Khác với vẻ nhộn nhịp thường thấy trong mùa cốm, trên các con đường làng Mễ Trì Thượng (xã Mễ Trì, H.Từ Liêm, Hà Nội), nơi có hàng trăm hộ sản xuất cốm nay vắng vẻ. Trong các ngõ nhỏ, những lò cốm cửa đóng im lìm.
Trong một lò cốm bên đường, chị chủ nhà vừa rang thóc vừa bảo, nếu mua nhiều thì phải đặt trước 1 ngày vì tối làm thì rạng sáng hôm sau đã giao hàng cho mối.
|
Hỏi thực hư cốm nhuộm màu độc hại, chị cho biết: “Trước khi có tin ấy, khách du lịch vào làng tham quan, mua cốm rất đông, giờ thì ít, sản lượng cốm cũng giảm”. Theo chị này, việc nhuộm chất hóa học tạo màu vào cốm cho xanh không phải hộ nào cũng làm. Phần lớn những hộ làm cốm ở Mễ Trì dùng lá riềng để làm màu xanh. Để phân biệt cốm “mộc” hay cốm bị làm màu chỉ nhìn qua là biết. Cốm mộc ra lò thường có màu vàng nâu, hơi xanh chứ không xanh mướt.
Malachite green là chất tạo màu có thể gây ung thư, đặc biệt ở nữ giới và chỉ dùng trong công nghiệp. Malachite green từng được dùng làm sạch nước để phòng bệnh cho cá nhưng cũng làm cho cá bị nhiễm độc nên đã bị cấm và kiểm soát chặt trong ngành thủy sản. Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, chất này ở dạng bột, có thể pha loãng với nước rồi phun lên cốm, làm người tiêu dùng khó phân biệt với cốm nhuộm bằng màu thực phẩm. |
Để làm cốm, lúa nếp non gặt về được tuốt rồi ngâm nước để loại bỏ thóc lép, sau đó rang trong chảo lớn. Khi hạt thóc chuyển từ màu xanh sang trắng, tỏa mùi thơm, vê thấy bong vỏ là chín. Sau đó, dùng máy xát nhiều lần cho cốm sạch trấu. Cuối cùng, cốm được giã bằng cối 2 - 3 lần để tách cám và làm dẻo. Sau mỗi lần giã phải sàng, sẩy để loại cám. Trước khi mang đi bán, khoảng 3 - 4 giờ sáng, cốm được giã lại lần nữa cho dẻo, mềm và nhuộm màu cho cốm.
Tại một cơ sở khác ở tổ 2, thôn Mễ Trì Thượng, chị Hà chủ nhà cho hay: “Người ta thường dùng lá riềng giã nát, đun sôi, lọc bỏ cặn bã để lấy nước rồi cô đặc lại. Sau khi giã cốm lần cuối lúc rạng sáng, trước khi giao cốm cho người bán buôn, sẽ lấy thứ nước này phun lên cho cốm có màu xanh tự nhiên. Tuy nhiên, sau khi báo chí đăng tin một cơ sở nào đó phun hóa chất vào cốm, những người bán buôn đề nghị chúng tôi không phun nước lá riềng mà để cốm “mộc” cho dễ bán”.
Vừa nói, chị Hà vừa chỉ vào mẻ cốm mới ra lò và khẳng định: “Đây là cốm mộc, có màu nâu. Chị có thể thấy nó không bắt mắt bằng cốm bán ngoài chợ”.
Tuy nhiên, khi chúng tôi lân la hỏi chuyện nhuộm màu cốm bằng gì với các cụ già đang xếp rơm nếp ở đường làng để làm chổi thì một cụ bà tên Ninh bảo: “Trước đây người ta nhuộm màu bằng nước lá lúa non, nhưng lá lúa không đủ cho mỗi mẻ cốm hàng trăm cân nên phải dùng thêm màu phẩm. Chúng tôi làm cốm mấy chục năm nay. Riêng nhà tôi làm cốm hơn 50 năm rồi. Vừa bán, vừa ăn có thấy độc hại gì đâu”.
Tôi hỏi: “Màu thực phẩm mà nhà bà dùng là loại nào?”. Bà Ninh khẳng định: “Chỉ là màu thực phẩm bình thường. Nếu chị muốn mua, tôi dẫn đến nhà đứa cháu ở tổ 3 Mễ Trì Thượng”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Lịch, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mễ Trì cho biết: “Từ khi nghe chuyện cốm làng Vòng có tẩm chất độc hại, chúng tôi đã họp các hộ dân làm cốm và tuyên truyền việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Có thể việc nhuộm màu là do những người bán buôn làm lại cho dễ bán chứ người làm cốm không sử dụng chất phụ gia nào cấm cả”.
Ông Lịch khẳng định thêm: “Cứ đến mùa cốm, Hội Nông dân lại cùng các ban ngành, đoàn thể của xã đi tuyên truyền, kiểm tra nhưng không phát hiện gì”.
Phi Loan
>> Malachite green nhuộm cốm có thể gây ung thư
>> Phát hiện hóa chất cấm sử dụng trong cốm
Bình luận (0)