Công đoàn phải thực sự là tổ chức của người lao động, vì người lao động

Thu Hằng
Thu Hằng
03/12/2023 06:49 GMT+7

Mỗi cán bộ công đoàn phải luôn đặt ra cho mình câu hỏi và trả lời câu hỏi: Người lao động vào tổ chức công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì, có khó khăn gì không? Phải chăng đó là để họ được giáo dục, học tập, rèn luyện, trưởng thành, được gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và quyền lợi của mình với công đoàn.

Đây là một trong những yêu cầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra khi phát biểu chỉ đạo tại phiên trọng thể Đại hội XIII Công đoàn VN hôm qua 2.12 cho các cấp công đoàn trong nhiệm kỳ tới.

Phiên trọng thể còn có sự tham dự của nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; các nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng... và 1.100 đại biểu đại diện ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của hơn 11 triệu đoàn viên công đoàn cả nước.

Công đoàn phải thực sự là tổ chức của người lao động, vì người lao động - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến dự Đại hội XIII Công đoàn VN

NGUYỄN HẢI

Vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn ngày càng phát huy mạnh mẽ

Phát biểu chỉ đạo đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Đại hội XIII Công đoàn VN là sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của giai cấp công nhân, người lao động (NLĐ) và tổ chức Công đoàn VN.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Trải qua hơn 94 năm xây dựng, hoạt động, trưởng thành và phát triển, chúng ta có quyền tự hào và khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn VN đã không ngừng lớn mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng và giai cấp, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần quan trọng xây dựng giai cấp công nhân VN ngày càng lớn mạnh. Trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay, vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết".

Công đoàn phải thực sự là tổ chức của người lao động, vì người lao động - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên trọng thể Đại hội XIII Công đoàn VN

Tổng LĐLĐ VN cần quan tâm nghiên cứu, xây dựng các chương trình phúc lợi dài hạn; tập trung chăm lo, hỗ trợ toàn diện cho đoàn viên, NLĐ, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, ốm đau dài ngày.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Nhìn lại nhiệm kỳ 2018 - 2023 vừa qua, Tổng Bí thư ghi nhận, hoạt động của tổ chức công đoàn và đoàn viên, NLĐ diễn ra trong bối cảnh có nhiều điểm đặc biệt. Từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, cùng tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột vũ trang xảy ra ở nhiều nơi, sự suy giảm kinh tế, thương mại và lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp và toàn diện đến việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, NLĐ và hoạt động của NLĐ diễn ra trên diện rộng, số NLĐ phải rời các doanh nghiệp (DN) về quê hoặc chuyển sang khu vực phi chính thức tăng nhanh.

Theo Tổng Bí thư, các hoạt động công đoàn đã hướng mạnh về cơ sở, mở rộng và đầu tư nhiều hơn cho khu vực DN ngoài nhà nước, tập trung vào hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi đoàn viên, NLĐ. Trên khắp các lĩnh vực đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, công nhân viên chức, lao động đi đầu và thành công trong lao động sản xuất kinh doanh, khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Công đoàn VN.

Khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn lưu ý, hoạt động của công đoàn và phong trào công nhân vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần sớm có giải pháp khắc phục, trong đó có cả những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra từ nhiều nhiệm kỳ nay.

Về mô hình tổ chức, nội dung, phương thức và hoạt động của công đoàn có mặt vẫn chậm được đổi mới, chưa bắt kịp sự chuyển đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội và quan hệ lao động. Một bộ phận cán bộ công đoàn còn thiếu sâu sát, năng lực hạn chế, chưa thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, gần gũi với NLĐ, thiếu kỹ năng hoạt động công đoàn.

Về chất lượng đội ngũ công nhân, NLĐ cũng có những dấu hiệu hụt hẫng và bất cập, còn không ít đoàn viên, NLĐ có trình độ nhận thức, kỹ năng nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động.

Tổng Bí thư lưu ý: "Công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở chưa tương xứng với sự phát triển của DN, của NLĐ, nhất là khu vực DN ngoài nhà nước. Theo thống kê hiện nay, tỷ lệ các DN ngoài nhà nước có tổ chức công đoàn rất ít".

