Google và tham vọng số hóa sách in

03/04/2011 11:38 GMT+7

Ngày 21-3 vừa qua, thỏa thuận về bản quyền giữa Google và một số nhà xuất bản lớn bị tòa án phủ quyết. Tham vọng số hóa toàn bộ tri thức nhân loại của đại gia tìm kiếm số 1 thế giới một lần nữa lại gặp khó khăn.

Google công bố dự án số hóa sách in và tạo lập thư viện điện tử của mình vào cuối năm 2004. Theo dự án Google Books (trước đây được gọi là Google Book Search và Google Print), Google sẽ scan lại các bản sách in, chuyển sang định dạng văn bản có thể tìm kiếm được (OCR) và đưa vào thư viện ảo của mình.
 
Nhờ đã được chuyển định dạng văn bản, người dùng có thể tìm kiếm sách (và từ tháng 12-2008 là cả các tạp chí) từ một đoạn nội dung bất kỳ qua Google.com hoặc Google Books.
 
Từ kết quả tìm kiếm trả về, tùy thuộc tình trạng thỏa thuận bản quyền đạt được giữa Google và tác giả hoặc nhà xuất bản giữa bản quyền mà người dùng có thể xem vài câu trích dẫn, nhiều đoạn hoặc toàn bộ nội dung tác phẩm. Riêng với các tác phẩm được đưa vào thư viện công cộng (thường đã hết hạn bản quyền), người dùng còn có thể tải bản PDF miễn phí.


Google sẽ đưa vụ việc ra xin xem xét tại Quốc hội Mỹ trong khi vẫn tiếp tục cho scan các bản sách với máy ảnh có tốc độ quét 1.000 trang/giờ. Ảnh: INTERNET

Một tham vọng đáng nể
 
Với thế mạnh thông tin của mình, các tác phẩm tại Google Books sẽ được liên kết với mọi thông tin liên quan như đánh giá tác phẩm, danh mục tham khảo, các phiên bản, nhà xuất bản, tác giả... Sau khi đã có các thông tin cần thiết, người dùng có thể quyết định mượn từ thư viện hay mua tại các nhà sách trong các link đi kèm hoặc tại Google eBookstore.
 
Dự án số hóa bản sách in ở mọi ngôn ngữ này, nếu thành công sẽ giúp Google nắm giữ kho kiến thức trực tuyến lớn nhất của cả nhân loại. Trong năm 2010, Google tính toán được hiện có khoảng 130 triệu đầu sách trên toàn thế giới và dự kiến sẽ hoàn tất công trình vào cuối thập kỷ này. Ngày 14-10-2010, Google công bố đã số hóa được khoảng 15 triệu tựa sách và phần lớn trong số đó là các tác phẩm không còn được xuất bản hoặc bán rộng rãi trên thị trường.

Với thỏa thuận cho phép Google toàn quyền số hóa phần lớn các tác phẩm được bảo vệ bản quyền tại Mỹ, các nhà xuất bản và tác giả bị mặc định tham gia các kế hoạch bán sách tại Google eBookstore với lợi nhuận đã được định sẵn (37% cho Google và 63% cho nhà xuất bản và tác giả).

Trong các công bố liên quan đến dự án, Google nhận rằng lý tưởng phía sau Google Books là xóa bỏ rào cản giữa con người và tri thức nhưng đồng thời cũng mang lại lợi ích cho giới xuất bản. Theo Google, lợi ích rõ ràng nhất của thư viện số này là con người có thể dễ dàng tiếp cận tri thức qua những bản sách vốn không còn trên thị trường hoặc bị bỏ quên trong các thư viện. Bên cạnh đó, những tác phẩm mới được hưởng lợi khi người dùng dễ dàng tìm thấy thông tin hơn và đương nhiên là dễ tìm mua hơn.
 
Cảm xúc trái chiều
 
Trong khi đạt được sự ủng hộ của các thư viện với những tác phẩm quý hiếm và không còn được xuất bản, với những gì đã diễn ra trong cộng đồng xuất bản và tại tòa án, rõ ràng kế hoạch làm chủ thông tin nhân loại của Google đang tạo nên những cảm xúc trái chiều.
 
