|
Sức mạnh nội lực
Hưởng ứng xu thế của cuộc cách mạng Công nghệ Thông tin, ngay từ những ngày đầu thành lập, CNTT đã được Đại học Duy Tân lựa chọn là một trong những ngành mũi nhọn của trường. Nhà trường đã sớm nắm bắt cơ hội và hợp tác với Đại học Carnegie Mellon (CMU) - một trong bốn đại học hàng đầu của Hoa Kỳ về CNTT - nhằm chuyển giao chương trình đào tạo tiên tiến cho sinh viên Việt Nam. Và liên tục trong nhiều năm qua, Đại học Duy Tân đã kết hợp với nhiều đơn vị trong và ngoài nước để thực hiện nhiều dự án CNTT cũng như tổ chức các cuộc thi, các đợt tranh tài, các hội thảo CNTT mang tầm quốc gia và quốc tế.
Ngay tại Đại học Duy Tân, các ứng dụng CNTT đã tạo ra nhiều lợi ích kết nối và nâng cao hiệu quả công việc. Hệ thống email, đăng ký môn học, e-learning, thư viện, học phí,… giúp kết nối người dạy và người học một cách nhanh chóng và tối ưu hóa. Nhiều hướng nghiên cứu CNTT đồng thời đang được thực hiện tại trường như phát triển các ứng dụng di động, các phương thức tính toán và lưu trữ cỡ lớn, hệ thống thông tin địa lý (GIS),… Đặc biệt, hướng phát triển đồ họa 3D là một trong những trọng tâm mới trong thời gian gần đây của nhà trường.
Sử dụng công nghệ 3D, một loạt các dự án phục vụ cho nhiều ngành học khác nhau đã và đang được thực hiện như mô hình 3D thu nhỏ của Văn miếu Quốc Tử Giám và thánh địa Mỹ Sơn giúp du khách trong và ngoài nước có thể tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, mô hình hệ xương, cơ và tuần hoàn máu trong cơ thể con người, dự án phim tài liệu về các trận không chiến giữa Không quân Việt Nam với Không quân Mỹ và Không quân Hải quân Mỹ trong giai đoạn 1965-1972.
TS. Lê Nguyên Bảo - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân nhận xét: “Không chỉ là một công cụ Công nghệ Thông tin thuần túy, các công nghệ 3D đã thực sự giúp sức đắc lực cho các ngành Y-Dược, Du lịch, Điện tử, Xã hội Nhân văn ở Duy Tân.”
|
Duy Tân - Thương hiệu Thành công
Với sự tín nhiệm của xã hội về năng lực CNTT của nhà trường, trong năm 2013, Đại học Duy Tân đã đăng cai tổ chức nhiều sự kiện lớn về CNTT và qua đó gặt hái được nhiều thành công mang tính khích lệ.
Ngày 14.11.2013, Duy Tân trở thành đại học ngoài công lập đầu tiên của Việt Nam đăng cai tổ chức một sự kiện CNTT tầm cỡ quốc gia và quốc tế: Hội thảo Công nghệ Thông tin Quốc gia Lần thứ XVI với chủ đề "Một số vấn đề chọn lọc của Công nghệ Thông tin & Truyền thông: An toàn & Bảo mật Thông tin".
Hội thảo đã thu hút hơn 300 đại biểu là các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học Việt Nam cùng 10 chuyên gia hàng đầu đến từ các nước có nền khoa học phát triển như Mỹ, Thụy Điển, Nhật Bản. Ông Phùng Tấn Viết - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng khẳng định: “Duy Tân là một trường đại học tư thục có thời gian phát triển chưa dài nhưng đã có những bước trưởng thành vượt bậc. Trong đó phải kể đến hiệu quả của việc hợp tác quốc tế nâng cao chất lượng đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng về CNTT cho xã hội. Hội thảo được tổ chức tại thời điểm này thực sự là một sáng kiến hay, một hoạt động thiết thực để tìm ra các giải pháp để thúc đẩy ngành CNTT cũng như hướng đến sự an toàn thông tin và An ninh Mạng.”
Những ngày cuối tháng 11.2013, Duy Tân đã đăng cai tổ chức 2 cuộc thi CNTT lớn khác là Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam lần thứ 22 và Kỳ thi Lập trình Sinh viên Quốc tế ACM/ICPC lần thứ 38 châu Á. Tranh tài cùng sinh viên của 71 trường Đại học, Cao đẳng trên toàn quốc và 11 trường Đại học danh tiếng từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan và Indonesia, sinh viên Duy Tân đã đoạt một số giải thưởng lớn (2 giải Nhì, 4 giải Ba và 2 giải Khuyến khích).
Ngoài ra, đội Đại học Duy Tân cũng đã đoạt giải Nhì (cao nhất, không có giải Nhất) tại cuộc thi “Mùa hè Sáng tạo viết Phần mềm Nguồn mở” với dự án MHST13-14.
Về thành công này, ThS. Trương Tiến Vũ - Trưởng khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Duy Tân - cho biết: “Vượt qua 14 dự án ở vòng sơ khảo, dẫn đầu trong 3 dự án lọt vào vòng chung khảo để đạt được giải thưởng cao nhất năm nay là một kết quả hoàn toàn xứng đáng dành cho nhóm dự án MHST13 -14 Đại học Duy Tân.
Dự án MHST13-14 là một giải pháp vừa mang tính công nghệ vừa mang ý nghĩa xã hội khi xây dựng một giải pháp đào tạo trực tuyến dựa trên nền nguồn mở phục vụ cộng đồng.
Hiện nay, đã có một số quỹ đầu tư, một số doanh nghiệp đề nghị hợp tác để tiếp tục tài trợ phát triển dự án này. Tôi tin tưởng rằng với ý tưởng xuất sắc cùng sự hỗ trợ tốt nhất của nhà trường, cộng đồng và các doanh nghiệp trong VFOSSA, dự án của các em sẽ tiếp tục phát triển để ứng dụng thực tế và mang lại những giá trị thật sự phục vụ cộng đồng, đặc biệt là trên phương diện áp dụng công nghệ và đổi mới giáo dục.”
Chưa hết, mới đây nhất, Ban Tổ chức cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên Nhi đồng Toàn quốc Lần thứ 9 đã trao giải Nhất cho sinh viên Nguyễn Trần Viết Chương (K19CMU-TMT - DTU) với phần mềm Quản lý Học sinh Sử dụng Máy tính.
Những thành công như vậy đã phần nào cho thấy sức phát triển không ngừng trong lĩnh vực CNTT của Đại học Duy Tân. Hy vọng thầy và trò Đại học Duy Tân sẽ tiếp tục góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội đất nước một cách mạnh mẽ và toàn diện.
Theo Trường ĐH Duy Tân
Bình luận (0)