Khám phá startup công nghệ thực phẩm được Bill Gates hậu thuẫn

Thu Thảo
Thu Thảo
02/01/2019 08:57 GMT+7

James Rogers, CEO hãng Apeel Sciences, đang nỗ lực cùng startup thực phẩm do ông sáng lập có trụ sở ở miền Nam California chống lại chất thải thực phẩm.

Theo CNBC, Liên Hiệp Quốc ước tính chất thải thực phẩm khiến thế giới mất 2.600 tỉ USD mỗi năm, phần lớn bắt nguồn từ trái cây, rau và các loại thực phẩm dễ hư khác hỏng trước khi chúng được tiêu thụ.
Hãng Apeel gần đây lọt vào danh sách 2018 CNBC Disruptor 50. Công ty cho rằng mình có thể chống lãng phí thực phẩm bằng sản phẩm chính là Edipeel, lớp phủ không mùi, không vị, có thể ăn được và làm từ nguyên liệu thực vật. Edipeel giữ cho trái cây như cam hoặc bơ không bị hỏng trong nhiều tuần, lâu hơn so với bình thường. Trong một số trường hợp, nó có thể tăng gấp đôi thời hạn sử dụng của trái cây ngay cả khi không có tủ lạnh.
Cách giúp thực phẩm không bị hỏng tương đối đơn giản. Ông Rogers chia sẻ: “Hai nguyên nhân gây hư hỏng sản phẩm hàng đầu là mất nước và oxy hóa, hay còn gọi là quá trình hơi nước bay ra khỏi sản phẩm và oxy thâm nhập vào sản phẩm”.
Ông James Rogers Ảnh: Apeel Sciences
Lớp phủ Edipeel đơn giản hoạt động như rào cản vật lý làm chậm quá trình bay hơi, điều chỉnh lượng oxy thâm nhập vào quả. Vì Apeel làm lớp phủ vô hình từ axit béo và các hợp chất hữu cơ khác lấy từ vỏ, hạt và thịt của các loại rau quả khác, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) xem nó an toàn để ăn. Bơ được phun Edipeel hiện có mặt tại nhiều cửa hàng tạp hóa như Kroger, Costco và Harps Food Stores trên khắp nước Mỹ.
“Triết lý của chúng tôi là: Thứ duy nhất thuộc về thực phẩm là thực phẩm”, Rogers cho biết. Ông thành lập doanh nghiệp vào năm 2012, huy động được tổng cộng 110 triệu USD tiền tài trợ từ nhiều nhà đầu tư, trong đó có Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation, hãng đầu tư Viking Global Investors và Andreessen Horowitz.
Doanh nhân Mỹ năm nay 33 tuổi, lần đầu có ý tưởng về Apeel khi đang theo học lấy bằng tiến sĩ trong ngành khoa học vật liệu tại UC Santa Barbara, nơi ông cố gắng phát triển loại sơn có thể “thu hoạch” năng lượng mặt trời như các tấm pin năng lượng mặt trời.
Khác biệt của trái dâu trong ngày thứ năm khi dùng và không dùng lớp phủ Edipeel Ảnh: Apeel Sciences
Năm 2012, khi đang lái xe từ Santa Barbara đến Berkeley Lab của trường đại học, ông tình cờ nghe một podcast bàn về nạn đói của thế giới và nhìn ra vùng đất nông nghiệp phong phú. Ông tự hỏi tại sao rất nhiều người trên thế giới đang đói trong khi thế giới thực sự sản xuất nhiều thực phẩm hơn mức cần thiết để nuôi sống toàn bộ loài người.
“Vấn đề bắt nguồn từ phân phối. Chúng ta không thể đưa thực phẩm được trồng đến nơi có người cần ăn. Vì vậy, tôi tò mò không biết chúng tôi có thể phân phối thực phẩm gì. Tất cả đều bắt nguồn từ khái niệm dễ hư hỏng hay không”, Rogers cho biết.
Ông bắt đầu nghiên cứu cách thức oxy hóa và mất nước làm hỏng trái cây, và chợt nhớ về cách ngành công nghiệp thép sử dụng lớp phủ để chống gỉ sét kim loại. Ông nghĩ rằng mình có thể đưa ra giải pháp tương tự, sản xuất “áo khoác” cho trái cây, rau quả, giúp chúng chậm hư.
Lớp phủ Edipeel giúp giữa nước, hạn chế oxy hóa Ảnh: Apeel Sciences
Đây là ý tưởng lạ, đặc biệt là khi Rogers không có kinh nghiệm nông nghiệp. Thậm chí, mẹ ông từng cản ông theo đuổi ý tưởng đó. Vì thế, ông đến thư viện và đọc rất nhiều sách về sinh học thực vật. May mắn là ông học đủ để đưa ra ý tưởng mới mẻ này và xin tài trợ nghiên cứu từ Bill & Melinda Gates Foundation.
Bill & Melinda Gates Foundation ban đầu cấp cho ông 100.000 USD để khởi nghiệp. Rogers tuyển hai nhà nghiên cứu mà ông biết từ chương trình học tiến sĩ. Cả ba phát triển sản phẩm sau này mang tên Edipeel. Sáu năm sau, ông Rogers có thể hy vọng chính đáng rằng Apeel tạo ra sự khác biệt trong nỗ lực chống nạn đói toàn cầu.
Hoạt động kinh doanh của Apeel ban đầu cất cánh nhờ bán Edipeel cho các nhà sản xuất rau quả lớn như Del Rey Avocado, Horton Fruit, Eco Farmsand và hợp tác với nhiều nhà bán lẻ Mỹ - các bên mất 18 tỉ USD/năm vì thực phẩm hư hỏng. Ngoài ra, Apeel cũng làm việc với nông dân ở Kenya, Nigeria, nơi Edipeel đang chờ được phê duyệt theo quy định, để giúp họ giữ sản phẩm tươi đủ lâu để vận chuyện từ vùng nông thôn đến các thị trường lớn hơn.
Hiện lớp phủ của Apeel chỉ được bán trên quả bơ, song doanh nghiệp cũng nỗ lực bán Edipeel cho những người trồng rau quả khác để dùng trên măng tây và nhiều loại trái cây khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.