Theo CNBC, đây là ý kiến của giám đốc doanh nghiệp được thành lập với mục tiêu dọn dẹp nhiều mảnh vỡ bay quanh quỹ đạo trái đất: Ông Nobu Okada, nhà sáng lập kiêm CEO Astroscale.
Ông Okada cho biết: “Trong 5-7 năm qua, chúng ta có khoảng 2.000 hãng mạo hiểm không gian xuất hiện trên thế giới. Họ sẽ phóng từ 10.000 đến 20.000 vệ tinh trong 5-10 năm tới. Chúng ta chứng kiến sự gia tăng theo cấp số nhân của các vật thể lơ lửng trong không gian”.
Có khoảng 500.000 mảnh “rác không gian” trôi nổi xung quanh quỹ đạo trái đất, trong đó có mảnh vỡ của nhiều vệ tinh không còn tồn tại, tên lửa đẩy, đai ốc, bu lông. Tất cả đều có thể đe dọa đáng kể đến phi hành gia và tàu vũ trụ, theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA).
|
Cơ quan Vũ trụ châu Âu ước tính đến tháng 1.2018, có khoảng 29.000 vật thể lớn hơn 10 cm, 750.000 vật thể có từ 1 cm đến 10 cm, và khoảng 166 triệu vật thể từ 1 mm đến 1 cm trôi nổi trong không gian. Ông Okada cho rằng các mảnh vụn bay quanh trái đất cả ngày, và nhiều lần chúng gần như chạm nhau. Khi các mảnh vỡ chạm nhau, nó sẽ để lại các mảnh vụn nhỏ hơn nữa.
“Ngay cả các hạt nhỏ hình thành từ các đợt va chạm vẫn có đủ năng lượng để làm nổ một vệ tinh. Nếu chúng ta tiếp tục chuỗi phản ứng hết va chạm này đến va chạm khác, chúng ta sẽ không thể đưa tài sản không gian của chúng ta vào vũ trụ được nữa. Vì thế bây giờ, con người cần loại bỏ các mảnh vụn lớn ra khỏi không gian”, ông Okada nói.
|
Theo CEO David Ball của Trung tâm nghiên cứu môi trường tại Úc, có nhiều vật thể trong quỹ đạo di chuyển với tốc độ khoảng 8 km/giây, có nghĩa là “rác không gian” với kích thước của hòn bi có thể phá hủy vệ tinh.
Ông Okada cho hay doanh nghiệp ông đang phát triển công nghệ có thể lên quỹ đạo, xác định các vật thể lớn và đưa chúng xuống khí quyển để đốt cháy. Chi phí dự kiến để dẹp “rác” ngoài không gian dao động từ 100-500 triệu USD mỗi lần, và Astroscale đang cố giảm đáng kể chi phí đó.
Song Astroscale không phải là công ty duy nhất đặt mục tiêu dọn “rác không gian”. Đại học Surrey Space Centre đã có tàu vũ trụ trên quỹ đạo trái đất với công nghệ loại bỏ các mảnh vụn không gian như lưới và buồm để thực hiện thí nghiệm.
Bình luận (0)