Đạo sắc có khổ 1,45m x 0,75m màu vàng, nét chữ, hoa văn, niên hiệu, ấn triện của nhà vua. Con cháu trong dòng tộc đã nhiều lần mang đi dịch thuật, chắp nối tư liệu tại nhiều địa phương trên cả nước nên viền mép đã bị rách. Hai đạo sắc này phong thần cho Yết Kiêu và Phạm Ngũ Lão là hai nhân vật lịch sử thời nhà Trần. Nội dung tạm dịch nghĩa như sau:
Sắc ban cho tướng Phạm Ngũ Lão:
Sắc ban cho Đức thánh ông Phò mã Thịnh nghiệp Hùng uy Cự võ Chiêu cảm Phu tế Trần Triều bình khẩu lập công uẩn bao Phạm Ngũ Lão trung đẳng thần, hộ quốc an dân thượng thần. Sắc phong ban cho Đức thánh ông Phò mã Phạm Ngũ Lão Đại vương Thượng đẳng thần. Thần vô cùng linh thiêng, trung thành hết mực, nghĩa lớn công cao, có công phò tá hoàng đế Trần Anh Tông trong việc khử bạo diệt tai ương nên từng được phong là Thượng đẳng thần.
Trong việc giúp nước cứu dân thần tỏ ra vô cùng linh ứng, được nhiều triều ban sắc tặng phong, cho phép được thờ phụng. Nay kế nối mệnh lớn, nhớ tới công lao tốt đẹp của thần, xứng đáng được ban tặng thêm các mỹ tự: Chí trung Đại nghĩa, Hồng huân Vĩ liệt hiển linh Thượng đẳng thần. Lại chuẩn cho phép xã Đông Thôn tổng Xuân Vân huyện Phúc Thọ phủ Quảng Oai tỉnh Sơn Tây được thờ phụng thần như xưa. Mong thần hãy phù hộ, che chở dân cho ta. Kính cẩn thay.
Ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880) - Ban Sắc.
Ngày 15 tháng 11 năm Mậu Thìn sao lại.
Sắc ban cho tướng Yết Kiêu:
Sắc ban cho đại tướng quân triều Trần là Yết Kiêu Đại vương dũng lược uy hùng nhiều lần phù giúp vua dẹp loạn, trừ hiểm nguy, từng được các triều ban tặng sắc phong. Nay, Trẫm kế nối mệnh lớn, gánh vác cơ đồ lớn lao, nghĩ tới công lao tốt đẹp của thần xứng đáng được phong tặng mỹ tự là Minh Hoàng Quốc bảo Mô lược Thánh cực Đại vương Thượng tướng quân. Lại chuẩn cho phép thôn Đông tổng Xuân Vân huyện Phúc Thọ phủ Quảng Oai tỉnh Sơn Tây tiếp tục thờ phụng ngài. Mong ngài hãy bảo vệ che chở cho dân của ta. Kính cẩn thay.
Ngày 20 tháng 7 năm Tự Đức thứ 35 (1882) - Ban Sắc.
Ngày 15 tháng 11 năm Mậu Thìn sao lại.
Được lưu giữ, thờ tự tại nhà thờ họ Trần, xóm 12, H.Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh). Tuy nhiên, cho đến nay, con cháu trong dòng tộc không hiểu tại sao hai đạo sắc trên là báu vật của dòng tộc mình, cũng chưa rõ mối liên quan giữa họ Trần với hai nhân vật lịch sử thời nhà Trần là Yết Kiêu và Phạm Ngũ Lão cũng như mối liên hệ giữa vùng quê Đức Thọ - Hà Tĩnh với Quảng Oai - Sơn Tây?
Để làm rõ vấn đề trên cần được sự được sự quan tâm nghiên cứu của các nhà chuyên môn.
Trương Hoa
Bình luận (0)