Trước khi đạt được thỏa thuận đã bị bác bỏ nói trên, các nhà xuất bản phản đối kế hoạch của Google rất mạnh mẽ vì lo sợ không nắm giữ được bản quyền các tác phẩm của mình. Từ năm 2005-2008, sau nhiều lần hòa giải, Google mới thuyết phục được các nhà xuất bản tham gia kế hoạch với thỏa thuận trị giá 125 triệu USD, cho phép Google toàn quyền số hóa phần lớn các tác phẩm được bảo vệ bản quyền tại Mỹ và người dùng Mỹ sẽ được xem tối đa 20% nội dung các bản sách còn bản quyền.
 
Tuy nhiên, nhiều nhà xuất bản và tác giả lại không đồng tình với Google Books. Theo họ, với thỏa thuận này, họ bị mặc định tham gia vào các kế hoạch bán sách tại Google eBookstore với lợi nhuận đã được định sẵn (37% cho Google và 63% cho nhà xuất bản và tác giả). Và như vậy, nếu muốn tác phẩm của mình có điều kiện ràng buộc hoặc chia sẻ khác đi, họ buộc phải tự gửi yêu cầu rời khỏi nhóm thỏa thuận với Google.
 
Thẩm phán Denny Chin trong lý giải về việc phủ quyết của mình lại chỉ ra rằng thỏa thuận này sẽ tạo ra thế độc quyền cho Google khi trao vào tay công ty này đặc quyền số hóa các tác phẩm hết hạn bản quyền hoặc không rõ người giữ bản quyền.
 
Các chuyên gia cũng đồng ý với nhận định này khi cho rằng danh mục đa dạng, thông tin dồi dào hơn sẽ giúp Google có lợi thế lớn hơn hẳn bất kỳ đối thủ nào trên thị trường kinh doanh sách trực tuyến (như Amazon, BN, Apple iTunes...), nhất là khi họ mở dịch vụ bán phiên bản e-book của các sách mới xuất bản tại nhà sách trực tuyến của mình. Song song đó, việc bán quảng cáo trên trang kết quả tìm kiếm của Google sẽ giúp hãng này thu lợi từ các tác phẩm không còn hạn bản quyền cũng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi quanh dự án của hãng.

Tuy nhiên, ngài thẩm phán cũng đồng ý rằng một thư viện số khổng lồ sẽ mang lại lợi ích chung cho cả nhân loại và ông không phủ quyết hoàn toàn mà vẫn để ngỏ cánh cửa kháng cáo cho Google nếu hãng có thể chỉnh sửa thỏa thuận của mình phù hợp hơn.
 
Trí tuệ nhân tạo
 
Trong khi đó, nhiều quốc gia cũng đang nỗ lực “chạy đua” với tiến độ của Google khi đang tiến hành số hóa toàn bộ các thư viện quốc gia của mình như Pháp, Hà Lan, Úc, Phần Lan và Na Uy. Song song đó, châu Âu cũng không ủng hộ Google Books khi một phiên tòa tại Pháp đã chính thức bác bỏ ý định scan các tác phẩm được bảo hộ bản quyền tại đây của Google.
 
Rõ ràng tham vọng của Google sẽ còn phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Vào lúc này, hãng cho biết không định thay đổi các điều lệ căn bản trong thỏa thuận của mình và có thể sẽ đưa vụ việc này ra xin xem xét tại Quốc hội Mỹ, trong khi vẫn tiếp tục cho scan các bản sách liên tục (với máy ảnh có tốc độ quét 1.000 trang/giờ).
 
Riêng người viết cho rằng với những gì đang diễn ra tại Google, kế hoạch “con cưng” của nhà đồng sáng lập Google Larry Page không chỉ là về sách và chia sẻ tri thức nhân loại. Với các thuật toán tìm kiếm ưu việt của mình, cùng kho dữ liệu của toàn nhân loại thu thập được qua các bản sách số hóa, nếu thành công, Google đủ khả năng trở thành trí tuệ nhân tạo thông minh nhất trong lịch sử loài người. Và khi đó, viễn cảnh về một robot có thể trả lời mọi câu hỏi của con người sẽ không chỉ nằm trong các bộ phim hay tiểu thuyết khoa học viễn tưởng.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.