Huawei 'bỏ túi' nhiều hợp đồng 5G bất chấp áp lực từ Mỹ

Thu Thảo
Thu Thảo
01/03/2019 07:35 GMT+7

Huawei vừa đạt một loạt thỏa thuận bán thiết bị 5G tại hội chợ di động hàng đầu thế giới diễn ra ở Tây Ban Nha, bất chấp Washington nỗ lực thuyết phục đồng minh tránh xa hãng viễn thông Trung Quốc.

Theo AFP, Huawei chạy chiến dịch truyền thông tích cực nhằm bác bỏ cáo buộc mà Mỹ đưa ra tại Hội nghị Thế giới Di động (MWC) vừa kết thúc hôm 28.2 ở Barcelona (Tây Ban Nha). Mỹ cho rằng thiết bị viễn thông giá rẻ của Huawei có thể trở thành rủi ro, cho phép gián điệp Trung Quốc theo dõi và phá hoại các nước nếu được sử dụng trong mạng lưới 5G toàn cầu.
Mỹ xem vấn đề này là cấp bách trong bối cảnh nhiều nước rục rịch tung thế hệ mạng di động kế tiếp. 5G sẽ mang lại kết nối tức thời, cho phép nhiều công nghệ như công nghệ xe tự hành hoạt động tốt.
Trước ngày khai mạc MWC, trong khi nhiều doanh nghiệp nỗ lực công bố thiết bị mới của họ thì giới lãnh đạo hàng đầu Huawei tổ chức một số cuộc họp báo và gặp gỡ phóng viên quốc tế, thẳng thừng bác bỏ tuyên bố của Washington.
Chủ tịch khu vực Tây Âu của Huawei, ông Vincent Ping, cho biết: “Chúng tôi cần minh bạch hơn, điều đó có nghĩa là lên tiếng nói nhiều hơn”. Đến giữa tuần, Chủ tịch luân phiên Huawei, ông Guo Ping, có bài phát biểu quan trọng nhắc lại quan điểm rằng công nghệ 5G của Huawei không có “cửa hậu” cho phép Bắc Kinh do thám nước ngoài. “Cáo buộc an ninh từ phía Mỹ về 5G của chúng tôi không có bằng chứng. Không có gì. Trớ trêu thay, Đạo luật Đám mây Mỹ lại cho phép các thực thể của họ truy cập dữ liệu xuyên biên giới”, ông Ping phát biểu bằng tiếng Anh.
Chủ tịch luân phiên Huawei Guo Ping Ảnh: Reuters
Lập luận này được một số nhà khai thác viễn thông và phái đoàn chính phủ đồng tình. Bộ trưởng Công nghệ Truyền thông Malawi cho hay: “An ninh là vấn đề đáng quan tâm nếu nó được chứng minh. Song lúc này, chúng ta chỉ nghe suy đoán từ phía Mỹ về vấn đề an ninh của Huawei”. Nick Read, người đứng đầu nhà điều hành di động lớn thứ nhì thế giới Vodafone, cho biết Washington “rõ ràng cần” chia sẻ bằng chứng chống lại Huawei với giới chức châu Âu, để châu lục này quyết định có nên dùng công nghệ Huawei hay không.
Washington có gửi một phái đoàn đông đảo đến MWC, nơi thu hút khoảng 100.000 người đến từ nhiều lĩnh vực trong ngành viễn thông tham dự. Dù vậy, Mỹ có vẻ vẫn thất bại trong việc ngăn cản các nước khác dùng hàng Huawei.
Huawei tuyên bố ký 10 hợp đồng thương mại hoặc thỏa thuận hợp tác trong công nghệ 5G với 10 nhà khai thác viễn thông, trong đó có Sunrise của Thụy Sĩ, Nova của Iceland, STC của Ả Rập Xê Út và Turkcell của Thổ Nhĩ Kỳ. Thiết bị 5G của Huawei được xem là tiến bộ hơn đáng kể so với thiết bị của hai hãng đối thủ là Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan.
“Đây là sự xúc phạm với ngành công nghiệp của chúng tôi. Chúng tôi biết cách chạy thử nghiệm và bảo vệ mạng lưới của mình. Chúng tôi luôn biết làm thế nào. Tôi rất hài lòng với những gì Huawei cung ứng cho chúng tôi và chúng tôi không phân biệt nơi công nghệ xuất phát. Chúng tôi không bao giờ làm việc với một nhà cung cấp, mà dùng chủ yếu là hàng của Ericsson, Huawei và rất hài lòng với hai nhà cung ứng đó”, CEO Turkcell, ông Kaan Terzioglu, chia sẻ về chiến dịch chống Huawei.
Bất chấp gặt hái nhiều hợp đồng quốc tế, Huawei vẫn không thuyết phục nổi các nhà khai thác Mỹ sử dụng thiết bị. Ba trong số các hãng khai thác viễn thông lớn nhất Mỹ có liên quan đến nhiều thỏa thuận lớn đòi hỏi sự chấp thuận từ phía cơ quan quản lý. Điều này khiến họ khó lòng làm ngơ sự phản đối của Washington đối với việc sử dụng hàng Huawei.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.