20 năm khiếu nại
Chúng tôi đến khu vực 8 hộ dân cư ngụ, nơi trước đây là kênh rạch, ao rau muống. Chấp hành chủ trương mở rộng Bến xe Văn Thánh lúc đó, 8 hộ dân này đã tự nguyện lùi sâu vào 70m, mua đất, cất nhà sàn ở tạm và chờ được bồi hoàn. Ông Phan Xuân Hiệp cho biết: "Chúng tôi đã kêu cứu từ địa phương tới trung ương suốt 20 năm nay, từ lúc đầu còn xanh nay đã bạc mà tiền bồi hoàn vẫn chưa được nhận". Nhìn đống hồ sơ khiếu nại, mới biết hành trình gian nan của những người dân nghèo khổ này.
Theo hồ sơ, ngày 17/9/1992, UB Mặt trận Tổ quốc Q.Bình Thạnh cho điều tra xác minh và xác định 8 hộ dân này có mặt tiền nhà đường Điện Biên Phủ bị giải tỏa, đã lùi sâu vô 70m tự mua đất làm nhà, chưa được bồi thường. Ngày 26/10/1992, ông Trương Tấn Sang - nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo: UBND Q.Bình Thạnh giải quyết dứt điểm vụ việc. Ngày 12/2/1996, Giám đốc Sở Giao thông - Công chánh ký công văn số 07/CV/TT2 với nội dung cho biết đã ứng trước cho UBND Q.Bình Thạnh số tiền 720.000.000đ để giải quyết 08 nền nhà phục vụ công tác giải tỏa (?). Đợi mãi chẳng nhận được bồi hoàn, các hộ dân tiếp tục làm đơn gửi trung ương. Ngày 16/2/2001, Văn phòng Quốc hội chuyển đơn về TP.HCM yêu cầu giải quyết. Ngày 6/4/2001, các hộ dân được mời tham dự cuộc họp tại Văn phòng tiếp dân gồm các ban ngành: Thanh tra TP, Sở Địa chính - Nhà đất và UBND Q.Bình Thạnh; cuộc họp đã giao trách nhiệm cho Thanh tra TP nghiên cứu xác minh, báo cáo và đề xuất giải quyết.
Ngày 30/7/2001 bà con nhận được văn bản số 2555 của ông Mai Quốc Bình - nguyên Phó chủ tịch UBND TP chỉ đạo UBND Q.Bình Thạnh giải quyết trong vòng 30 ngày. Ngày 29/8/2001, UBND Q.Bình Thạnh có văn bản số 251 với nội dung: Công ty Thanh niên xung phong (TNXP) thành phố sẽ nghiên cứu giải quyết theo hướng "bố trí 8 nền nhà cho 8 hộ vào các khu quy hoạch". Nhưng mãi vẫn không thấy thực hiện. Tại cuộc họp ngày 28/12/2001, ông Mai Quốc Bình đã kết luận "Yêu cầu UBND Q.Bình Thạnh và Công ty TNXP mời 8 hộ dân thỏa thuận đền bù bằng tiền hoặc hoán đổi nền nhà cho 8 hộ như chính sách đã giải quyết cho 21 hộ trước đây...". Ngày 23/1/2003, UBND Q.Bình Thạnh tổ chức cuộc họp có đầy đủ các ban ngành liên quan cùng các hộ dân, cuộc họp thống nhất ý kiến đền bù mỗi hộ một nền nhà 60m2 tại đường D1 hoặc tiền mặt theo thời giá. Thế nhưng thỏa thuận trên cũng chẳng được thực hiện.
Các hộ dân tiếp tục khiếu nại thì ngày 6/4/2005, UBND TP.HCM có công văn trả lời với nội dung hết sức vô lý là: "Vì đây là vấn đề do lịch sử để lại, nên không xem xét lại và giải quyết cấp nền cho 8 hộ và ông Võ Văn Quan..." (tương tự như 8 hộ dân nói trên, trường hợp ông Võ Văn Quan cũng có đất bị giải tỏa để mở rộng bến xe Văn Thánh nhưng chưa được bồi hoàn).
Khốn đốn vì "dự án" nối tiếp "dự án"
Theo chúng tôi được biết thì trước đây, khi có chủ trương giải tỏa các hộ dân để mở rộng Bến xe Văn Thánh, do tình hình phát triển chung của thành phố, Bến xe Văn Thánh không cần thiết nữa, nhiệm vụ kinh doanh vận chuyển hành khách được chuyển giao cho Bến xe Miền Đông. Phần mặt bằng này được thành phố giao cho Công ty TNXP quản lý để đưa vào dự án đầu tư xây dựng, mở rộng đường Điện Biên Phủ. Sau đó, do Công ty TNXP không còn hoạt động ở đây nữa, phần đất này được UBND TP quyết định chuyển giao mặt bằng cho Sở Giao thông - Công chánh để đưa vào dự án thành lập bố trí trụ sở Khu Quản lý giao thông đô thị và Trung tâm Điều hành xe buýt; trong khi đó công tác bồi hoàn tái định cư cho dân không được coi trọng, dẫn đến việc khiếu kiện ngày càng gay gắt.
Người dân hết sức khốn khổ khi hết dự án này đến dự án khác cứ nối tiếp nhau nhắm vào phần đất này nhưng chưa dự án nào được thực hiện. Chúng tôi đề nghị UBND TP.HCM có hướng giải quyết hợp tình hợp lý, để người dân không còn phải mỏi mòn trong nỗi lo âu, chờ đợi.
Hoàng Tạo
Bình luận (0)