Lương Thị Ngọc Diệp - SV trường CĐ Kinh tế đối ngoại
Trong khu chợ nhỏ tại khu phố 3 (TP Pleiku, Gia Lai), người ta vẫn thường kể cho nhau về câu chuyện cảm động của người bà nội và đứa cháu gái Lương Thị Ngọc Diệp. Tin Diệp đỗ cùng lúc vào hai trường ĐH - CĐ càng làm "câu chuyện cổ tích" ở xóm chợ nghèo ấy trở nên có thật.
Lượm lặt từng đồng từ gói mì tôm, muỗng bột ngọt... bà tích cóp thành 2 bữa cơm hằng ngày và 12 năm đến trường cho Diệp. Thương bà, Diệp chăm chỉ học hành. Nhiều năm liền là học sinh giỏi, đạt giải khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp tỉnh... là những phần quà dành tặng cho bà. Biết bà vất vả kiếm ra đồng tiền, Diệp cũng tự học được cho mình đức tính chắt chiu dành dụm từ khi nào. Mỗi khi bà cho tiền ăn sáng, Diệp lẳng lặng cất để dành mang về bỏ vào tủ tiền để bà lấy hàng. Khi còn học cấp 2, học buổi chiều thì sáng dậy từ 4 giờ sáng cùng thím lấy rau muống ra chợ đi bán.
Trong những ngày nghỉ hè, người ta còn thấy Diệp lách tách, nhanh nhẹn dạo quanh các bến xe bán cóc ngâm để dành dụm tiền cho năm học mới. Chăm ngoan, học giỏi và cũng vì "thấy tội quá" nên thầy cô người mua cho Diệp manh vải, cuốn tập cây viết, khi cuốn từ điển, lúc là suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học... Cứ thế Diệp đã đi hết được quãng đường phổ thông và đến được với cánh cổng của hai trường ĐH, CĐ: trường ĐH Quy Nhơn (20 điểm) và trường CĐ Kinh tế đối ngoại (21,5 điểm).
Vào Sài Gòn nhập học là quyết định đã có nhiều trăn trở của Diệp: "Em thi vào ngành Sư phạm tiếng Anh trường ĐH Quy Nhơn vì nghĩ rằng không phải đóng học phí. Nhưng khi so ra thì mức học phí tại trường CĐ Kinh tế đối ngoại lại thấp hơn, nên dù học CĐ nhưng Sài Gòn sẽ là nơi có nhiều điều kiện hơn cho việc vừa học vừa làm thêm của em. Nếu xin làm được gia sư thì tốt, còn không thì xin làm tại xưởng may cũng có cách kiếm tiền".
Một mình nơi Sài Gòn, còn biết bao nhiêu việc phải làm, nhưng "em thấy canh cánh một nỗi lo vì cái tuổi trên 70 của nội, đôi mắt bị hạt cườm mới mổ được một bên, thấy thiếu vắng quá những chén cơm chiên của nội mỗi sáng thức dậy"... Dù bà đã cố gắng lắm nhưng vẫn chưa đủ số tiền cho cháu gái nhập trường, "em đã viết đơn xin nhà trường cho em được đóng trước một nửa số tiền, nửa còn lại em sẽ đóng khi nhận được lương. Em đã tới một số nơi nhưng vẫn chưa tìm được việc".
Nguyễn Thị Huyền Trang - SV trường ĐH Sư phạm TP.HCM
May mắn hơn Diệp, buổi nhập trường của Trang có mặt của mẹ và người anh trai hiện đang là sinh viên ngành Y học cổ truyền trường ĐH Y-Dược TP.HCM. Trong niềm vui của ngày nhập học, trên gương mặt gầy gò và đen sạm vì khắc khổ của người mẹ thoáng hiện ra sự lo âu vì cảnh khốn khó của gia đình. Giá trị nhất trong hành trang đến với cổng trường ĐH của Trang chính là chiếc xe đạp cũ mà hai mẹ con đã cất công mang từ nhà lên. Đó là chiếc xe mà "ngay sau khi biết tin con gái trúng tuyển, cha Trang đã đem ra tu dưỡng lại, bỏ nhớt, vặn từng con ốc nhỏ, thay đi chiếc lốp đã mòn... để chuẩn bị phương tiện cho con gái đi học ĐH xa nhà", chị Hường - mẹ của Trang tâm sự.
Huyền Trang cùng mẹ và anh trai trong ngày nhập trường |
Từng là cảnh sát và bị thương trong lúc thi hành nhiệm vụ, anh Huyên - cha của Trang sớm bị mất sức lao động. Chuyển vào Đồng Nai sinh sống, cuộc sống cả gia đình đều dựa vào mỗi nghề nông. Được tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng để làm vốn nuôi heo, gà, vịt... gia đình cũng là lấy ngắn nuôi dài cho đứa con đầu 6 năm tại giảng đường. Hết lở mồm long móng, H5N1, rồi lại heo tai xanh... công sức, vốn liếng của gia đình cứ thế rơi rụng theo các dịch bệnh.
