Các doanh nghiệp công nghệ đang chống dịch Covid-19 như thế nào?

03/06/2021 14:33 GMT+7

Dịch bệnh Covid-19 phức tạp ảnh hưởng tới hầu hết mọi ngành hàng nói riêng và cuộc sống của người dân nói chung. Các doanh nghiệp kinh doanh công nghệ cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng đó.

Đẩy mạnh đơn hàng online

Sau khi trải qua làn sóng Covid-19 đầu tiên, các doanh nghiệp trong nước đã ít nhiều rút ra được kinh nghiệm để “sinh tồn và phát triển” trong mùa dịch, nhưng không vì thế mà “dễ thở hơn”. Đợt dịch mới năm nay với nhiều diễn biến phức tạp và khó lường đòi hỏi các doanh nghiệp phải tập trung và sáng tạo hơn để “chạy dịch”, nhất là với những ngành hàng nhạy cảm với “tồn kho” như công nghệ.
Mỗi doanh nghiệp sẽ có những chính sách để duy trì hoạt động và thu hút người dùng trong đợt dịch, đặc biệt là trong bối cảnh những thị trường lớn như Hà Nội và TP.HCM - những nơi đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 hoặc 16. Nhưng nhìn chung, các doanh nghiệp đều đang phải oằn mình tìm đủ cách để duy trì doanh số và thậm chí là “sống sót qua dịch” hơn là mở rộng thị phần.
Không chia sẻ về doanh số cụ thể, nhưng đại diện FPT Retail (FRT) cho biết, mặt tích cực của đợt cách ly xã hội là số đơn hàng online tăng lên từ 14-20%. Do đã dự trù trước nên hệ thống này đã chủ động phân bổ nguồn lực hợp lý để đáp ứng sự chuyển dịch này. Tương tự, đại diện hệ thống bán lẻ Di Động Việt cho biết, mấy ngày qua lượng khách mua online trên hệ thống này đã tăng lên 40-45%, đòi hỏi đơn vị phải phân bổ lại nhân sự để đáp ứng nhu cầu mua sắm mới. Tuy bức tranh kinh doanh trực tuyến được “tô hồng” như vậy nhưng các chi phí vận hành và logistics trong mùa dịch lại tăng vọt khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu.
Còn mua sắm trực tiếp tại cửa hàng thì sao? Dịch bệnh đã nhuốn một màu xám lên các hình thức kinh doanh truyền thống, nhiều chuỗi cửa hàng đã phải bắt đầu nếm trái đắng của giãn cách xã hội do Covid-19.

Trưa 3.6: Thêm 102 ca Covid-19, TP.HCM có 19 ca liên quan nhóm Truyền giáo Phục Hưng

Theo đại diện hệ thống bán lẻ CellphoneS, các cửa hàng của CellPhoneS trong khu vực phường quận ở TP.HCM thuộc diện giãn cách theo chỉ thị 16 như Gò Vấp thì phải đóng cửa, còn các khu vực khác vẫn mở cửa với giới hạn 5-10 người trong cửa hàng đã ít nhiều gây bất tiện cho cả khách hàng lẫn đơn vị kinh doanh, khiến doanh số bắt đầu sụt giảm mạnh. Cụ thể, tổng doanh số giảm tới 50% so với cùng kỳ, trong đó các mặt hàng thiết yếu mùa dịch như laptop và máy tính bảng cũng sụt giảm từ 20-30% doanh số.
Là đơn vị hiếm hoi mạnh tay mở thêm chi nhánh ngay giữa mùa dịch, nhưng đại diện Di Động Việt cho biết chuỗi cửa hàng của mình dù vẫn mở cửa và tuân thủ giãn cách theo tiêu chí 5K của Bộ Y Tế nhưng doanh số không đáng kể do khách hàng chuyển dịch dần sang hình thức đặt hàng online. Trong khi FPT Shop cho biết nhờ tích cực áp dụng chuyển đổi số nên áp lực về vận hành hệ thống trong mùa dịch trên toàn quốc của FPT Shop đã ít nhiều được giảm thiểu so với các đợt dịch trước, dù hệ thống vẫn mở cửa hạn chế để phục vụ một số mặt hàng thiết yếu như laptop, điện thoại hay thuốc men.

Nỗ lực vượt đại dịch

Ảnh hưởng nặng nhất của doanh số bán hàng trực tiếp vẫn là ngành hàng điện thoại thông minh, đây cũng là lĩnh vực nhạy cảm với dịch bệnh do nhu cầu trải nghiệm trực tiếp tại shop và vấn đề tiết kiệm chi tiêu. Đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh và sự sụt giảm về doanh số, các hệ thống cửa hàng đã đưa ra những chính sách kích cầu riêng.

Nhiều cửa hàng thực hiện các biện pháp giãn cách để bán hàng

Ảnh: T.L

Với Di Động Việt, song song với việc đảm bảo điều phối nhân lực giao hàng trực tuyến, hệ thống bán lẻ này đã triển khai chương trình giao hàng miễn phí 1 giờ trên toàn hệ thống, giảm thêm 100.000 đồng khi mua online cùng nhiều ưu đãi khác đi kèm. Đáng chú ý là gói giảm 1,5 triệu đồng đối với một số đơn hàng điện thoại và 50% đối với phụ kiện trên hệ thống bán lẻ này.
Tuy nhiên, như chia sẻ của đại diện CellphoneS, tâm lý chung của khách hàng trong mùa dịch vẫn là tạm thời hạn chế chi tiêu với các mặt hàng chưa thực sự cần thiết và thận trọng với hình thức mua sắm trực tuyến, nên vẫn rất cần sự hỗ trợ từ phía các nhà quản lý nhà nước trong việc hoạch định chính sách để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó như giảm thuế, giảm phí điện nước. Cụ thể, đại diện FPT Shop kiến nghị nhà nước nên đưa ra các hướng dẫn chi tiết hơn về tình trạng giãn cách xã hội cũng như có thêm những hướng dẫn và khuyến khích các chủ đất miễn giảm tiền thuê mặt bằng trong các khu vực bị phỏng tỏa và giãn cách xã hội, để góp phần chia sẻ khó khăn giữa các lĩnh vực kinh doanh trong xã hội.
Nhìn chung, với diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh công nghệ nói riêng cần rất nhiều nỗ lực và may mắn để vượt dịch, trong đó không thể không kể tới những hỗ trợ từ nhà nước và sự chung tay của người tiêu dùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.