Điện thoại 10 USD 'made in China' đánh vào châu Phi và các nước nghèo

Thu Thảo
Thu Thảo
10/04/2019 14:00 GMT+7

Trong khi nhiều hãng smartphone lớn Trung Quốc như Huawei, Xiaomi nỗ lực cạnh tranh với Apple và Samsung Electronics ở phân khúc cao cấp, một hãng ít tên tuổi tại Thâm Quyến có tham vọng khác với điện thoại giá chỉ từ 10 USD.

Theo South China Morning Post, Transsion Holdings là doanh nghiệp khác biệt. Công ty tập trung vào việc mang smartphone, điện thoại cơ bản và thiết bị cầm tay vừa túi tiền đến khách hàng với hầu bao khiêm tốn. Hẳn nhiên, những chiếc điện thoại này đôi khi có bàn phím vật lý cũ kỹ và chức năng hạn chế, song lại là sản phẩm cần thiết tại nhiều nền kinh tế đang phát triển.

Hỗ trợ tham vọng Trung Quốc

Người dùng điện thoại hiệu Tecno do Transsion sản xuất Ảnh: Medium
Nhờ chiến lược đánh vào phân khúc bình dân, Transsion là nhà cung ứng điện thoại di động lớn nhất châu Phi. Cách tiếp cận kinh doanh của Transsion khó thay đổi ngay cả khi nhiều hãng Trung Quốc lớn cũng mở thương hiệu thứ nhì để sản xuất sản phẩm với giá cả cùng tính năng bình dân hơn. Nhà phân tích Zaker Li tại IHS Markit nhận định: “Khách hàng tại hầu hết thị trường mà Transsion đang mở rộng đều nhạy cảm về giá. Vì vậy, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp sẽ không sớm khác đi”.
Transsion nhắc lại chiến lược kinh doanh trong hồ sơ nộp chờ IPO ở Thượng Hải. Công ty cho biết họ cam kết “cung ứng thiết bị đầu cuối viễn thông, di động chất lượng cao đến các thị trường mới nổi ở nước ngoài, đặc biệt là thị trường của các nước có tham gia sáng kiến Vành đai, Con đường”.
Vành đai, Con đường là dự án mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra, nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng, liên kết thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc với khoảng 65 nước khác, vốn cùng nhau chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và 62% dân số thế giới.
Transsion tự xem mình là hình mẫu doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc ở nước ngoài. Công ty đặt mục tiêu thúc đẩy chương trình nghị sự của Bắc Kinh bằng cách thuận theo kế hoạch Vành đai, Con đường, và giúp Trung Quốc siết chặt quan hệ với châu Phi. Chuyên gia Li nhận định rằng bước theo hai chính sách quốc gia là động thái thông minh của Transsion, và châu Phi đã là thị trường mà Transsion thâm nhập sâu từ nhiều năm qua.

Từ châu Á đến châu Phi

Nhà máy ở Ethiopia của Transsion Ảnh: Handout
Transsion được ông George Zhu Zhaojiang thành lập năm 2006. Công ty được công nhận rộng rãi với tư cách nhà sản xuất điện thoại đầu tiên cung ứng thiết bị cầm tay dual SIM ở châu Phi, nơi nhiều người thường “bỏ túi” vài thẻ SIM để tránh cước cuộc gọi trái mạng cao. Công ty cũng cung ứng điện thoại cơ bản với pin dùng được đến cả tháng chỉ với một lần sạc. Đây là điểm lấy lòng người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa vì nhiều người trong số họ phải di chuyển đến 50 km chỉ để sạc thiết bị.
Ban đầu, Transsion có mặt trên sàn chứng khoán với cái tên Tecno Telecom. Công ty là hãng điện thoại di động đầu tiên có cơ sở sản xuất ở châu Phi, cụ thể là Addis Ababa, thủ đô Ethiopia vào năm 2011. Transsion hiện có 14.000 nhân viên trên toàn cầu cùng nhà máy tại Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh.
Nhiều ước tính gần đây cho thấy doanh nghiệp ăn nên làm ra ở châu Phi. Theo hãng nghiên cứu IDC, dù số lô smartphone thế giới sản xuất năm qua giảm 4,1%, số lô smartphone sản xuất tại lục địa đen lần đầu tăng trưởng từ năm 2015. Thị trường smartphone châu Phi tăng 2,3% lên đạt mức 88,2 triệu chiếc xuất xưởng nhờ tín hiệu tích cực từ các nước như Nigeria, Ai Cập và Nam Phi.
Transsion có thương hiệu điện thoại Tecno, Infinix và Itel, nắm tổng cộng 58,7% thị phần tại thị trường châu Phi. Xét về smartphone, công ty dẫn đầu châu lục năm ngoái với 34,3% thị phần, đứng trước cả Samsung và Huawei với lần lượt 22,6% và 9,9% thị phần. IDC ước tính Transsion bán ra gần 124 triệu điện thoại năm 2018 nhờ mạng lưới bán hàng trải rộng 70 nước và vùng lãnh thổ.

10 USD/chiếc

Tecno i7 của Transsion Ảnh: Hindustan Times
Mức giá khởi điểm siêu rẻ cho sản phẩm của thương hiệu Tecno, Infinix lẫn Itel đều hỗ trợ doanh số. Giá trung bình của điện thoại tính năng là 65,95 nhân dân tệ, tức tầm 10 USD trong năm 2018. Smartphone giá bình quân 454,38 nhân dân tệ, tương đương 67 USD. Mức giá này chỉ bằng 5% giá iPhone XS của Apple.
Dù bán hàng rẻ, công ty vẫn tăng cường nghiên cứu và phát triển (R&D), chú trọng thiết kế và sản xuất để theo kịp nhiều cái tên hàng đầu làng smartphone trong nước như Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi. Transsion có trung tâm R&D ở Thượng Hải cùng Thâm Quyến, hợp tác chặt chẽ với đội ngũ ở Nigeria và Kenya. Đây là một trong các doanh nghiệp “made in China” thành công trong việc thay đổi nhận thức của người tiêu dùng rằng Trung Quốc chỉ làm đồ rẻ, chất lượng kém.
Tại thị trường Ấn Độ, đất nước có dân số gần như tương đương với Trung Quốc, công ty phát triển cách mở khóa điện thoại bằng tính năng nhận dạng dấu vân tay chịu được dầu. Lý do là vì văn hóa ăn uống dùng tay khiến dân Ấn khó sử dụng smartphone với tay sau khi ăn. Đây là một trong những ví dụ cho thấy Transsion bản địa hóa sản phẩm.
Hiện Transsion có kế hoạch đầu tư 3 tỉ nhân dân tệ vào R&D và vào nhà máy điện thoại mới sau khi hoàn thành IPO. Hãng cũng đẩy mạnh sản phẩm điện tử tiêu dùng trong nước để thúc đẩy đa dạng hóa kinh doanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.