Hàng loạt cảng cá "chưa xong đã sửa"
"Con tàu Titanic" Trần Đề (Sóc Trăng)
Cảng cá Trần Đề (tọa lạc trên diện tích 36 ha, tại ấp Cảng, xã Trung Bình, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) được chính thức khởi công từ tháng 11.1999. Đây là dự án do Bộ Thủy sản làm chủ đầu tư, Công ty Tư vấn xây dựng Công trình thủy I (Bộ GTVT) thiết kế, Công ty Thi công cơ giới (Bộ Xây dựng) thi công, Công ty Tư vấn và đầu tư xây dựng công trình (Bộ GTVT) giám sát. Công trình gồm 28 hạng mục xây dựng, vốn đầu tư 52,180 tỉ đồng. Trong đó có một số hạng mục chính như: Cầu tàu 600 CV dài 120m, bến tàu 90 CV dài 203m, bờ kè 218m, 38.500m2 sân bãi, đài nước 100 khối... Theo thiết kế, cảng cá Trần Đề có khả năng tiếp nhận cùng lúc khoảng 30 tàu cá, năng lực xếp dỡ 240.000 tấn hàng hóa/năm, trong đó có khoảng 38.000 tấn thủy sản.
Công tác chuẩn bị đầu tư có vẻ rất kỹ lưỡng nhưng khi bắt đầu triển khai thi công, hàng loạt sự cố lần lượt xuất hiện. Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành sớm sau 1-2 năm thi công nhưng mãi gần 4 năm sau, nhiều hạng mục vẫn chưa thể đưa vào sử dụng do chất lượng xây dựng quá kém. Bến tàu 600 CV mới phơi nắng không bao lâu đã nhanh chóng xuất hiện nhiều vết nứt trên bề mặt. Hạng mục đường sau kè loại 1, loại 2 và bến 90 CV vũng bị lún nứt mặt bê tông nhiều chỗ, có nơi lún trên 10 cm. Các hạng mục còn lại cũng trong tình trạng tương tự. Đặc biệt, do thiết kế không đúng cao trình, bến tàu 600 CV nằm dưới mặt nước như "con tàu Titanic" mỗi khi triều cường trong mùa mưa lũ. Bến cá hứa hẹn nhộn nhịp, sầm uất nhất nhì khu vực đã trở thành nơi vắng hoe. Hiệu quả đầu tư một dự án ngốn trên 50 tỉ đồng, sau gần 6 năm triển khai vẫn chưa thấy hiệu quả.
"Cản" Năm Căn (Cà Mau)
Năm 1995, Chính phủ quyết định đầu tư 117 tỉ đồng để xây dựng cảng Năm Căn. Dự án do Trung tâm tư vấn thiết kế và chuyển giao công nghệ giao thông vận tải (INCOCEN) thuộc Viện Khoa học công nghệ GTVT (Bộ GTVT) lập và được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ GTVT chấp thuận. Cảng Năm Căn được xây dựng bên bờ sông Cái Lớn (thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, Cà Mau) gồm 14 hạng mục, được khởi công từ tháng 10.1995. Hạng mục chính là cầu cảng do Công ty Công trình đường thủy miền Nam (Bộ GTVT) thi công. Sau gần 7 năm xây dựng, qua kiểm tra đánh giá chất lượng công trình, kỹ sư Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Cà Mau cho biết: "Việc thi công bê tông và lắp đặt cốt thép không đúng hồ sơ kỹ thuật được duyệt, thiếu cốt thép ở cấu kiện, sai thiết kế, bê tông rỗ mặt, cốt thép rỉ sét... do vậy chưa bảo đảm chất lượng và khả năng chịu lực trong quá trình khai thác, sử dụng lâu dài".
Năm 2000, tỉnh Cà Mau quyết định đầu tư xây dựng bờ kè dài 300m để bảo vệ cảng. Hạng mục này do đích thân ông Nguyễn Hữu Đẩu, Phó viện trưởng Viện Khoa học công nghệ GTVT kiêm giám đốc INCOCEN làm chủ nhiệm đồ án, Công ty Xây dựng Cà Mau thi công và Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng Cà Mau giám sát. Sau hơn nửa năm thi công, trong khi các đơn vị đang chuẩn bị nghiệm thu thì giữa đêm 20.6.2001, một đoạn bờ kè dài 47m phía thượng lưu bị lún sụp, chìm sâu dưới sông Cái Lớn. Và trong lúc các cơ quan chức năng đang tìm nguyên nhân sự cố thì ngay trong đêm 21.3.2003, thêm một đoạn bờ kè dài 46m phía hạ lưu tiếp tục bị lún sụp xuống sâu gần 2,7m, các phần còn lại của bờ kè cũng bị biến dạng, lún sâu khoảng 1m. Ở hạng mục này, mặc dù tham gia với tư cách là chủ nhiệm đồ án nhưng ông Nguyễn Hữu Đẩu đã để cho 2 ông Đàm Gia Phú và Vũ Xuân Quang đồng chủ trì thiết kế. Sau đó, chính ông Đẩu và ông Phú lại đi thuê ông Lê Văn Đồng, một người không có tư cách pháp nhân gì, để khảo sát, thí nghiệm và lập báo cáo địa chất. Đến lượt mình, ông Đồng lại đi thuê ông Tống Tử Văn (một tư nhân ở TP.HCM) đem 3 mũi khoan tự chế để "khảo sát địa chất". Nhưng thực chất ông Văn không hề đi khoan mà lại khoán trắng cho một số công nhân không có tay nghề làm việc này. Theo kết luận của cơ quan chức năng, với một công trình lớn như cảng Năm Căn, những người tham gia công trình không hề có bản đề cương khảo sát thiết kế, chưa có tài liệu về độ xói lở hay bồi lắng của sông Cửa Lớn; hàng loạt công đoạn quan trọng như khảo sát địa chất thủy văn, khảo sát lưu tốc dòng chảy, thủy triều, áp lực nước ngầm... đều bị ông Nguyễn Hữu Đẩu và Đàm Giá Phú bỏ qua trong quá trình thực hiện.
