Công dân toàn cầu đâu cứ phải "hoành tráng"

29/11/2012 10:53 GMT+7

Lần đầu tiên ra nước ngoài là tôi đến xứ sở hoa Tuylip (Hà Lan). Bài học đầu tiên tôi có được là tôn trọng người khác khi đang nói chuyện.

Lúc nghỉ giải lao của 2 giờ học, tôi có việc rất cần phải trao đổi với GS. Fons- Giảng viên báo chí, trước khi đi quay. Tìm mãi mới thấy vị GS đang nói chuyện với nhân viên giáo vụ.

Tôi tiến tới, cắt ngang câu chuyện và cất lời trình bày. Ông Fons không hề tỏ ra vội vàng mà điềm tĩnh nói “Tôi đang nói chuyện với cô ấy”. Tôi thực sự nhận ra sự kém lịch sự của mình mà lâu nay cứ nghĩ đó là chuyện bình thường vì tôi đang cần, đang gấp.

 Công dân toàn cầu đâu cứ phải "hoành tráng"
MC Hữu Bằng

Người văn minh, lịch sự không bao giờ được phép chen ngang câu chuyện của người khác mà hãy chờ họ nói hết câu chuyện.

Sau này tôi nhận ra rằng, trong trường hợp này hãy đứng gần 2 người họ và tỏ ý muốn hỏi chuyện.

Họ thấy bạn có vẻ như đang có chuyện gì muốn nói, họ sẽ dừng nói chuyện và hỏi ngay. Công dân toàn cầu có lẽ nên bắt đầu từ những ứng xử nhỏ như vậy.

 

Hữu Bằng - MC chương trình Chào buổi sáng, Gõ cửa ngày mới kiêm biên tập viên Đài Truyền hình VN rất ấn tượng khi đọc diễn đàn SỐNG ĐẸP và đã gửi bài tham gia chủ đề Công dân toàn cầu & Bản sắc Việt.

Cũng ở Hà Lan, tôi gặp nhiều bạn trẻ Việt Nam. Đại đa số các bạn học giỏi, tự tin và năng động nhưng vẫn có một số người thiếu văn hóa trong giao tiếp.

Có lần, tôi gặp nhóm du học sinh, trong lúc nói chuyện, cứ phát ra câu nào là đệm từ tiếng Anh dù đang nói với người Việt lâu ngày không gặp.

Họ khoe khoang và kể chuyện đi bar, đi sàn, ăn chơi để tỏ vẻ hiện đại và sành điệu. Họ dè bỉu những bạn sang đây học bằng học bổng toàn phần, vì chẳng biết chơi, vì họ phần lớn là con nhà nghèo.

Theo tôi, để trở thành công dân toàn cầu trước hết phải thượng tôn pháp luật. Ví dụ như chấp hành luật giao thông. Khi sang nước ngoài thì muốn hay không bạn vẫn phải chấp hành luật giao thông.

Không phải chuyện sợ phạt mà không chấp hành thì mất mạng. Các nước mà tôi đến như Hà Lan, Úc, Candana… chẳng hạn, ở các ngã tư khi đèn xanh các lái xe ít khi giảm tốc độ.

Họ chạy tốc độ bình thường vì không có chuyện đột nhiên xuất hiện một người hay thậm chí một nhóm người vượt đèn đỏ. Ở nước mình thì qua ngã tư dù đèn xanh tôi vẫn đi như rùa cho chắc.

Chúng ta phải nhìn nhận thực tế, ý thức chấp hành pháp luật của nhiều người trẻ ở nước mình còn hạn chế.

Chúng ta đang đặt ra vấn đề sống hòa nhập. Theo tôi, đó là người có trình độ, khả năng ngoại ngữ, biết tôn trọng văn hóa vùng miền, ứng xử chừng mực, khuôn phép; biết giữ cái riêng, nét văn hóa của con người Việt để không bị hòa tan. Còn những “thói hư, tật xấu” của người Việt thì phải hạn chế.

Theo Hữu Bằng / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.