Tương tự năm 2017, chủ đề phổ biến trong một số cuộc tranh luận công nghệ năm nay là chuyện “vỡ mộng” về công nghệ hoặc doanh nghiệp đứng sau công nghệ đó. Dưới đây là danh sách do hãng tin Mỹ đưa ra, xếp theo độ quan trọng tăng dần.
8. Hy vọng và nỗi lo với ô tô không người lái
|
Tám năm kể từ khi dự án xe không người lái của Google lên báo, nhiều tiến bộ được thực hiện song cũng có không ít thất bại nghiêm trọng. Đầu năm nay, xe tự hành của Uber Technologies với tài xế dự phòng vô tình đâm thiệt mạng một người đi đường. Đây là dấu hiệu bi thảm cho xe tự hành vì thể hiện rằng công nghệ này còn ít phổ biến, ít đáng tin cậy. Các hãng khác như Tesla và Waymo, công ty tách ra từ Google, đều chật vật với công nghệ hỗ trợ tài xế và dịch vụ taxi không người lái mới. Lời hứa về công nghệ tự lái vẫn còn đó, song sẽ mất nhiều năm để cho ra kết quả.
7. Nhân viên công nghệ được lắng nghe
|
Nhân viên các hãng công nghệ lớn lên tiếng nhiều lần trong năm nay để tạo sự thay đổi. Đơn cử, nhân viên phản đối ý định phát triển công cụ tìm kiếm cho chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt của Google, phản đối việc sử dụng công nghệ cho dự án quân sự, và phản đối hành vi không đúng mực nơi công sở. Tiếng nói của nhân viên giúp thay đổi nhiều chính sách trong một số trường hợp. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp đánh giá cao tài sản quý nhất của họ là nhân viên.
6. Buồn - vui mảng chip
|
Các nhà sản xuất chip bị khóa trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc và nỗi lo lao dốc toàn ngành sau 5 năm bùng nổ. Họ đón cả tin tốt lẫn xấu. Tin tốt là ngành này thực hiện nhiều tiến bộ trong việc sản xuất chip có mục tiêu. Tiến bộ đến từ Amazon là tin tốt cho tính cạnh tranh trên thị trường song là tin xấu cho các hãng lớn, chẳng hạn như Intel. Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) là hãng đón tin tốt trong năm vì đạt được cột mốc sản xuất, tự khẳng định mình.
5. Uber ít ồn ào
|
Bê bối và ồn ào xoay quanh Uber Technologies trong cả năm 2017, với tranh cãi về văn hóa công sở, vấn đề pháp lý - quy định, vấn đề về hội đồng quản trị và việc nhà sáng lập hãng, ông Travis Kalanick, phải rời ghế CEO. Năm nay, Uber ít tin xấu hơn dưới sự lãnh đạo của tân CEO, ông Dara Khosrowshahi.
Doanh nghiệp “hòa bình” với cả nhà quản lý lẫn nhân viên, đạt được thỏa thuận tốt cho cổ đông. Uber không bao giờ hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng và vẫn còn nhiều nghi ngờ về khả năng tồn tại của doanh nghiệp. Dù vậy, công ty vẫn bình tĩnh. Mục tiêu IPO năm 2019 cho thấy doanh nghiệp có thể đứng dậy từ khủng hoảng nhanh như thế nào.
4. Cả ngành ồ ạt đón vốn
|
2018 lại là một năm tuyệt vời với các hãng công nghệ giỏi và non trẻ. Đầu tư vào startup công nghệ được cho là vượt 200 tỉ USD năm nay, theo dữ liệu từ PitchBook. Đây là khoản tài trợ startup công nghệ thường niên lớn nhất kể từ thời bong bóng dotcom.
IPO công nghệ thì không mạnh như thế, song hứa hẹn một năm 2019 đầy sôi nổi với những cái tên như Uber, Lyft, Pinterest và Bytedance rục rịch lên sàn. Nỗi lo lớn nhất ở đây là: Các startup công nghệ ưu tú nổi lên hậu khủng hoảng tài chính chưa bao giờ thiếu tiền mặt để xây dựng doanh nghiệp. Trong trường hợp dòng tiền bị thắt chặt, mọi thứ có thể trở nên xấu xí hơn.
3. "Đối đầu" Mỹ - Trung
|
Làng công nghệ của hai cường quốc số một thế giới không tránh được yếu tố chính trị. Nhà Trắng can thiệp để đảo ngược tình thế, mở đường làm ăn cho hãng ZTE của Trung Quốc. Cùng lúc, Mỹ e ngại tiếp hãng viễn thông Huawei Technologies, không chấp thuận thương vụ thâu tóm lớn mà Broadcom đề xuất. Ngành công nghệ cho thấy mình không phải là mảng mà các nước có thể phát triển hài hòa. Mỹ và Trung Quốc có “quỹ đạo” phát triển riêng.
2. Các hãng lớn “rạn nứt”
|
Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu từng quá mạnh so với lợi ích của chính họ giờ đây xem ra quá yếu. Nhiều người lo về khả năng những cái tên internet phổ biến như Facebook, YouTube lao dốc thảm. Chưa hết, giới lập pháp nhiều nước hiện cân nhắc xem liệu các hãng công nghệ lớn có nên được tách ra, hoặc bị quản lý thật chặt hay không. Bên trong Trung Quốc, ngành công nghiệp cũng gặp khó với chính phủ.
Trong khi mặt sáng của bức tranh là Apple cùng Amazon đều lần lượt cán mốc doanh nghiệp 1.000 tỉ USD trong năm nay, mặt tối đứng về phía các hãng như Facebook và Tencent. 2019 sẽ là năm thú vị để xem liệu giới quản lý có tìm cách giới hạn các hãng internet “khủng” hay không.
1. Năm tồi tệ của Facebook
|
Thật khó có doanh nghiệp nào trải qua 365 ngày tồi tệ hơn Facebook, từ bê bối dữ liệu người dùng cho thấy tiêu chuẩn quyền riêng tư lỏng lẻo với Cambridge Analytica, cho đến việc ông chủ Mark Zuckerberg thừa nhận rằng hoạt động sử dụng mạng xã hội Facebook vừa chạm bức tường lớn. Chưa hết, quảng cáo trên nền tảng Facebook cũng có vấn đề. Liên Hiệp Quốc đổ lỗi cho Facebook vì gieo rắc bạo lực ở Myanmar, và hãng còn là mục tiêu liên tiếp của giới lập pháp Mỹ, châu Âu.
Giữa cơn bão lòng tin, Facebook nỗ lực nhiều để tự sửa chữa. Hiện chưa rõ hãng sẽ làm thế nào mà không cần đại tu cơ bản hệ thống quảng cáo lớn, chuyện thu thập dữ liệu “khủng” của người dùng. Facebook từng hứng nhiều cơn bão trong 15 năm qua, song đây mới là giai đoạn khủng hoảng nhất. Bloomberg cho rằng công ty sẽ có nhiều thay đổi trong năm 2019.
Bình luận (0)