Hệ thống định vị Trung Quốc cạnh tranh GPS dự báo thị trường 298 tỉ USD

Thu Thảo
Thu Thảo
15/04/2019 15:50 GMT+7

Bắc Đẩu, hệ thống định vị vệ tinh "cây nhà lá vườn" của Trung Quốc được thiết kế để giảm sự phụ thuộc vào Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) của Mỹ.

Theo South China Morning Most, ước tính mới nhất về Bắc Đẩu dự báo hệ thống này tạo ra thị trường dịch vụ giá trị hơn 2.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương 298 tỉ USD vào năm 2020.
Tại hội nghị diễn ra ở Thâm Quyến (Trung Quốc) hôm 14.4, Zhang Quande, tổng thư ký hiệp hội các ứng dụng hệ thống định vị toàn cầu và dịch vụ dựa trên địa điểm, cho hay: “Bắc Đẩu sẽ có nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực như logistics, canh tác chính xác, giám sát biển, an ninh đô thị toàn diện và thành phố thông minh. Nó sẽ bước vào giai đoạn phát triển nhanh chóng trong ba năm tới”.
Đợt mở rộng nhanh chóng của Bắc Đẩu được dự báo khi Trung Quốc tích cực thách thức sự thống trị của GPS do Mỹ dẫn dắt. Hai nền kinh tế số một thế giới hiện cạnh tranh để trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu trong mảng vũ trụ và các công nghệ liên quan. Trung Quốc lập chương trình Made in China 2025 một phần để thực hiện mục tiêu này.
Thực tế, GPS chính xác hơn, chính xác đến phạm vi cm thay vì mét của hệ thống Bắc Đẩu “made in China”. Song vì lo ngại khả năng đóng cửa dịch vụ của Washington một khi có xung đột xảy ra, Trung Quốc, Nga và nhiều nước khác nỗ lực phát triển hệ thống riêng. Bắc Đẩu là một trong bốn hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu, cùng với GPS của Mỹ, Glonass của Nga và Galileo của châu Âu.
Trong tháng 12.2018, Trung Quốc tuyên bố triển khai dịch vụ Bắc Đẩu trên toàn cầu, trước thời hạn vạch ra là vào năm 2020. Nước này phóng 19 vệ tinh định vị vào năm 2018 và các vệ tinh này có khả năng cung cấp độ phủ sóng cơ bản. 12 vệ tinh định vị khác được lên kế hoạch phóng vào năm 2020 để cải thiện độ chính xác của hệ thống.
Hiện Bắc Đẩu có độ chính xác đến 5 mét trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và 10 mét ở các nơi khác trên thế giới. Ông Zhang cho hay giá trị thị trường của các ứng dụng Bắc Đẩu có thể vượt 2.000 tỉ nhân dân tệ vào năm 2020, khi hệ thống hoàn tất phủ sóng toàn cầu.
Cũng như GPS, Bắc Đẩu khởi động năm 1994 với tư cách hệ thống phòng không và mục tiêu thúc đẩy chương trình vũ trụ quốc gia. Nó cũng được tạo ra để quân đội Trung Quốc không phải phụ thuộc vào hệ thống do Mỹ chế tạo. Hệ thống này ngày nay không chỉ phục vụ nhu cầu hàng không dân dụng và hàng hải mà còn được dùng trong các nỗ lực tìm kiếm cứu nạn, viễn thông và ứng dụng điều hướng tiêu dùng toàn cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.