(TNO) Được cộng điểm ưu tiên từ 2,5 đến 3 điểm, thậm chí có những thí sinh được cộng đến 6 điểm trong kỳ thi THPT vừa qua đã khiến cộng đồng mạng “dậy sóng” khi cho rằng điều này sẽ không công bằng cho nhiều thí sinh học lực khá nhưng vẫn có thể trượt đại học vì… không được ưu tiên.
Nhiều ý kiến cho rằng việc cộng dồn điểm ưu tiên sẽ là không công bằng cho nhiều thí sinh - Ảnh minh họa: Ngọc Thắng
|
Dựa trên bảng tổng hợp đăng ký xét tuyển đại học vào các trường trong thời gian qua có thể thấy rằng rất nhiều thí sinh được cộng điểm cao đang nằm trong các trường đại học thuộc tốp đầu, vốn có sự cạnh tranh gay gắt từng nửa điểm một. Chính vì vậy, việc cộng điểm ưu tiên quá cao, mà theo nhiều thí sinh có thể lên đến 6 điểm, sẽ khiến nhiều bạn học lực khá giỏi cũng có thể trượt đại học.
Một bạn có nickname Check tore nhận xét: “Xin nhắc lại là mình đang nói ở trong nhóm ở thành phố điểm cao, thi trường top (Y Dược, Ngoại Thương, Bách Khoa...). Các bạn học sinh trong đó chắc chắn không hề lười, chắc chắn đã phải hy sinh sức khỏe, cuộc sống riêng tư, hy sinh gần như toàn bộ thời gian để ôn thi. Có một vài ý kiến trên mạng nói rằng “Có điều kiện tốt hơn người ta sao không thi sao cho điểm tốt hơn hẳn?”, nhưng các bạn thử sống ở đó thì sẽ biết”.
Hay như ý kiến từ bạn Trang Dang cho rằng: “Hỗ trợ có nhiều cách hỗ trợ thiết thực . Đây là cuộc thi lựa chọn người có năng lực chứ không phải thi hoàn cảnh. Anh giỏi thì anh được vào. Không những thế với việc tổ chức cụm thi, đề thi và nộp hồ sơ như năm nay cộng dồn các loại điểm ưu tiên như vậy là không công bằng cho các học sinh KV3. Phương án tốt nhất là chỉ nên lấy 1 mức điểm ưu tiên cao nhất chứ không phải cộng dồn như bây giờ”.
Mặc dù vậy, cũng có một số ý kiến ủng hộ cách thức tính điểm ưu tiên từ Bộ GD-ĐT, vì điều này có thể giúp ích cho nhiều thí sinh không có điều kiện ở các khu vực vùng sâu - vùng xa, con của thương binh - liệt sĩ… Như lời bạn Chao Linh cho biết: “Nếu muốn được điểm cộng thì các em hãy lên khu vực 1 sống xem được mấy ngày rồi đòi về, vô Tây nguyên làm rẫy cà phê đi, hay lên miền núi Tây Bắc ở rồi học hành ở đó hay về nông thôn cũng được, xem cuộc sống khó khăn như thế nào. Nếu muốn được cộng 2 điểm thì thử làm con liệt sĩ, hay làm người khuyết tật để xem thiệt thòi của họ ra sao? Các bạn hãy nhìn những em nhịn đói đạp xe 20 km để đến trường, mà toàn đèo với suối, dốc gập gềnh thì có chịu nổi không…”.
Còn bạn LeThanh71 thì nhận xét: “Thế có ai thắc mắc khi tốt nghiệp ra trường nhiều người không chịu về vùng sâu vùng xa công tác không? Nếu các bạn ở thành phố chịu vui vẻ về vùng sâu, vùng xa làm việc thì bỏ ưu tiên cũng được”.
“Mấy em mới 18 tuổi tầm nhìn còn thiển cận, những ý kiến đó đều là do bức xúc nhất thời mà thôi. Mai sau lớn lên đi nhiều, hiểu nhiều thì mới biết ở những vùng ưu tiên điều kiện đi học của các bạn như thế nào. Cũng buồn là bây giờ các em không thông cảm với khó khăn của người khác mà thay vào đó là bất mãn với một ít ưu tiên nhỏ của họ như vậy”, đó là quan điểm mà bạn thanhkhuonghuynh đưa ra.
Trên quan điểm trung lập, bạn trungqh cho rằng: “Tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương cộng điểm ưu tiên, nhưng tôi có ý kiến là Bộ GD-ĐT chỉ áp dụng cho các thí sinh khi thi vào các ĐH vùng mà thí sinh đang sinh sống. Ví dụ các thí sinh hộ khẩu thuộc miền Tây sẽ được cộng điểm ưu tiên khi thi vào ĐH Y Cần Thơ. Còn các trường ĐH trọng điểm như: Y dược TP.HCM, Bách khoa TP.HCM... thì không cộng điểm ưu tiên”.
Dưới đây là cách tính điểm cộng ưu tiên khu vực theo quy định của Bộ GD-ĐT:
Điểm cộng ưu tiên khu vực được cộng tối đa 1,5 điểm, giữa mỗi khu vực ưu tiên chênh lệch 0,5 điểm. Phân chia khu vực ưu tiên như sau: - Khu vực 1 (KV1): Các xã, thị trấn thuộc miền núi, vùng cao, vùng sâu, hải đảo trong đó có các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo qui định của chính phủ. - Khu vực 2 (KV2): Các thành phố trực thuộc tỉnh (không trực thuộc trung ương) và các thị xã, các huyện ngoại thành của các thành phố trực thuộc trung ương. - Khu vực 2 nông thôn (KV2-NT): Bao gồm các xã, thị trấn không thuộc KV1, KV2, KV3. - Khu vực 3 (KV3): Các quận nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương. |
Bình luận (0)