Thế nào là thắng, thua trên sới?
Lần đầu tiên, sự thắng thua của trâu phải nhờ đến sự can thiệp của... chính quyền và lá thăm của các ông chủ. Kháp (trận đấu) thứ 5, hai trâu số 20 và số 30 giao tranh rất quyết liệt. Kết quả, trâu số 20 thắng thế và dồn đuổi trâu số 30. Loa của Ban tổ chức lập tức ca ngợi tài nghệ của trâu số 20 và ra lệnh bắt trâu, coi như trâu 20 đã thắng cuộc. Tuy nhiên, ngay sau đó, chính trâu số 20 lại tự chạy ra cửa Nam. Bấy giờ người ta mới nhớ ra rằng trong lịch sử 18 lễ hội chọi trâu, từng có một điều lệ nói rằng: trâu thua trận là trâu chạy ra khỏi sới trước, hoặc bị đuổi chạy một vòng quanh sới!
Thực tế, việc thắng thua chỉ xác nhận từ một tiếng loa! Trâu mới chỉ chạy vài chục mét, loa đã phân định thắng thua, và ra lệnh bắt trâu. Việc này cũng gây ngạc nhiên ở kháp đấu thứ 9, khi trâu số 31 chỉ đuổi trâu số 5 chạy vài chục bước, loa đã phân định thắng thua trong lúc trâu số 5 đã vòng lại tiếp tục giao tranh! Điều ngạc nhiên là lực lượng trọng tài dù được nhắc việc liên tục nhưng chẳng có vai trò gì trong sự thắng thua của các "ông" trâu!
Trở lại với đôi trâu số 20 và 30 sau một hồi tranh luận với sự chứng kiến của UBND hai phường, hai ông chủ trâu đã rút thăm và trâu 30 trở thành thắng trận!
Kịch bản: cũ và nhạt!
Lễ hội năm nay, công tác tổ chức tốt hơn những lần trước. Ban tổ chức đã tổ chức những ngày hội ở Đồ Sơn xung quanh vòng chung kết chọi trâu. Công tác quảng bá thậm chí còn được trao cho một công ty truyền thông. Trên sân đấu, lính cứu hỏa phun nước cho mềm đất sới chọi. Trên loa, có những đoạn phỏng vấn trực tiếp khán giả. Tuy nhiên, phần lễ chính của ngày hội này vẫn rất tẻ với hai màn tấu trống chiêng và múa cờ rất nghiệp dư, dù huy động lực lượng lớn của Trung đoàn 50 Quân khu III. Người "dịch loa" gọi tên hai chủ trâu đấu kháp đầu tiên thì chỉ múa chiếc loa gò bằng tôn, còn tiếng loa thật là của một người khác! Trong khi đó, hai giọng MC quen thuộc đọc lời giới thiệu lễ hội chọi trâu sáo rỗng và nhạt nhẽo, viết một lần, sử dụng nhiều năm. Trước hàng nghìn khách mời từ nhiều tỉnh thành, các MC vẫn nói ngọng "l" thành "n" rất Hải Phòng khi nói về tài nghệ của trâu đang đánh trên sới: "quyết niệt" hoặc "nầm nì"!
Bất ngờ là trong kháp đấu thứ 5, một ông chủ của con trâu số 20 nói trên đã cởi trần để đưa trâu vào sới mà không ai nói gì. Đặc biệt, trong trận chung kết, các chủ trâu đã làm một việc rất vô lý là lấy cờ Tổ quốc để che mắt trâu (một phương tiện che chắn để trâu chưa xung trận khi chủ trâu chưa muốn)!
Báo động nguy cơ tai nạn
Không hề có một va chạm nhỏ nào giữa trâu với người trong lễ hội năm nay, nhưng cảnh báo nguy cơ này không hề thừa.
|
Không ai phủ nhận những nỗ lực lớn của UBND thị xã Đồ Sơn trong việc tổ chức các lễ hội chọi trâu thường niên. Ngay cả khi xảy ra những thay đổi nhân sự của thị xã, lễ hội chọi trâu ở đây vẫn được tổ chức với những nỗ lực cao nhất. Tuy nhiên, một lễ hội lớn như vậy hình như đã quá tầm với một thị xã như Đồ Sơn!
Lưu Quang Phổ
Bình luận (0)