Tìm hiểu theo yêu cầu bạn đọc: Nhiêu khê giấy khai tử quá hạn

14/10/2008 22:21 GMT+7

Vì có nhu cầu chia thừa kế, nên gia đình anh Phạm Văn Khánh (P.5, Q.5, TP.HCM) mới đăng ký khai tử cho người anh ruột của mình chết cách đây... 57 năm.

Trong đơn, anh Khánh trình bày: "Tôi nộp đơn xin Tòa án Q.5 tuyên bố mất tích liên quan đến người anh ruột là Trần Văn Hải (ông Hải lấy theo họ mẹ, còn ông Khánh lấy theo họ của cha - P.V) mà theo mẹ tôi nói là anh Hải chết lúc còn sơ sinh. Thẩm phán thụ lý vụ việc sau khi nghiên cứu hồ sơ đã hướng dẫn tôi về UBND P.5, Q.5 khai tử quá hạn". Theo điều 22 Nghị định 58/CP thì thủ tục khai tử quá hạn rất đơn giản: Người đi khai tử chỉ cần có giấy báo tử hoặc giấy tờ thay cho giấy báo tử. Giấy tờ thay cho giấy báo tử đối với người chết tại nhà ở nơi cư trú thì chỉ cần văn bản xác nhận việc chết của người làm chứng là được. Tuy nhiên, ở trường hợp này, anh Hải chết cách đây đến 57 năm thì làm sao chứng minh anh Hải chết ở nơi cư trú và có còn ai để làm chứng?

Theo sự hướng dẫn của thẩm phán, anh Khánh đến UBND P.5, Q.5 để làm thủ tục khai tử. Tại đây, cán bộ hộ tịch hướng dẫn anh lên Sở Tư pháp xin trích lục khai tử. "Tôi đã đến Sở Tư pháp và nơi đây đã có công văn nói rõ: "Không tìm thấy tên ông Hải trong sổ bộ khai tử Chợ Lớn năm 1951". Về lại UBND P.5, cán bộ hộ tịch bảo tôi bổ sung hộ khẩu cuối cùng có tên anh Hải mới nhận đơn. Tôi đã xuất trình văn bản ngày 5.6.2008 của Công an P.5, xác nhận: "Tờ khai hộ khẩu tháng 9.1975 và hộ khẩu năm 1982 do bà Vân mẹ anh Hải đứng chủ hộ, không có tên anh Hải và cũng không có tài liệu xác nhận anh Hải chết". Lúc này cán bộ hộ tịch phường mới nhận hồ sơ. Tuy nhiên, đến ngày trả hồ sơ thì cán bộ này nói: "Phải có thêm quyết định tuyên bố chết thì mới làm được khai tử quá hạn"? Đếën lúc này thì ông Khánh cảm thấy hoang mang, đành gửi thư đến Tòa soạn Báo Thanh Niên nhờ tư vấn.

Theo hướng dẫn của bà Lê Thị Hiếu Thảo - Phó phòng Tư pháp Q.5, TP.HCM thì: "Bước đầu, ông đã xin trích lục khai tử cho người anh và đã được trả lời: "Không tìm thấy tên trong sổ bộ khai tử". Nay nếu gia đình ông còn lưu giữ hình ảnh, bia mộ hay những chứng cứ khác để chứng minh sự kiện người anh chết là có thật thì UBND cấp phường sẽ làm thủ tục khai tử quá hạn theo nghị định 158/CP ngày 27.12.2005. Nếu gia đình ông không cung cấp được chứng cứ nêu trên thì UBND phường sẽ ra công văn từ chối. Ông có thể nộp công văn có nội dung từ chối đó để yêu cầu TAND quận tuyên bố người anh đã chết. Theo điểm g khoản 2 điều 22 nghị định 158, quyết định của tòa án về việc tuyên bố một người đã chết có hiệu lực thay cho giấy báo tử. Đó sẽ là cơ sở để UBND phường thực hiện việc đăng ký khai tử quá hạn cho anh của ông".

Hoàng Tạo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.