5 món hay nhất mà công nghệ in 3D làm được năm 2018

Thu Thảo
Thu Thảo
26/12/2018 19:19 GMT+7

Từ cầu, nhà ở cho đến ô tô, công nghệ in 3D đang kết năm 2018 với nhiều sản phẩm thú vị được in ra.

Theo MIT Technology Review, độ “hot” của công nghệ in 3D có thể đã giảm một chút song nó vẫn tạo ra làn sóng mới cho ngành sản xuất năm 2018. Các hãng sản xuất đã và đang tích cực tìm kiếm công nghệ mới để sản xuất sản phẩm giúp hạ trọng lượng, tiết kiệm chi phí. Thú vị hơn, giới kiến trúc sư thực hiện thành công một số thử nghiệm giúp thúc đẩy giới hạn của công nghệ này. Dưới đây là 5 thành tựu sáng tạo nổi bật từ in 3D trong năm nay.
Cầu thép
Cầu thép do hãng MX3D làm bằng công nghệ in 3D Ảnh: MX3D
Được giới thiệu tại Tuần lễ Thiết kế Hà Lan năm nay, cầu dành cho người đi bộ do hãng MX3D thực hiện bằng cách in 3D sẽ được xây tại Amsterdam trong năm 2019. Toàn bộ dự án mất đến bốn năm để thực hiện, song MX3D cho hay quy trình sản xuất cầu thép này có thể được hoàn tất trong 6 tháng. Cầu dài 12 mét, ban đầu được lên kế hoạch xây dựng tại chỗ và được in ngay trên mặt nước. Song vì nhiều lo ngại về hậu cần và môi trường, dự án bị tạm hoãn. Cánh tay robot và máy hàn sẽ làm cầu tại xưởng của doanh nghiệp trước khi đưa nó vào vị trí.
Nhà ở
Nhà in 3D của hãng Icon Ảnh: Icon
Startup Icon tuyên bố hồi tháng 3 rằng hãng in 3D ngôi nhà rộng 60 mét vuông trong 12-24 giờ. Đây là ngôi nhà đầu tiên được làm bằng công nghệ của hãng Icon, được giới thiệu tại bang Texas (Mỹ). Đến tháng 10, startup công bố khoản tài trợ 9 triệu USD để mở rộng nhiều dự án in 3D.
Năm sau, Đại học Công nghệ Eindhoven sẽ mở cửa ngôi nhà đầu tiên trong số 5 căn nhà được in 3D theo kế hoạch. Nhiều người cố làm nhà in bằng công nghệ 3D trong thời gian dài, từ tận năm 2012. Dù vậy, giới kỹ sư vấp phải nhiều trở ngại như lỗi thiết bị hoặc vấn đề về thời gian tường khô. 
[VIDEO] Công nghệ 3D "in" bê tông xây nhà mới vừa tiết kiệm lại nhiều kiểu dáng
Thành phần xe BMW
Bộ phận được in 3D của BMW Ảnh: BMW
Dù công nghệ in 3D vẫn chật vật tìm chỗ đứng trong ngành sản xuất, một số hãng xe và công ty hàng không, vũ trụ đã chấp nhận nó. Đơn cử là BMW. Hãng xe làm thành phần thứ 1 triệu của mình kể từ năm 2010 bằng cách in 3D. Đây là ray dẫn cửa sổ cho mẫu BMW i8 Roadster, được làm bằng máy in HP 3D. BMW dùng công nghệ từ năm 1990 để tạo mẫu và phát triển, song việc dùng nó để sản xuất thì mới phát triển hoàn toàn trong tám năm qua. Hãng ước tính sẽ hoàn thành hơn 200.000 bộ phận in 3D năm nay.
[VIDEO] Cực "ngầu" xe máy in 3D vừa lăn bánh
Công cụ tái tạo
Thiết bị tái tạo Ảnh: NASA
Hệ thống in 3D mới vừa được đưa lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) thông qua đợt phóng tên lửa vào tháng 11.Hệ thống này có sự thay đổi đặc biệt. Thay vì yêu cầu vật liệu mới, nó có thể biến vật dụng cũ bằng nhựa thành dây tóc, vật liệu nhựa cần thiết để tạo bộ phận mới. Trong giai đoạn thử nghiệm, hầu hết hoạt động của máy in sẽ được kiểm soát từ Trái đất.
Thử nghiệm có thể xem xét liệu sử dụng máy in có đem lại giá trị lớn cho du hành không gian hay không. Nếu các phi hành gia có thể tái sử dụng vật liệu in 3D nhiều lần, họ sẽ hạn chế được lượng vật liệu cần trong không gian, giúp khả thi hóa nhiều nhiệm vụ dài ngày trong không gian.
Vật dụng gửi được thông tin
Vật dụng chuyển được thông tin về nó do giới nghiên cứu Đại học Washington phát triển Ảnh: Đại học Washington
Giới nghiên cứu Đại học Washington dùng công nghệ in 3D để tạo ra các vật thể như chai thuốc hoặc chân, tay giả có khả năng gửi thông tin về cách chúng đang được dùng mà không cần pin. Ăng-ten được nhúng vào vật thể được kích hoạt khi vật thể di chuyển theo cách cụ thể, chẳng hạn như khi chai thuốc mở hoặc đóng.  
Các nhà nghiên cứu tin rằng hệ thống này có thể giúp cải thiện công nghệ hỗ trợ, giúp theo dõi chính xác cách mọi người sử dụng thiết bị. Nó thậm chí vẫn xài được khi hết pin hoặc bị ướt. Thử thách lớn tiếp theo của nhóm nghiên cứu là làm thế nào để thu nhỏ nguyên mẫu, giúp chúng nhúng được vào các vật dụng hữu ích thường ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.