Có gì trên Clubhouse - 'phòng chat' mới nổi tại Trung Quốc?

08/02/2021 14:11 GMT+7

Công nghệ , đầu tư, khởi nghiệp, chính trị... là những đề tài phổ biến và thu hút sự quan tâm của đông đảo thành viên Clubhouse. Họ có thể đến từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hồng Kông và cả Nhật Bản.

Clubhouse là ứng dụng audio chat của công ty Andreessen Horowitz có trụ sở tại California (Mỹ), ra mắt lần đầu vào tháng 3.2020. Không giống các ứng dụng mạng xã hội thông thường, thành viên mới chỉ được phép gia nhập Clubhouse khi có lời mời từ thành viên cũ. Những lời mời như vậy được rao bán trên trang thương mại điện tử Taobao với giá từ vài chục cho đến hàng trăm nhân dân tệ.
Tính đến ngày 7.2, người dân ở Trung Quốc đại lục có thể truy cập Clubhouse mà không cần đến mạng riêng ảo (VPN) - dịch vụ giúp người dùng vượt qua tường lửa để truy cập những trang web bị cấm tại quốc gia. Tuy nhiên, ứng dụng Clubhouse chỉ hoạt động trên hệ điều hành iOS của iPhone nên là một hạn chế đối với những người không sử dụng thiết bị này.
Fang Kecheng - Giáo sư truyền thông tại Đại học Hồng Kông cho rằng Clubhouse chỉ có thể thu hút một số ít công dân có học thức chứ không thể phổ biến với số đông.
Trên các phòng chat của Clubhouse, cộng đồng người nói tiếng Trung từ khắp nơi tụ hội để trò chuyện, giao lưu cùng nhau. Tại đây, họ trao đổi những chủ đề từ sách vở, âm nhạc, kinh doanh, công nghệ cho đến các câu chuyện 18+. Dĩ nhiên không thể thiếu những kênh chính thống chuyên phát sóng chương trình tin tức hằng ngày Xinwen Lianbo của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc.
Theo Bloomberg, có một phòng chat thu hút hơn 4.000 thành viên bàn luận về mối quan hệ giữa Trung Quốc - Đài Loan. Một phòng chat khác lại là diễn đàn cho những người tộc Duy Ngô Nhĩ sống ở nước ngoài chia sẻ hiểu biết của mình về những sự kiện đang diễn ra ở vùng phía tây Tân Cương. Vài thành viên cho biết họ đã mất liên lạc với gia đình và không trở về nhà trong hơn 4 năm qua.
Một bác sĩ người Phần Lan gốc Trung nói với Bloomberg News: "Nhờ có Clubhouse, tôi có quyền tự do bày tỏ ý kiến và có những người lắng nghe. Ứng dụng này giúp ích cho tôi, cung cấp một nền tảng để người Duy Ngô Nhĩ và người Trung Quốc đối thoại". 
Theo SCMP, một tài khoản có tên OrwellianNonsense sau khi tham gia vào những cuộc thảo luận chính trị trên Clubhouse đã lên Weibo nhận xét: "Trên các nền tảng truyền thông xã hội lớn, tôi thấy những người trẻ tuổi ở cả hai bờ eo biển [Đài Loan] nhiều lần phớt lờ quan điểm của nhau, chui rúc trong vỏ ốc của họ, chỉ trích ý kiến và hạ bệ đối phương. Tôi ở trong phòng chat 2 tiếng và nhận thấy hầu hết người tham gia thảo luận đều lý trí và kiên nhẫn khi giao tiếp với người khác".
Cũng có những "căn phòng im lặng" được tạo ra với mục đích tưởng nhớ 1 năm ngày mất của bác sĩ Lý Văn Lượng - người cố gắng cảnh báo mọi người về hiểm họa Covid-19, rồi chính ông cũng qua đời vì nhiễm bệnh.
Michael Norris - Giám đốc nghiên cứu và chiến lược tại cơ quan tư vấn AgencyChina có trụ sở tại Thượng Hải cho biết hầu hết người dùng Clubhouse ở Trung Quốc mà anh tiếp xúc đều thuộc giới công nghệ, đầu tư và tiếp thị. Họ muốn nghe chia sẻ từ những đồng nghiệp ở nước ngoài và những "gã khổng lồ" công nghệ như Elon Musk và Mark Zuckerberg.
Ông nhận định: "Những ai tham gia vào các cuộc thảo luận chính trị Clubhouse đang chịu một mức độ rủi ro nhất định. Đa số đều biết Clubhouse ghi lại tên thật, số điện thoại và giọng nói, nhưng họ không biết một số trường hợp bị thẩm vấn và đi tù vì đăng bài sai sự thật trên Twitter".
Arnold Ma - người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Qumin chia sẻ với SCMP: "Tôi nghĩ kết quả dễ thấy nhất là Clubhouse sẽ bị cấm ở Trung Quốc. Họ không thể điều chỉnh ứng dụng để phù hợp với luật ở đây. Sẽ có một loạt ứng dụng Trung Quốc mới có chức năng tương tự thay thế". 
Hầu hết cư dân mạng trên Weibo đều đồng tình với nhau rằng việc Clubhouse bị cấm chỉ còn là "vấn đề thời gian", thậm chí có một phòng chat trên ứng dụng được tạo ra để thảo luận câu hỏi "bao giờ Clubhouse bị chặn?". 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.