"Tiền của mất cứ mất, nhưng việc học của con cái thì không thể dừng lại. Khó khăn nhưng không thể để con phải bỏ học được", chị Hường quyết tâm. Chưa lo xong 6 năm học của đứa con đầu, đứa con gái lại cùng lúc đỗ vào hai trường ĐH: ĐH Sư phạm TP.HCM và ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Chọn học Sư phạm để bớt đi khoản tiền học phí, nhưng những trang trải việc ăn học khi mà mọi thứ ngày càng đắt đỏ thì mọi chuyện đều không dễ dàng. Nhất là khi tất cả chỉ còn trông chờ vào đôi tay của người mẹ.
Trước kia, dù mất sức nhưng người cha vẫn đi làm bất cứ việc gì có thể, khi phụ hồ, đào đất, thông mương, lúc cắt cây chặt củi... miễn là có tiền cho con ăn học. Ở tuổi trung niên này, người cha càng khó khăn hơn với những công việc vốn không ổn định này. Cũng như Diệp, Trang vui mừng muốn rơi nước mắt vì biết mình được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình - Chương trình Tiếp sức mùa thi của Báo Thanh Niên do Công ty Thiên Long tài trợ. "Dù không hết lo nhưng học bổng là sự chia sẻ và động viên rất lớn cho em, nhất là trong lúc đầu khi chưa tìm được việc làm thêm này", Trang bày tỏ lòng biết ơn.
Hà Ánh
Kỳ tích của cậu học trò bất hạnh
"Trong khai sinh của em vẫn có tên họ của ba đầy đủ, nhưng từ lúc sinh ra đến giờ chưa bao giờ em gặp mặt!", Lê Phú Hoàn (thôn Bồ Bản 1, xã Hòâa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) bắt đầu buổi trò chuyện bằng một câu nói trầm buồn. Nhưng đó chưa phải là tất cả những gian nan mà cậu học trò này phải đối mặt. Đối với Hoàn, những ngày tháng thực sự khủng khiếp nhất của em đó là khi mẹ phát hiện ra căn bệnh ung thư. Người mẹ mà đối với em là tất cả những hạnh phúc hiện hữu trên thế gian. 1 tháng sau ngày phát hiện bệnh, mẹ ra đi, để lại những buồn tủi và đau đớn của một cậu học trò đã vắng cha, giờ lại còn mất đi luôn mẹ. "Giờ em vẫn còn nhớ, mẹ đã đau đớn như thế nào. Những lúc ấy, em chỉ biết ngồi bên, xoa lưng cho mẹ mong san sẻ bớt được nỗi đau của mẹ. Có lẽ, những ngày tháng quá đỗi cực nhọc mẹ phải làm nông vất vả một mình để nuôi dưỡng em và chị gái khôn lớn, khiến mẹ không thể trụ vững đến nỗi phải ra đi ở cái tuổi gần 50".
Lê Phú Hoàn - ảnh: Diệu Hiền |
Hằng ngày, từ nhà đến trường THPT Ông Ích Khiêm, Hoàn phải đi bộ gần 1 tiếng đồng hồ, nhưng suốt những năm 12, Hoàn vẫn chưa bỏ buổi học nào. Ngoài giờ học, Hoàn phụ giúp dì và các anh chị làm nông. Những ngày mùa, Hoàn vừa tranh thủ tham gia thu hoạch, vừa đem sách vở theo để học. Và không phụ Hoàn, cùng sự trông đợi của thầy cô và người thân, em đã trúng tuyển vào ĐH Kinh tế Đà Nẵng trong kỳ thi tuyển sinh 2007, với tổng số điểm 22, một kết quả mà nhiều học sinh không gặp hoàn cảnh ngặt nghèo như Hoàn đều phải mơ ước. Dì Thưởng - người đang nuôi dưỡng Hoàn mừng rơi nước mắt. Với mọi người, đó là "kỳ tích" bởi những bất hạnh mà Hoàn phải trải qua và từng đối mặt là quá lớn. Hỏi vì sao lại thi vào khoa Tài chính doanh nghiệp (ĐH Kinh tế Đà Nẵng) mà không phải là một trường nào khác, Hoàn thành thật: "Mong ước của em là thi vào khoa Điện tử của ĐH Bách khoa, nhưng cậu em bảo, thi vào khoa Tài chính doanh nghiệp sau ra trường dễ xin việc. Vả lại, học Kinh tế chỉ 4 năm mà Bách khoa đến 5 năm, em không muốn mình kéo dài thêm thời gian sống dựa vào dì, người đã hy sinh quá nhiều cho em! Em muốn được đi làm để có thể đền ơn những người đã giúp em đứng dậy khi em cảm thấy bế tắc nhất trong cuộc sống!".
Khi nghe tin mình sẽ là một trong những sinh viên được nhận học bổng "Tiếp sức mùa thi", Hoàn vui lắm. Em bảo, từ lúc nhập học đến giờ, trong lòng Hoàn lúc nào cũng canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền. Em đã chuẩn bị tâm lý đi làm gia sư để kiếm tiền trang trải việc học, nhưng chưa tìm được chỗ dạy. "Số tiền mà dì cậu chuẩn bị cho em trước ngày nhập học là số tiền mà mọi người đã phải làm việc thật nhọc nhằn để có nó, nên mỗi khi tiêu vào một thứ gì, em cũng đều băn khoăn, suy nghĩ dữ lắm! Có học bổng rồi, em có thêm động lực và em hạnh phúc vì có được sự quan tâm của mọi người!"- Hoàn chân thành tâm sự.
