Theo Bloomberg, trong bối cảnh người dùng chờ đợi lâu hơn để nâng cấp điện thoại và thị trường smartphone bão hòa, Apple có thể dựa vào việc nâng giá điện thoại thông minh, hay tính thêm tiền cho các dịch vụ như phát nhạc trực tuyến, video kỹ thuật số và lưu trữ dữ liệu.
Dù vậy, nhiều hãng cung ứng linh kiện iPhone thì không có mấy kế hoạch dự phòng một khi doanh số iPhone giảm. Đây có thể là tin rất xấu với các nhà cung ứng đến từ hai châu lục. Hãng Nhật Bản Japan Display, công ty vốn có hơn nửa doanh thu đến từ Apple, cắt giảm dự báo kinh doanh. Sau đó, Lumentum, nhà sản xuất cảm biến nhận diện khuôn mặt hàng đầu cho iPhone, cũng hạ triển vọng quý kinh doanh thứ nhì.
“Các nhà cung ứng phụ thuộc nhiều vào khối lượng hơn Apple. Điều này làm tăng nguy cơ cho phần còn lại của chuỗi cung ứng”, nhà phân tích Woo Jin Ho thuộc Bloomberg Intelligence cho hay. Cổ phiếu Apple giảm 5% hôm 12.11 (giờ Mỹ), trong khi Lumentum giảm hơn 30% và hãng đối thủ II-VI thì hạ 13%. Công ty Hàn Quốc LG Innotek, hãng vốn có hơn nửa doanh thu từ Apple, trượt 9,5%. Japan Display thì rớt giá 11%.
|
Đối mặt thị trường smartphone trưởng thành, chiến lược của Apple đã và đang là thu hút khách hàng trả thêm tiền mua điện thoại, bằng cách tích hợp nhiều tính năng mới vào sản phẩm như nhận diện khuôn mặt và màn hình sống động hơn.
Các thành phần cảm biến 3D từ doanh nghiệp như Lumentum được gắn trong các mẫu iPhone có giá hơn 1.000 USD. Không nhiều người đủ nhiều tiền đến thế để tậu điện thoại mới, song một khi smartphone bán được, nhà cung ứng nhận tiền một lần cho linh kiện họ cung cấp, trong khi Apple có thể kiếm thêm hàng trăm USD nữa trên mỗi chiếc điện thoại.
Trong quý gần nhất, Apple báo cáo số lượng iPhone bán ra dường như không tăng, song doanh thu từ mảng kinh doanh này thì lên 29% so với cách đây một năm. Nếu nhu cầu iPhone mới, đắt hơn, giảm, Apple có thể cắt giảm đơn đặt hàng linh kiện hoặc trì hoãn nhiều lô hàng giao đi, khiến nhà cung ứng thêm tồn kho. Điều này có thể đẩy cao khả năng nhà cung ứng giảm giá khi Apple trở lại bàn đàm phán.
|
Apple ngày càng nhắc nhiều đến 1,3 thiết bị đã được sử dụng hơn là doanh số iPhone mỗi quý. Công ty thực hiện nhiều thay đổi để giúp khách hàng hiện tại hài lòng, cùng lúc cũng bán thêm dịch vụ cho họ.
Nhà phân tích Apple kỳ cựu Gene Munster tại hãng Loup Ventures cho hay: “Apple không còn là doanh nghiệp phần cứng truyền thống. Mô hình đầu tư của Apple đang chuyển hướng tập trung từ việc bán thiết bị sang doanh nghiệp được thúc đẩy bởi dịch vụ, có thể được dự báo trước nhiều hơn”.
Năm nay, Apple thực hiện nhiều nỗ lực để kéo dài thời gian dùng iPhone sau khi xác nhận hãng cố ý điều chỉnh tốc độ của các mẫu điện thoại cũ để tránh vấn đề về pin, để rồi vấp phải phản ứng dữ dội từ phía người tiêu dùng. Việc này có thể làm nản lòng những người muốn nâng cấp thiết bị mới hơn. Đây cũng là dấu hiệu đáng ngại cho các nhà cung ứng.
|
Gần đây hơn, Apple tung phiên bản hệ điều hành iOS 12 mới, hỗ trợ 28 thiết bị hãng sản xuất, trong đó có các mẫu được bán từ năm 2013. Các đợt nâng cấp iOS trước đây hỗ trợ thiết bị có tuổi đời chỉ vài năm trở lại, song lần này, Apple thực sự ưu tiên tăng cường tốc độ cho các đời iPhone cũ. Phần mềm mới có thể mở ứng dụng máy ảnh trên các mẫu iPhone cũ nhanh hơn 70%, mở bàn phím nhanh hơn 50% so với iOS 11, hệ điều hành cập nhật hồi năm ngoái.
“Sản phẩm dùng được lâu hơn có thể giúp người dùng hài lòng hơn, từ đó tạo điều kiện để Apple tính giá thiết bị cao hơn, hoàn thiệt các mục tiêu môi trường của hãng”, nhà phân tích Toni Sacconaghi thuộc hãng Sanford C. Bernstein & Co. cho biết.
Những nỗ lực của Apple có thể kéo dài chu kỳ thay thế iPhone lên sáu tháng đến 3,2 năm, thúc đẩy doanh số bán iPhone 6%/năm trong ba năm. Khi iPhone xài được lâu hơn, người dùng có nhiều khả năng đăng ký thêm dịch vụ mới, giúp thiết bị Apple hấp dẫn hơn so với giá đắt đỏ phải đầu tư ban đầu.
Bình luận (0)