G7 sẽ mở rộng ?

23/09/2005 23:26 GMT+7

Ngày 23.9, Hội nghị Các bộ trưởng tài chính của nhóm G7 (gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ) đã được khai mạc tại Washington (Mỹ) để tìm cách đối phó với giá dầu leo thang, mở rộng G7 và xóa nợ cho các nước nghèo...

 

Gần đây, việc giá dầu liên tục leo thang đã khiến các nước công nghiệp giàu nhất thế giới cũng phải lo lắng vì nền kinh tế của họ đang có nguy cơ sụt giảm do giá dầu tăng khiến tình trạng lạm phạt cũng tăng theo. T.Adams - Thứ trưởng phụ trách quan hệ quốc tế của Bộ Ngân khố Mỹ phát biểu: "Tôi hy vọng các bộ trưởng tập trung bàn thảo các biện pháp giải quyết nguồn cung dầu". Nhóm G7 và nhiều thành viên khác thuộc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã đồng ý tung ra thị trường thế giới 60 triệu thùng dầu/tháng từ kho dự trữ của mình nhằm giúp kìm hãm giá dầu leo thang. Tuy nhiên, quyết định trên cũng không thể làm giá dầu thôi phi mã. Tình trạng nguồn dầu khan hiếm hiện trở nên trầm trọng hơn khi cơn bão Rita, sắp đổ bộ vào nước Mỹ, đã làm các công ty dầu khí tại vịnh Mexico giảm sản lượng đến 70%. Bộ trưởng Tài chính Pháp T.Breton cho biết ông và người đồng nhiệm Anh G.Brown sẽ thúc giục các đại biểu G7 đi thăm các quốc gia sản xuất dầu để hiểu thêm về khả năng cung cấp dầu của họ.

 

Ngoài ra, hội nghị còn chú trọng thảo luận việc mở rộng nhóm G7 - vốn được xem là câu lạc bộ có tiếng nói đầy uy quyền trong nền kinh tế toàn cầu. Vài giờ trước khi hội nghị diễn ra, G7 đã mời các bộ trưởng tài chính của Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Nam Phi tham dự bữa cơm trưa thân mật. Đây được xem là bước tiến lớn của G7 trong việc công nhận nền kinh tế đang ngày càng phát triển của các nước này, vốn chiếm 25% sản lượng kinh tế toàn cầu và 45% dân số thế giới. Đây là lần thứ 2 nhóm 5 nước trên có mặt trong cuộc họp tài chính của G7. Ông J.Kirton - Giám đốc nhóm nghiên cứu G8 (G7+Nga) tại Đại học Toronto (Canada) - nhận định việc mở rộng nhóm G7 là tích cực vì sẽ giúp thổi làn gió quyền lực mới cho châu Á - nơi mà nhóm G7 cũng được hưởng lợi. Bên cạnh đó, theo lời ông Kirton thì "Mỹ luôn phàn nàn rằng có quá nhiều quốc gia châu u trong nhóm G7. Trong tâm trí người Mỹ, họ xem Nga là một nước châu u khác. Đó là lý do tại sao họ muốn để Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil tham gia".

 

Một số nhà phân tích chỉ ra rằng đưa Trung Quốc vào nhóm G7 sẽ cho phép tổ chức này gây sức ép trực tiếp lên Bắc Kinh về các vấn đề kinh tế và thương mại quan trọng. Tuy nhiên, cũng có nhiều tiếng nói đối nghịch, cho rằng một tổ chức bao gồm cả quốc gia giàu có và bắt đầu phát triển mạnh mẽ (như Trung Quốc) đã tồn tại: G20. Trung Quốc sẽ lần đầu tiên đứng ra tổ chức hội nghị bộ trưởng tài chính G20 vào tháng tới. G20 được thành lập vào năm 1999, chủ yếu để thảo luận các vấn đề về nợ nần và nghèo đói ở các quốc gia đang phát triển. (AFP, Reuters, Times)

 

Châu Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.