Bộ sản phẩm của Google gồm: 2 dòng điện thoại thông minh (smartphone) là Pixel và Pixel XL với màn hình lần lượt có kích thước 5 inch Full HD và 5,5 inch QHD, cả hai đều có bộ nhớ 4 GB RAM và bộ nhớ trong 32/128 GB cùng khe cắm thẻ nhớ mở rộng, camera chính 12 MP, camera phụ 8 MP, kết nối USB Type-C; Cromecast Ultra là thiết bị giải trí giúp mang nội dung trực tuyến lên ti vi chuẩn 4 K; kính thực tế ảo Daydream với vỏ bọc bằng vải tạo sự êm ái và kết nối không dây với điện thoại; Google Wi-fi là bộ phát tín hiệu wifi cho gia đình; Google Home là thiết bị điều khiển bằng giọng nói dùng để điều khiển nhiều thiết bị trong gia đình và phát nhạc trực tuyến cùng những thông tin ở nhiều lĩnh vực.
Hơn 5 năm qua, Google đã thể hiện rõ nỗ lực hoàn thiện một “hệ sinh thái” công nghệ gồm trình duyệt Chrome, hệ điều hành Chrome cho laptop, hệ điều hành Android cho thiết bị di động, kho dữ liệu CH Play... Kết hợp theo đó là vô số ứng dụng hỗ trợ để hình thành nên một hệ thống “mềm” khép kín phục vụ người dùng. Tuy nhiên, bấy nhiêu chẳng là gì khi Apple đang có cả một hệ sinh thái khép kín cả phần mềm lẫn phần cứng từ iOS, iCloud... đến iPhone, iPad, iMac, Macbook... Tương tự, Amazon cũng phát triển thành công một hệ sinh thái phần cứng lẫn phần mềm, dù hệ thống sản phẩm không mạnh như Apple nhưng vẫn tạo được một nhóm riêng thành công với máy đọc sách, thiết bị giải trí...
Chính vì thế, Google cũng phải phát triển một hệ sinh thái bao phủ cả phần cứng và phần mềm. Google đã theo đuổi điều này từ vài năm qua bằng việc tung ra các sản phẩm như dòng điện thoại Nexus, kính thông minh Google, dự án Ara phát triển dòng smartphone người dùng có thể kết hợp từ các mô đun, Chromecast - thiết bị hỗ trợ giải trí giúp mang các nội dung trực tuyến lên ti vi... Tuy nhiên, trong số đó thì chỉ mỗi Chromecast được đánh giá là thành công, còn lại phần lớn rơi vào cảnh ảm đạm. Google đã phải chuyển hướng sản phẩm kính thông minh, ngưng dự án Ara, điện thoại Nexus thì cũng đã kết thúc.
Theo The Verge, những kết quả không tốt đẹp trên là hậu quả của việc Google đã để các bộ phận khác nhau phát triển từng dòng sản phẩm phần cứng, thiếu đi một chiến lược tập trung. Tuy nhiên, lần này, với bộ sản phẩm mới trên, Google đã thể hiện rõ hơn một chiến lược tổng hợp để phát triển sản phẩm phần cứng. Google cũng tự chủ hơn khi dù Pixel và Pixel XL được chế tạo bởi HTC nhưng không hề dựa trên một sản phẩm nào của HTC. Pixel và Pixel XL là một sáng tạo của Google, HTC chỉ thừa hành. Chính vì vậy, Google hứa hẹn nhiều kết quả khả quan hơn trong tương lai để hình thành một hệ sinh thái công nghệ khép kín cả phần cứng lẫn phần mềm.
Bình luận (0)