Ngoài ra, theo Tổng Bí thư, nhiều nơi chất lượng đoàn viên chưa cao, nhất là về nhận thức chính trị, cá biệt còn có một số bị các thế lực xấu, thù địch tác động lôi kéo, kích động làm những việc sai trái gây mất ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Những tồn tại, hạn chế trên đây có trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và trong đó đặc biệt là có trách nhiệm của tổ chức công đoàn. Tổng Bí thư đề nghị các đại biểu cần quan tâm thảo luận, phân tích kỹ các nguyên nhân tồn tại, hạn chế, rút ra các bài học kinh nghiệm để từ đó đề ra các giải pháp khắc phục bằng được trong nhiệm kỳ này.

Cần xây dựng các chương trình phúc lợi dài hạn cho NLĐ

Đánh giá cao báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN khóa XII trình đại hội, đặc biệt là nội dung, giải pháp và các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới, Tổng Bí thư gợi mở thêm một số vấn đề để đại hội xem xét, quyết định.

Theo Tổng Bí thư, Công đoàn VN không phải là tổ chức kinh tế, mà vừa là tổ chức chính trị - xã hội, vừa là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Vì vậy, hoạt động của công đoàn cần tích cực phối hợp với Nhà nước, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và người sử dụng lao động để chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ.

Các cấp công đoàn phải khẳng định được vai trò đại diện cho NLĐ, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Trong quá trình tổ chức hoạt động, công đoàn phải phát huy quyền làm chủ của NLĐ, hướng tới mục tiêu xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Ngoài ra, công đoàn phải giúp cho mỗi đoàn viên, NLĐ nhận thức sâu sắc hơn về Đảng, về chế độ, giai cấp, tổ chức công đoàn, trách nhiệm công dân, không ngừng nỗ lực trong học tập, lao động, công tác, tích cực tham gia các phong trào thi đua, đóng góp cho sự phát triển của từng cơ quan, đơn vị, đất nước; từ đó nâng cao thu nhập, đời sống của mình và gia đình.

Tổng Bí thư đề nghị các cấp công đoàn phải khẳng định được vai trò đại diện cho NLĐ, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. "Mỗi cán bộ công đoàn phải luôn luôn đặt ra cho mình câu hỏi và trả lời câu hỏi: NLĐ vào tổ chức công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì, có khó khăn gì không? Phải chăng đó là để họ được giáo dục, học tập, rèn luyện, trưởng thành, được gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và quyền lợi của mình với công đoàn; tin tưởng công đoàn sẽ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho mình. Đằng sau câu hỏi đó phải là những nỗ lực của tổ chức công đoàn, của cán bộ công đoàn để thực sự mang lại quyền lợi, niềm tin cho NLĐ", Tổng Bí thư nói.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn những diễn biến phức tạp, gặp nhiều khó khăn, đe dọa sự ổn định về việc làm và cơ hội nâng cao thu nhập của NLĐ, Tổng Bí thư đề nghị: "Tổng LĐLĐ VN cần quan tâm nghiên cứu, xây dựng các chương trình phúc lợi dài hạn; tập trung chăm lo, hỗ trợ toàn diện cho đoàn viên, NLĐ, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, ốm đau dài ngày".

Trước sự xuất hiện những hình thức mới của việc làm, quan hệ việc làm, sự thay đổi về nhu cầu tập hợp, liên kết của NLĐ và thiết chế cho phép hình thành tổ chức đại diện NLĐ độc lập ngoài công đoàn trong DN, công đoàn các cấp phải căn cứ vào nhu cầu, nguyện vọng của NLĐ để xác định mô hình tổ chức, nội dung, mục tiêu và phương thức hoạt động phù hợp.

Bên cạnh đó, cần coi trọng cải cách hành chính; kiên quyết chống quan liêu, bệnh hình thức và bệnh thành tích trong hoạt động công đoàn. "Công đoàn cần triển khai sâu sắc, toàn diện, thực chất các hoạt động công đoàn, tập trung thực hiện các nhiệm vụ cốt lõi, trọng tâm, mang lại lợi ích thiết thực cho NLĐ; xây dựng niềm tin, tạo sự gắn kết giữa NLĐ với tổ chức công đoàn để công đoàn VN thực sự là tổ chức của NLĐ, do NLĐ và vì NLĐ", Tổng Bí thư lưu ý.

Với vị thế là một tổ chức chính trị - xã hội, là cơ sở chính trị vững chắc của Đảng, Nhà nước và chế độ, Tổng Bí thư yêu cầu, hơn ai hết công đoàn phải phát huy vai trò và làm tốt hơn nữa chức năng tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; coi đây là trách nhiệm và quyền lợi chính trị của đoàn viên, công nhân viên chức, NLĐ và tổ chức công đoàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.