Huawei lại tuyên bố 'không mấy hề hấn' khi bị Mỹ cấm

Thu Thảo
Thu Thảo
27/03/2019 18:18 GMT+7

Chủ tịch luân phiên Huawei Eric Xu cho biết chiến dịch vận động nhiều nước quay lưng với Huawei Technologies ít ảnh hưởng đến doanh số của doanh nghiệp, và sẽ không nhiều quốc gia thuận theo Washington.

Theo South China Morning Post, ông Xu nói trong một cuộc phỏng vấn tại trụ sở Huawei ở Thâm Quyến: “Gần đây, chúng tôi chứng kiến số lượng lớn các nước tự đưa ra quyết định của họ. Có lẽ chỉ có Úc”. Chủ tịch luân phiên Huawei nhắc đến việc Úc, New Zealand cấm cửa công ty Trung Quốc khỏi thế hệ mạng di động 5G, song Đức, Pháp và nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) hiện vẫn phớt lờ lời kêu gọi từ Mỹ.
Ông Xu cũng khẳng định doanh thu Huawei tăng 36% trong hai tháng đầu năm 2019, đạt mức tăng thường niên 15% lên 125 tỉ USD. Số liệu thể hiện một số mảng kinh doanh cốt lõi vẫn tốt. Tăng trưởng của Huawei chủ yếu được thúc đẩy bởi hoạt động kinh doanh smartphone và doanh số mạng máy tính, truyền thông cho chính phủ và doanh nghiệp các nước. Đây cũng là các lĩnh vực được cho là sẽ giúp công ty Trung Quốc ăn nên làm ra trong tương lai gần.
Công ty Trung Quốc không cho rằng Mỹ sẽ tăng cường động thái chống hãng bằng cách cấm doanh nghiệp nhà bán thành phần, linh kiện Mỹ. Đây từng là dạng lệnh cấm áp lên ZTE hồi năm ngoái. Huawei là hãng mua chip máy tính lớn thứ ba thế giới và nhiều chip đến từ các doanh nghiệp Mỹ. Lệnh cấm bán linh kiện cho Huawei sẽ gây gián đoạn ngành công nghệ toàn cầu.
Bình luận của ông Xu đến giữa lúc Huawei kiện chính phủ Mỹ vi hiến vì ngăn trở quyền tiếp cận thị trường của doanh nghiệp. Ở Canada, luật sư của Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu, con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, kiện chính phủ vì bắt giữ bà hôm 1.12.2018 theo lệnh dẫn độ của Mỹ. Bà Mạnh đang bị cáo buộc gian lận với ngân hàng, vi phạm lệnh trừng phạt Iran.
Sau hàng loạt lùm xùm liên quan đến nền kinh tế lớn nhất thế giới, Huawei tích cực chạy chiến dịch truyền thông làm sạch hình ảnh doanh nghiệp và “đánh bóng” công ty. Đầu tuần này, phóng viên Reuters được mời đến xem các tệp tin trong “phòng đăng ký chia sẻ” của Huawei, nơi lưu giữ hồ sơ hàng chục ngàn cổ đông kiêm nhân viên. Hãng muốn chứng minh rằng doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhân viên, không liên quan đến chính phủ Trung Quốc.
Nhà đồng sáng lập Nhậm chỉ nắm giữ hơn 1% cổ phần “đứa con tinh thần” của ông. Phần lớn e ngại toàn cầu xuất phát từ quan hệ của ông Nhậm với quân đội Trung Quốc, nơi ông phục vụ với tư cách kỹ sư dân dụng trong gần nửa thập kỷ, giúp chính quyền xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc trước khi ngừng phục vụ năm 1983. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.