Cuộc giải cứu đầu tiên
Người thợ mỏ Chile đầu tiên được chọn để vượt qua hành trình 700 mét từ trong lòng đất ra thế giới bên ngoài là Florencio Avalos, 31 tuổi. Anh bước ra khỏi lồng cứu hộ với nụ cười thật rạng rỡ, ôm hôn gia đình trong thời khắc cả thế giới đều dõi nhìn.
|
Là “tổ phó” của "nhóm 33", Avalos được chọn thoát hiểm đầu tiên bởi anh là người có thể lực tốt nhất.
Nhưng Avalos cũng là người… e thẹn nhất, e thẹn đến độ xung phong làm người cầm máy quay phim trong những ngày bị giam cầm dưới lòng đất để khỏi phải xuất hiện trong các đoạn video gởi “lên trên”.
Một người anh trai của Avalos là Renan Anselmo Avalos Silva cũng bị nạn như anh.
Cuộc hội ngộ cảm động
Claudio Yanez là thợ mỏ thứ 8 được đưa lên mặt đất.
Run rẩy bước ra khỏi lồng cứu hộ, anh “khóa chặt” người bạn đời của mình trong đúng 1 phút bằng vòng tay chặt như 2 gọng kìm.
Cristina Nunez, người phụ nữ mới 26 tuổi nhưng đã chung sống 10 năm với anh không làm sao thoát khỏi vòng tay ấy, nên “đành” thốt ra rằng mong ước đầu tiên của cô trong giờ phút này là… cưới Yanez (hai người đã có hai con gái, nhưng vẫn chưa chính thức kết hôn).
|
Thợ mỏ lớn tuổi nhất
Không rõ lúc mới vô nghề, Mario Gomez có phải là thợ mỏ nhí nhất hay không, chỉ biết rằng lúc đó ông mới 12 tuổi. Còn bây giờ, ở tuổi 63, Mario Gomez là người thợ mỏ lớn tuổi nhất trong "nhóm 33".
|
Suốt đời cặm cụi trong những hầm lò đen tối, Gomez đã mắc “căn bệnh thợ mỏ”: bệnh bụi phổi. Trong ngày giải cứu, ông được đeo một loại mặt nạ oxy đặc biệt.
Vừa ra khỏi lồng cứu hộ, ông quỳ thụp xuống, cúi thấp đầu cầu nguyện, tay nắm chặt lá cờ Chile. Ông chỉ sực tỉnh khi vợ ông cúi xuống, đỡ ông dậy để 2 người có thể tận hưởng vòng tay đoàn tụ.
Thợ mỏ “nổi” nhất
Mario Sepulveda lao lên mặt đất bằng tất cả sức mạnh, sự sôi nổi dù anh đã “xài” rất nhiều "vốn" sức mạnh và sôi nổi ấy từ những ngày còn bị kẹt trong mỏ. Những ngày ấy, anh chính là người “lồng tiếng” cho các đoạn video gởi lên mặt đất, là “hướng dẫn viên” cho các cư dân mặt đất “tham quan” đường hầm đen tối qua các đoạn video. Lúc đó dù tương lai đang còn mịt mờ lắm, tính mạng của mình vẫn chưa còn biết ra sao, giọng Sepulveda vẫn rất hài hước, lạc quan và sôi nổi.
|
Lồng cứu hộ chưa kịp nhô lên mặt đất, những người có mặt tại Trại hy vọng đã nghe tiếng reo hò ầm ĩ của anh. Rồi anh “bắn” ra, vung tay, múa chân, đấm, đạp vào không khí. Đó là cách anh tận hưởng tự do.
Trong lúc các nhân viên cứu hộ còn đang hoa mắt, họ được dúi một cái gì đó cứng cứng vào tay. Đó là quà của Sepulveda: những viên đá anh mang từ độ sâu 700 mét!
Trong cuộc họp báo sau đó, thợ mỏ Sepulveda phát biểu rất chuyên nghiệp: “Tôi sinh ra đã là một thợ mỏ và tới lúc chết đi tôi cũng sẽ là thợ mỏ. Chúng tôi là những người thợ mỏ, chúng tôi là những người mạnh mẽ. Đừng xem chúng tôi là siêu sao hay những doanh nhân phô trương”.
Đám cưới ở nhà thờ
Lúc còn bị giam trong "nhà tù" dưới 700 mét đất, Esteban Rojas đã hứa với vợ trong một cuộc gọi điện thoại video rằng nếu thoát ra được, anh sẽ ngay lập tức đưa vợ đến nhà thờ làm lễ cưới.
|
Thật ra Esteban Rojas, 44 tuổi và vợ đã cưới nhau được 25 năm, có điều đó chỉ mới là một nghi thức dân sự và cả 2 vẫn mong ước một đám cưới ở nhà thờ, nơi Rojas sẽ hứa chung thủy suốt đời với người vợ Jessica Ganiez.
Lên được mặt đất, Rojas sụp xuống cầu nguyện rồi ôm chặt lấy người bạn đời khi vẫn còn đang quỳ trên mặt đất.
Thợ mỏ được cứu cuối cùng
Luis Urzua, 54 tuổi thường được kính cẩn gọi là Don Lucho. Ông chính là người có vai trò đầu tàu trong suốt 70 ngày dưới mặt đất, đoàn kết các thợ mỏ lại trong những ngày hoảng loạn nhất, đau khổ nhất, tăm tối nhất... Và ông được chọn là người được giải cứu cuối cùng, cũng vì vai trò đầu tàu của mình.
|
Ôm Tổng thống Chile Sebastian Pinera, thợ mỏ Urzua mỉm cười đùa rằng ca trực 70 ngày của ông quả là dài, rồi ông nói: “Tôi chuyển vai trò trưởng ca trực lại cho ông và hy vọng điều này sẽ không bao giờ xảy ra nữa”.
Vâng, đó là niềm hy vọng của tất cả những người thợ mỏ trên khắp hành tinh này, mong rằng điều kiện an toàn cho cái nghề nhiều nguy hiểm này sẽ được cải thiện thật tốt, để không còn có một vụ sập hầm nào nữa, không còn một gia đình nào phải chia ly vì tai nạn hầm mỏ nữa.
Người cứu hộ cuối cùng
Cả thế giới từng hồi hộp, lo lắng, hy vọng… khi Manuel Gonzalez bước vào lồng cứu hộ, trở thành “người mặt đất” đầu tiên xuống độ sâu 700 mét để giải cứu 33 người anh em của mình. Và ông đã ở đó gần tròn một ngày một đêm, trở thành người cuối cùng rời khu mỏ.
|
Sau khi thợ mỏ cuối cùng bước lên chuyến tàu rời lòng đất, Gonzalez còn ở đó thêm 26 phút nữa, trước khi nói lời tạm biệt với nơi các thợ mỏ từng tưởng là nấm mộ của mình. Lồng cứu hộ chở ông nhô lên mặt đất trong ánh mắt ngưỡng mộ của cả thế giới.
Đoan Nhật
Bình luận (0)