Cấy ghép thị giác nhân tạo cho người khiếm thị

10/12/2020 18:10 GMT+7

Nhóm nhà khoa học Hà Lan đang nỗ lực đem lại ánh sáng cho hàng triệu người khiếm thị trên thế giới bằng thiết bị điện cực cấy ghép vào vùng thị giác của não bộ.

Theo Daily Mail, các chuyên gia ở Viện Khoa học Thần kinh Hà Lan (NIN) đã thử nghiệm cấy ghép các điện cực vào bộ não của hai chú khỉ mù để chúng “nhìn thấy” những đốm sáng trắng trong bóng tối gọi là phosphene (người Việt gọi là "đom đóm mắt").
Phosphene là hiện tượng nhìn thấy ánh sáng dù không có ánh sáng đi vào mắt. Hiện tượng này có thể được kích hoạt bằng phương pháp cơ học hoặc điện tử. Những "đom đóm mắt" giống như các điểm ảnh pixel trên TV. Khi nhiều đốm tập hợp lại, hai chú khỉ có thể nhận diện hình dạng của chữ cái hiển thị trên màn hình.

Những đốm sáng phosphene tương tự các điểm ảnh pixel

Ảnh chụp màn hình

Công nghệ này dựa trên ý tưởng kích thích điện não để người khiếm thị thấy các đốm phosphene đã có từ nhiều thập niên trước, nhưng các nhà khoa học thời đó chưa thể biến lý thuyết thành hiện thực do công nghệ còn hạn chế. Giờ đây nhóm nghiên cứu ở Hà Lan đã tiến gần hơn đến mục tiêu lấy lại thị lực cho người khiếm thị.
Giám đốc NIN Pieter Roelfsema đã phát triển thiết bị cấy ghép gồm 1.024 điện cực được nối dây vào vỏ não của hai chú khỉ. Nhà nghiên cứu Xing Chen cho biết thiết bị giao thoa trực tiếp với não, bỏ qua các giai đoạn tiền kỳ xử lý hình ảnh qua mắt hoặc thần kinh thị giác. Xing Chen giải thích: “Trong tương lai công nghệ này có thể được dùng để phục hồi thị lực cho những người mất thị lực vì trải qua chấn thương, bị thoái hóa võng mạc, mắt hoặc thần kinh thị giác nhưng vùng thị giác ở vỏ đại não vẫn còn nguyên vẹn”.
Cấy ghép thị giác nhân tạo cho người khiếm thị

Minh họa cách hoạt động của thị giác bình thường (ảnh đầu), thị giác hoạt động nhờ kích thích điện não (ảnh giữa) và triển vọng phát triển sản phẩm kính đeo mắt cho người khiếm thị (ảnh cuối)

Ảnh: Viện Khoa học Thần kinh Hà Lan (NIN)

Vùng thị giác của con người nằm phía sau não và có nhiều điểm tương đồng với các loài linh trưởng như khỉ, tinh tinh... Tuy nhiên, thị giác nhân tạo vẫn chưa được thử nghiệm trên con người. Trở ngại duy nhất là các điện cực mà nhóm nghiên cứu sử dụng sẽ dừng hoạt động sau một năm do bị các mô tế bào bao phủ. Vì vậy họ muốn tạo ra loại điện cực mới tương thích với khả năng tiếp nhận của cơ thể. Giải pháp tốt nhất là sử dụng thiết bị không dây để người khiếm thị không cần phải đeo thiết bị cấy ghép đằng sau hộp sọ. Thế nhưng trong trường hợp đó, họ phải thực hiện phẫu thuật và có nguy cơ bị nhiễm trùng. May mắn thay, loại thiết bị không dây giao tiếp với não đang phát triển nhanh chóng nên vẫn còn hi vọng cho các nhà khoa học.
Dù vậy, thiết bị chỉ phù hợp với những người mất thị lực do bệnh tật hoặc chấn thương chứ không có tác dụng đối với những người khiếm thị bẩm sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.