Với những kiểu làm việc tắc trách như trên, một công trình lớn tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng như cảng Năm Căn đã được xây dựng hơn 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Cảng Năm Căn giờ đây không khác gì một "vật cản" trên sông Cái Lớn.
"Khối bê tông vô dụng" Gành Hào (Bạc Liêu)
Năm 1999, từ nguồn vốn chương trình "Biển Đông, hải đảo", trung ương đã đầu tư cho tỉnh mới chia tách Bạc Liêu 1 cảng cá tại thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) với tổng dự toán trên 27,4 tỉ đồng. Thế nhưng thời gian xây dựng đã kéo dài gần 7 năm vẫn chưa đưa được công trình vào hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu do quá trình đầu tư, các đơn vị liên quan đã không nghiên cứu kỹ điều kiện thực tế, môi trường tự nhiên, thổ nhưỡng...; lập thiết kế không phù hợp, thi công kém chất lượng dẫn đến hàng loạt sự cố kỹ thuật "chưa xây xong đã sửa". Sau gần 7 năm, bây giờ cảng cá Gành Hào vẫn chỉ là những khối bê tông vô dụng và là một bãi đất cỏ mọc um tùm. Hơn 19 tỉ đồng đã được đổ vào đây để đổi lấy sự bất bình của ngư dân địa phương vốn từ trước đến giờ không có lấy một điểm mua bán cho ra hồn.
Tiến Hưng - Việt Sử - Huỳnh Thi
Chuyện khó tin ở An Giang:
Xây gần 1.500 hố xí rồi... bỏ
* Tính ra, một lần "xài" tốn ... nửa triệu đồng!
Thực hiện chương trình xây dựng cụm - tuyến dân cư vượt lũ, Công ty Phát triển nhà An Giang đã lắp dựng và bàn giao cho dân hơn 1.800 khung nhà bê tông, mỗi căn đều có hố xí tự hoại, với tổng trị giá từ 7-7,5 triệu đồng/căn (vốn vay trả chậm), trong đó riêng phần hố xí trị giá khoảng 500 ngàn đồng. Thế nhưng, chỉ sau một hoặc vài lần sử dụng, hầu hết các hố xí này bị người dân bỏ phế dù nhu cầu sử dụng rất bức bách.
Chỉ cho chúng tôi xem hố xí bốn bề trống trải, ống thông thủy thì đâm ngay ra sân còn ống thông hơi bị gãy ngang nắp hố, ông Đỗ Văn Bưởi ngụ tại cụm dân cư trung tâm xã Vĩnh Hòa, huyện Tân Châu bức xúc: "Cái cầu tiêu nhà tui nó kinh khủng lắm mấy chú ơi! Khi nào kẹt lắm tui mới dám xài, mà mỗi lần như thế nó bốc mùi hôi cả tuần mới hết". Ông
|
Được biết huyện Tân Châu hiện có đến 800 hố xí tự hoại rải khắp 8 cụm, tuyến dân cư; trong đó có đến gần 600 cái người dân chỉ sử dụng một vài lần rồi ngưng hẳn vì không chịu nổi mùi hôi. Còn lại thì do gia chủ "kẹt quá" nên phải sử dụng, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Thông tin từ Sở Xây dựng An Giang cũng cho biết, tính chung trên địa bàn 3 huyện Tân Châu, An Phú, Châu Phú và thị xã Châu Đốc có gần 400 hố xí do Công ty Phát triển nhà An Giang xây dựng gây ô nhiễm môi trường nhưng người dân vẫn đang sử dụng. Trong khi đó, số hố xí chỉ sử dụng một vài lần rồi ngưng hoặc chưa sử dụng do gia chủ sợ mùi khó chịu đã lên đến 1.500 cái.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lương Văn Mưa, Ủy viên Thường trực HĐND huyện Tân Châu cho biết: "Công ty Phát triển nhà có cam kết là sẽ hoàn tất công việc sửa chữa, khắc phục chậm nhất là vào tháng 7.2005 nhưng đến nay đâu vẫn còn đấy". Còn Sở Xây dựng sau khi kiểm tra thấy hố xí không đạt chất lượng đã yêu cầu Công ty Phát triển nhà phải chấm dứt sử dụng mẫu thiết kế hố xí tự hoại nói trên và thay thế bằng mẫu thiết kế 3 ngăn đã được thẩm định.
Hàng ngàn hố xí tự hoại vẫn tiếp tục bị bỏ không hoặc gây ô nhiễm môi trường trong khi người dân thì vừa phải khó khăn tìm chỗ "giải quyết chuyện khó nói" vừa lo ngay ngáy sắp đến kỳ trả nợ ngân hàng...
Tấn Đức
Bình luận (0)