Nhiều người trong đoàn cứu trợ đùa bảo anh nên đổi tên là Hồ Văn Chạy (vì bà con ở đây đa số họ Hồ) chứ giờ anh trông giống người Pakô, Vân Kiều trên vùng núi rừng này lắm rồi. Anh chỉ cười khì khì...
Anh Chạy sinh đúng vào năm đất nước thống nhất (1975), quê ở huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Sau khi tốt nghiệp ĐH Luật TP.HCM, năm 2002, anh xung phong vào “Đội tri thức trẻ tình nguyện” lên tham mưu, giúp việc cho cán bộ cơ sở tại xã A Vao (huyện Đakrông). Kể từ đây anh đã là người của núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, được bà con dân bản coi như con cháu trong nhà. Anh lấy vợ, sinh con và ở hẳn tại miền đất cằn cỗi này.
Trong trận lũ quét lịch sử vừa qua, anh cùng với một cán bộ mặt trận của huyện là những người đầu tiên vào được các xã Húc Nghì, A Vao, Tà Rụt - nơi bị tàn phá khủng khiếp và bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Anh nhớ lại: “Ngày 1.10, được lệnh của huyện, tui chỉ kịp khoác bộ quần áo và mấy gói mì tôm lên đường. Núi lở, đường tắc, nước ngập lênh láng, tui lội bộ hơn 50 km mới vô được mấy xã bị cô lập...”.
Vào được đến nơi, thấy bản làng tan hoang trong lũ quét, bà con dân bản đang ở trong tình thế hết sức nguy kịch, việc cần kíp nhất là phải báo ngay về để chính quyền địa phương nắm được tình hình và có phương án giải quyết. Điện thoại mất sóng, để có được mấy phút nói chuyện ngắn ngủi câu được câu mất, anh chỉ có nước chạy lên đồi, leo lên cây cao để “báo cáo”. Ba ngày trực chiến tại vùng bị cô lập, anh chỉ ăn mì tôm và sắn nướng, đợi đến khi thông xe mới tất tả trở về...
Rồi trong những chuyến xe đầu tiên của Báo Thanh Niên lên cứu trợ cho đồng bào huyện Đakrông, anh Chạy cũng để lại nhiều ấn tượng cho cả đoàn bởi sự nhanh nhẹn, tháo vát. Đường lầy lội, hai lần xe chở hàng lún trong bãi bùn là hai lần anh chạy nhảy vào nhà dân “xì xồ” mấy câu tiếng dân tộc để mượn xẻng rồi hì hục xúc đất “cứu” xe. Thấy anh chạy đi chạy lại như con thoi, nhiều người trong đoàn nói: “Sức mô ra mà ông Chạy khỏe rứa...”. Đoàn đi đến đâu, dừng lại ở đâu, anh cũng là người hăng hái nhất để nhanh chóng bốc hàng xuống, tỉ mẩn đếm đầy đủ và chạy quanh kêu bà con tới nhận hàng. Anh cũng chính là người đã cùng một số cán bộ Tỉnh Đoàn phát hiện và “giải cứu” cho một cô giáo tại xã Húc Nghì bị nước lũ cuốn hết tài sản. Cô giáo này đã phải mặc bộ quần áo trong gần cả tuần lễ, các anh nhanh trí “xoay” ngay cho cô một bộ quần áo mới tinh... Nhiều anh cán bộ Đoàn lại trêu anh: “Đấy, đấy, có cái chi trong huyện ni mà ông Chạy không biết đâu...”.
Sống lâu ở đây, lại thường xuyên về cơ sở, anh Chạy có thể nói tiếng Pakô, Vân Kiều làu làu. Anh sành tiếng và thân thiết với bà con đến độ nhiều người vẫn kháo nhau rằng, mỗi khi đồng bào ở huyện gặp chuyện gì đều phải kêu anh. Hỏi anh đi cứu trợ có mệt không, anh cười cười nhại tiếng bà con vùng cao rằng: “Ô, mệt cái xác nhưng sướng tâm hồn. Xe cán bộ lên là bà con ưng cái bụng lắm!”.
Tối mịt, xe đã chuyển hết hàng, chúng tôi chào bà con ra về, nhưng Trần Văn Chạy vẫn sấn tới chỗ dân bản đang lỉnh kỉnh bao thứ hàng cứu trợ, dặn cái ni phải ăn như răng, phải dùng tiết kiệm như răng...
Nguyễn Phúc
Bình luận (0)