần Thị Kim Cúc muốn xin vào công ty nhưng nơi nhận việc không chấp nhận vì không có CMND. Khi Cúc lấy chồng, dù chồng có hộ khẩu nhưng vợ chồng vẫn không thể đăng ký kết hôn...

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Võ Đức Mảnh, Tổ trưởng tổ 6, ấp 1, xã An Phú Tây, nói: “Đây là bức xúc không chỉ của gia đình bà Huê mà còn của bản thân tôi và bà con ở đây. Có cuộc họp nào tôi cũng phản ảnh, mong mỏi cấp trên bằng cách nào đó xem xét, giải quyết, giúp cho các cháu làm được CMND nhưng vẫn không được. Lý do xã đưa ra là do khu này bị giải tỏa, không cho nhập hộ khẩu, không có hộ khẩu thì không thể cấp CMND”.

Trôi theo dòng đời...

Còn trường hợp của ông Lương Xuân Thành (tên gọi khác là Lê Đại Phương, sinh năm 1948) mà chúng tôi tiếp xúc thì hoàn toàn khác. Mẹ ông lấy một người lính Pháp gốc Phi rồi sinh ra ông. Năm 1971 ông đi bộ đội và sau giải phóng thì ra quân. Sau một thời gian sống ở quê, ông Thành bỏ về TP.HCM lang thang rồi do không có giấy tờ tùy thân nên bị “thu gom” đưa đi lao động tập trung gần 5 năm tại huyện Phú Giáo, tỉnh Sông Bé cũ (nay là Bình Dương).

 

Ông Thành vẫn đang khốn khổ vì không có giấy tờ tùy thân - Ảnh: B.C

Sau khi hết thời gian lao động, ông Thành gặp bà Ngô Thị Thu Hà, người cùng cảnh ngộ và trở thành vợ chồng. Sau đó vợ chồng ông sinh con gái đầu lòng là Lê Thị Hồng Nhung. Gia đình nhỏ của ông trôi dạt theo dòng đời hết nơi này đến nơi khác, cuối cùng định cư ở ấp 4B (ấp Suối Dạt cũ) - nơi chỉ quy tụ vài nóc nhà dân di cư tự do từ miền Bắc, thuộc xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Năm 1992, vợ chồng ông sinh thêm người con trai, đặt tên là Lê Minh Hải. Do cuộc sống quá khó khăn, vả lại suốt ngày chỉ biết vào rừng đốn củi, bẻ măng, đốt than kiếm sống nên vợ chồng ông chẳng biết gì đến hộ khẩu, giấy tờ tùy thân cho mình và làm thủ tục khai sinh cho các con. Vài năm sau họ rời nơi này đến ấp Tân Thịnh (ấp Nước Vàng cũ), xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Năm 2004, bà Hà bị bệnh qua đời, Lê Minh Hải lúc này đã 18 tuổi, bỏ quê ra thị xã học nghề kiếm sống. Ông Thành vẫn ở lại ấp Tân Định cùng cô con gái đầu, lúc này cũng đã lấy chồng. Cuộc sống cứ thế trôi đi cho đến đầu tháng 7.2010, anh Vũ Văn Đức (ngụ P.11, Q.Gò Vấp, TP.HCM), là láng giềng cũ của ông Thành 20 năm trước tại ấp 4B, muốn đưa ông về TP.HCM để giúp ông có cuộc sống sáng sủa hơn thì mới “bật ngửa” là ông Thành hoàn toàn không có giấy tờ gì tùy thân.

Lần theo thông tin ông Thành cung cấp, Thanh Niên đã cùng anh Vũ Văn Đức đưa ông lên ấp Đồng Sen (xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) tìm gặp ông Tống Văn Sâm, nguyên là chính trị viên Đại đội 6, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 22, Quân đoàn 4. Ông Sâm xác nhận ông Thành từng tham gia cùng đơn vị mình và rất bất ngờ trước hoàn cảnh trớ trêu của người đồng đội cũ này. “Tôi mong các cấp thẩm quyền sớm xem xét hoàn cảnh và điều kiện cư trú của anh Thành để giúp anh ấy nhập hộ khẩu và làm giấy tờ tùy thân, sớm ổn định cuộc sống cùng con cháu như bao người khác”, ông Sâm nói.

Thanh Đông - Bùi Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.