Xé nát mảng xanh
Theo phương án của Sở GTVT, đường Phạm Văn Hai sẽ được kéo dài xuyên qua công viên Hoàng Văn Thụ, nối với đường Phan Thúc Duyện để tăng thêm đường vào khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, theo lộ trình: Hoàng Văn Thụ - đường nối Phạm Văn Hai (nằm trong công viên) - rẽ trái ra Phan Thúc Duyện - Thăng Long - Hậu Giang - Trường Sơn - rẽ trái ra sân bay.
Trước đó, công viên Hoàng Văn Thụ đã một lần bị xẻ đôi để làm đường Phan Thúc Duyện cũng nhằm giải quyết bài toán giao thông. Và với lần mở đường này, công viên Hoàng Văn Thụ sẽ bị chia làm ba mảnh, trong đó phần công viên từ đường Phạm Văn Hai về phía nhà thi đấu Quân khu 7 chỉ còn là một mẩu nhỏ nằm lạc lõng.
Sở GTVT đề xuất nối dài đường Phạm Văn Hai cắt qua công viên Hoàng Văn Thụ nối vào đường Phan Thúc Duyện |
Không chỉ băm nát mảng xanh, việc xẻ công viên làm đường như đề xuất của Sở GTVT còn gây lãng phí lớn. Dự án đầu tư nâng cấp công viên Hoàng Văn Thụ do Q.Tân Bình triển khai với kinh phí 15 tỉ đồng đã hoàn thành khoảng 60% khối lượng. Trong khi khu vực dự kiến mở đường lại là quảng trường chính của công viên, có bố trí hồ phun nước nghệ thuật, các mảng xanh, thảm cỏ... Một số hạng mục bên trong công viên vừa thực hiện xong sẽ phải phá bỏ, gây lãng phí lớn. Trước đây, khi công viên bị cắt đôi, quận đã phải đầu tư làm cầu vượt bộ hành để kết nối 2 mảng công viên, thì nay với đề xuất mở đường, chắc chắn sẽ tốn tiền làm thêm một cầu vượt bộ hành nữa. Đó là chưa kể nhiều nguy cơ phải điều chỉnh thiết kế quy hoạch công viên cho phù hợp với đường cắt ngang, chẳng khác nào “đẽo chân cho vừa giày”!
Đây không phải lần đầu tiên ngành giao thông xẻo mảng xanh để làm đường. Trước đó, đã có đường Trương Định xuyên công viên Tao Đàn, đường Tôn Thất Tùng - Đỗ Quang Đẩu qua công viên 23.9, đường Hoàng Minh Giám qua công viên Gia Định. Chưa kể đến việc bẻ cong hướng tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài cắt vào mảng xanh công viên Gia Định.
Sẽ không giảm kẹt xe
Theo lý giải của Sở GTVT, việc mở đường qua công viên nhằm giải quyết kẹt xe tại giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ, đảm bảo việc lưu thông ra vào khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Thực tế cho thấy, việc mở đường sẽ khó làm giao thông tốt hơn mà ngược lại, giao thông khu vực này thêm rối do có nhiều giao lộ trong một cự ly quá ngắn. Cụ thể, khoảng cách từ giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ đến giao lộ Phạm Văn Hai nối dài - Phan Thúc Duyện chỉ khoảng 200m, do đó việc dừng đậu ở giao lộ này sẽ gây ùn ứ kéo dài đến giao lộ kia và ngược lại.
Bên cạnh đó, theo thói quen lưu thông trước nay của người dân, đường Phan Thúc Duyện là để đi về hướng đường Cộng Hòa, đường Phan Đình Giót để đi về hướng sân bay, bởi vậy việc mở đường chủ yếu chỉ giải quyết được cho phương tiện lưu thông về phía Cộng Hòa. Ngoài ra, lộ trình mới đi vào sân bay vòng vèo như “ma trận”, nên nhiều khả năng người dân sẽ “đi tắt” bằng cách băng ngang qua đường Phan Thúc Duyện vào đường Phan Đình Giót. Thêm nữa, Hoàng Văn Thụ là đường huyết mạch, lưu lượng xe cộ rất lớn, nên việc băng qua con đường này để đi vào đường bên trong công viên không những nguy hiểm mà còn dễ gây kẹt xe. Khi ấy, dòng xe từ Hoàng Văn Thụ rẽ trái vào đường Phạm Văn Hai nối dài và từ Phạm Văn Hai nối dài rẽ trái sang Phan Thúc Duyện sẽ chặn đứng dòng xe trên đường Hoàng Văn Thụ ở cả hai hướng ra và vào sân bay.
UBND Q.Tân Bình lo ngại việc mở thêm đường cắt ngang công viên sẽ làm tăng thêm các điểm xung khắc và lưu lượng xe tại các giao lộ như: Phạm Văn Hai nối dài - Phan Thúc Duyện, Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn, Phan Thúc Duyện - Thăng Long, Thăng Long - Hậu Giang. Ngoài ra, góc cua tại giao lộ Thăng Long - Hậu Giang rất gắt và lòng đường hẹp nên không thể đáp ứng nổi lưu lượng xe từ đường Hoàng Văn Thụ vào đường Trường Sơn.
Trên thực tế, mấu chốt của tình trạng kẹt xe tại khu vực sân bay là do các lộ trình vào sân bay theo đường Nguyễn Kiệm hoặc Lê Văn Sỹ đều vướng “lô cốt”. Do đó, muốn đi về sân bay chỉ còn sự lựa chọn duy nhất là sử dụng trục Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi vào Hoàng Văn Thụ, do đó tăng áp lực trên đường này và gây kẹt cứng tại mũi tàu trước nhà thi đấu Quân khu 7. Điều này có nguyên nhân trước hết do sự thiếu tính toán, thiếu lộ trình hợp lý của Sở GTVT trong việc triển khai các dự án thoát nước, thay vì thi công cuốn chiếu, luân phiên rào chắn các trục đường huyết mạch, thì Sở cho phép đồng loạt chốt chặn trên tất cả trục đường chính và hậu quả là người dân lãnh đủ cảnh kẹt xe. Do đó, giải pháp căn cơ nhất là cần thúc đẩy việc thi công “lô cốt” trên các trục đường này.
Ông Phan Phùng Sanh - Phó chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM - nhận xét, các cơ quan chức năng cần thay đổi tư duy làm giao thông kiểu ăn xổi, không thể cứ thấy chỗ nào khó giải quyết là đặt biển cấm lưu thông, cấm rẽ, hoặc bí thì xẻo đất công, mảng xanh làm đường...
Một số giải pháp giảm kẹt xe
- Phân luồng lại đường Trần Quốc Hoàn (đoạn từ Phan Thúc Duyện đến Phan Đình Giót) thành 2 chiều sẽ giảm áp lực trên đường Phan Đình Giót và Phan Thúc Duyện (trước nay các xe từ Trần Quốc Hoàn muốn đi về phía sân bay buộc phải rẽ vào Phan Thúc Duyện và Phan Đình Giót). Khi đó, tình hình ùn tắc tại mũi tàu trước sân vận động Quân khu 7 cũng sẽ giảm. |
Phương Thanh
Bình luận (0)