Công khai chi phí mua sắm trang thiết bị phục vụ SEA Games 31

01/05/2019 09:04 GMT+7

Gần 385 tỉ đồng là khoản tiền mà Ban tổ chức SEA Games 31 năm 2021 sẽ đầu tư để mua sắm, thuê mướn trang thiết bị phục vụ thi đấu cũng như công tác tổ chức chuyên sâu của từng môn thể thao tại đại hội.

Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 26.4 vừa qua, Bộ VH-TT-DL đã trình lên Chính phủ đề án đăng cai SEA Games 31. Sau nhiều lần thay đổi và bổ sung, bản đề án được đánh giá là rất công phu, trong đó toàn bộ kế hoạch tổ chức được thiết kế rất cụ thể. Tất cả các khoản khái toán thu, chi được trình bày chi tiết, mà theo lời một lãnh đạo ngành thể thao, những gì dính đến tiền nong cần phải công khai minh bạch để Chính phủ có cơ sở xem xét phê duyệt hay yêu cầu chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện kinh tế VN.
Một trong những khoản chi quan trọng phục vụ đại hội là mua sắm và thuê mướn trang thiết bị thi đấu, tập luyện với số tiền tổng cộng vào khoảng gần 269 tỉ đồng. Trong đó, môn bắn súng tốn kém nhất với 65 tỉ đồng. Môn thể dục 33 tỉ đồng, gồm thể dục dụng cụ 13,4 tỉ đồng; thể dục nghệ thuật 10 tỉ đồng và aerobic 9,6 tỉ đồng. Môn đua thuyền rowing gần
32 tỉ đồng, canoeing hơn 14 tỉ đồng. Bóng bàn cũng phải chi 30,5 tỉ đồng, điền kinh 22 tỉ đồng, môn xe đạp 17,4 tỉ đồng (cả xe đạp đường trường, địa hình), bắn cung 9,3 tỉ đồng. Bóng đá 7,4 tỉ đồng gồm bóng đá nam 4 tỉ đồng và nữ 3,4 tỉ đồng. Bắn đĩa bay 6,1 tỉ đồng; futsal (nam, nữ) 5,9 tỉ đồng; cử tạ 5,7 tỉ đồng.

tin liên quan

Thể thao Việt Nam xin 730 tỉ đồng để 'săn' huy chương
Ngành thể thao đề đạt nguyện vọng lên Thủ tướng để được đầu tư một khoản kinh phí dự kiến 750 tỉ đồng cho công tác đào tạo HLV, VĐV trong vòng 3 năm, nhằm hướng tới các mục tiêu quan trọng như giành huy chương Olympic 2020, HCV ASIAD 2022 và SEA Games 31 được tổ chức tại sân nhà.
Trong số các môn võ, karate và taekwondo cùng tốn 3,4 tỉ đồng tiền mua sắm trang thiết bị tập luyện, thi đấu còn wushu, judo, pencak silat, quyền anh, vovinam tốn khoảng từ 2,3 - 3 tỉ đồng. Billiards - snooker 3 tỉ đồng. Các môn thể thao dưới nước (bơi, bóng nước, nhảy cầu, bơi nghệ thuật) chỉ tốn hơn 804 triệu đồng; cờ 744 triệu đồng; bóng chuyền trong nhà 663 triệu đồng; đá cầu 334 triệu đồng. Các môn còn lại như đấu kiếm, cầu lông, cầu mây, bóng ném, bóng chuyền bãi biển, bóng rổ, bi sắt, golf, quần vợt... dao động từ 1 - 2,9 tỉ đồng.
Về kinh phí tổ chức chuyên sâu từng môn, số tiền tổng cộng vào khoảng 116 tỉ đồng (gồm bài trí khánh tiết, tập huấn trọng tài, giải tiền SEA Games 31, tổ chức thi đấu...). Trong đó, môn billiards - snooker lại tốn nhất với 8,9 tỉ đồng; điền kinh 4,6 tỉ đồng; đua thuyền và bóng đá đều 4,4 tỉ đồng. Karate 3,2 tỉ đồng, bóng chuyền trong nhà 2,9 tỉ đồng. Các môn khác từ 800 triệu đồng đến 2,5 tỉ đồng.
Trong công tác tổ chức về lĩnh vực giao thông, hậu cần và dịch vụ công cộng, khoản tiền cần phải chi là 262 tỉ đồng.

Lễ khai mạc, bế mạc tốn 50 tỉ đồng

Lễ khai mạc SEA Games 31 sẽ được đầu tư số tiền 45 tỉ đồng, còn lễ bế mạc là 5 tỉ đồng (tại SEA Games 28 năm 2015, Singapore chi 598 tỉ đồng chỉ cho riêng lễ khai mạc và bế mạc).
Do khó khăn về kinh phí nên trong đề án đăng cai cũng nêu rõ sẽ không xây dựng Làng vận động viên làm nơi ăn, ở tập trung của các đoàn tại SEA Games 31. Vì vậy giải pháp khả thi là sử dụng các khách sạn trên địa bàn TP.Hà Nội và các địa phương liên quan để bố trí nơi ăn, ở cho các đoàn, như phương án đã từng triển khai tại SEA Games 22 và Đại hội Thể thao trong nhà châu Á (AIG3).
Hoạt động rước đuốc của SEA Games 31 được tổ chức vào khoảng cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 2021. Ngọn đuốc SEA Games 31 được lấy từ Bảo tàng Hồ Chí Minh và rước qua các tỉnh/thành tham gia tổ chức SEA Games về đến thủ đô Hà Nội và sau đó được đưa tới đài đuốc chính thức của đại hội trong lễ khai mạc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.