Được cái siêu thị không "kén khách". Người thích nói chuyện thời sự có thể hài lòng với cách chương trình dùng góc nhìn hài hước để đề cập các đề tài được nhiều người quan tâm như công nghệ lăng-xê ca sĩ (Big star), trẻ con bị cha mẹ bắt ép học hành quá tải (Kế hoạch bắt cóc), chuyện đào đường làm khổ mọi người (Ngọa hổ tàng... luôn). Khán giả nào thích mượn chuyện xưa tích cũ để luận bàn chuyện đời nay sẽ bị thu hút bởi chùm tiểu phẩm về nhân vật dân gian nổi tiếng Trạng Quỳnh với các vở Bắt ma, Phường hát, Trời sinh ông Tú Cát...
Các tiểu phẩm đã được Siêu thị cười giới thiệu trên sóng đều là "hàng độc" vì được đầu tư mới hoàn toàn về kịch bản và dàn dựng. Kịch bản chủ ý xây dựng tiếng cười lành mạnh, bổ ích, có tính giáo dục, diễn xuất lành nghề của những gương mặt hài kịch quen thuộc Bảo Quốc, Trung Dân, Đức Thịnh, Minh Béo, Thanh Thủy, Ngọc Trinh, Thúy Nga... là những lý do mang lại thành công của các tiểu phẩm trong chương trình. Khán giả có thêm một địa chỉ để đến và được cười, không phải chỉ cười cho vui, vì sau khi cười vẫn còn đọng lại một điều gì đó. Trên truyền hình không có nhiều những chương trình như vậy.
Thế nhưng đối với khán giả bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ. "Siêu thị" ít hàng. Vì "diện tích" có hạn, chỉ nửa tiếng đồng hồ cho một số lên sóng nên chương trình gói gọn trong một tiểu phẩm. Với mỗi số một tiểu phẩm 30 phút, chương trình dường như bị đóng khung quá chặt nên đối với các đề tài khác nhau, có lúc phải co gọn, khi lại giãn ra cho vừa. Chương trình chỉ dàn dựng tiểu phẩm và dán nhãn "made in Siêu thị cười" nên hoàn toàn là một sân khấu truyền hình, rất "tĩnh" đối với khán giả, những người vốn chờ đợi được giới thiệu chương trình, được quan tâm trong phần giao lưu. Bởi vậy mà người xem vẫn cảm thấy có cái gì thiêu thiếu, chưa có cảm giác quen thuộc cần thiết để họ có tâm lý chờ đợi đến kỳ phát sóng tiếp theo.
Hải Quỳnh
Bình luận (0)