Diệu Hiền
Võ Quang Hùng - Đứa con của "ô-sin"
Hùng và mẹ |
Người mẹ hiền tần tảo ở vậy nuôi con. Ông trời đôi khi nghiệt ngã quá với phận đàn bà, 37 tuổi chị vẫn không có lấy một tấm chồng. Nhà nghèo, 2 con người ấy ở vậy nuôi nhau, cho đến năm 1989, chị xin... có con. Cháu Hùng sinh ra không có cha, bà ngoại đau ốm thường xuyên, gia đình lại nghèo nên thân thể em còi cọc từ đó. Chị Nguyệt một mình nuôi con khôn lớn và chăm nom người mẹ già yếu ấy cho đến cách nay 6 năm, bà cụ qua đời sau một cơn bạo bệnh. Căn nhà lợp lá nhỏ bằng cái lều vịt trở nên trống trải hơn. Năm 2004, trong một lần thăm quê hương Nại Cửu, các cựu chiến binh tỉnh An Giang đã hỗ trợ chị 5 triệu đồng, cùng với 2 triệu đồng do bà con lối xóm quyên góp và giúp công xây cho hai mẹ con chị một căn nhà cấp 4 rộng chừng 20m2 (đến nay vẫn chưa tô được). Ngày ngôi nhà hoàn thành, chị mừng rơi nước mắt. Nhưng không lâu sau, ngôi nhà ấy chỉ có cháu Hùng sinh sống.
Để có tiền nuôi con ăn học, chị phải lên thị xã Đông Hà làm "ô-sin". Người ta trả công chị mỗi tháng 300 nghìn đồng, đủ tiền sách vở và học phí cho con. Ngoài giờ đi học, Hùng tranh thủ cuốc cày, trồng trọt cây rau, cây mía đem đi chợ quê bán mỗi ngày kiếm được chừng 5 nghìn đồng để sống qua ngày. Cơ cảnh nghèo khó, vất vả là vậy, nhưng Hùng học rất giỏi. Vừa rồi, em thi đỗ vào trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ngành Cơ khí chế tạo máy.
Tin vui, nhưng chị Nguyệt cứ thần người ra, vì lấy đâu ra tiền cho con theo học. Hôm Hùng cầm giấy báo trên tay, rơi nước mắt nói với mẹ: "Mẹ ơi, đây là ước mơ của con bao năm nay, con muốn đi học để có được cái ngày hai mẹ con mình có được cái ăn đàng hoàng, sẽ không còn lầm lũi nữa!". Chị ôm lấy con vào lòng, nước mắt cứ thế chảy ròng ròng. Hôm sau, chị đi một vòng quanh xã, bà con cho mỗi người một ít, được tất cả 2 triệu đồng.
Chị mừng quá, chạy một mạch về nhà đến nỗi thở không ra hơi. Ngày Hùng lên đường nhập học, 2 mẹ con cuốc bộ hàng cây số ra quốc lộ đón xe. Chị nói với con: "Chỉ có 2 triệu thôi con ạ, gắng chi tiêu tiết kiệm mới sống được!". Hùng ôm chặt lấy mẹ, khóc nức nở: "Con sẽ cố gắng học giỏi để không phụ lòng mẹ và bà con lối xóm!".
3 người con mồ côi
Khác với Hùng, em Nguyễn Quốc Thịnh sinh ra trong gia đình có đủ bố và mẹ. Nhưng rồi một buổi chiều buồn cách nay chừng một năm, em đã mãi mãi không còn được nhìn thấy mẹ. Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa đang sống mạnh khỏe, đột ngột bị tai biến mạch máu não.
3 chị em mồ côi Ngọc, Thịnh và Huyền |
Chỉ 3 tháng sau ngày chị Hoa ra đi, anh ngã bệnh nặng và qua đời, để lại 3 người con mồ côi. Cháu Nguyễn Thị Bích Ngọc, vừa tốt nghiệp trường Trung cấp Kế toán Mai Lĩnh (thị xã Đông Hà) chưa xin được việc làm, em nhỏ Nguyễn Thị Thu Huyền đang là học sinh lớp 7. Phần Thịnh nhờ thầy cô giáo, bạn bè động viên nên em học rất giỏi và thi đỗ vào trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, khoa Công nghệ thông tin.
Cũng như Hùng, Thịnh không có tiền nhập học. Trước ngày em lên đường, bà con, hàng xóm khu phố 7, phường 1 (Đông Hà) quyên góp mỗi người một ít, cho em tất cả được 2,3 triệu đồng. Ngày tôi tìm về khu phố 7, em đã vào trường được 3 ngày. Chị em nói với tôi trong nước mắt: "Em chỉ mong sớm kiếm được việc làm để nuôi các em...".
Ngô Ngọc Đông Ca
Bình luận (0)